Đảm bảo thúc đẩy bình đẳng giới trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi
Thông tin được chia sẻ tại Toạ đàm chính sách “8 tiếng công bằng” do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường cùng các đối tác tổ chức trong khuôn khổ Thúc đẩy bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) diễn ra ngày 20/12 tại Hà Nội.
Nhiều nội dung bình đẳng giới sẽ được khuyến nghị sửa đổi trong Bộ luật Lao động sửa đổi.
Toạ đàm có sự tham gia của bà Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), TS.Đỗ Ngân Bình (Đại học Luật Hà Nội), thành viên nhóm cố vấn sửa đổi Bộ luật Lao động, bà Đỗ Thuý Hương (Công ty Viettronics) - uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử.
Thông Theo số liệu nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO), lao động nữ bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc chiếm 78%. Liên quan đến vấn đề này, TS.Đỗ Ngân Bình cho biết, hành vi quấy rối tình dục đã được quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012 là áp dụng chung cho các đối tượng, không phân biệt nam hay nữ. Bộ luật Lao động hiện hành lại chưa đưa ra được thế nào là hành vi quấy rối tình dục. Đồng thời có quyền chưa được xác lập đầy đủ trong Bộ luật như quyền bình đẳng của lao động nam và lao động nữ trong việc thực hiện chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ phù hợp với đặc điểm giới tính (Điều 159), bao gồm cả quyền của người lao động tự quyết định (lựa chọn) làm các công việc có ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ (Điều 160).
Do đó, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã đề cập: Hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc là dùng lời nói, hành vi mang tính thể chất hoặc tài liệu hình ảnh có tính chất tình dục không mong muốn và xúc phạm tới người nhận.
“Có bốn dấu hiệu để nhận biết quấy rối tình dục, bao gồm: Người quấy rối có biểu hiện thế nào? Phản ứng của người bị quấy rối; quấy rối tình dục diễn ra ở đâu? Trong bối cảnh/thời gian nào? Dấu hiệu thứ hai là thể hiện rõ nhất hành vi đó là quấy rối hay chỉ là trêu đùa. Quấy rối tình dục hiện là vấn đề nóng ở các doanh nghiệp, chủ yếu xảy ra nhiều ở các doanh nghiệp có nhiều lao động nữ”, thành viên nhóm cố vấn sửa đổi Bộ luật Lao động nói.
Tại toạ đàm, các đại biểu khẳng định, khi đối mặt với vấn đề này, nhiều phụ nữ thay vì có biện pháp phòng vệ bản thân thì lại chọn im lặng, có thể vì để bảo vệ công việc đang có, hoặc khi không còn chịu đựng được nữa thì chấp nhận bỏ việc. Một phần nguyên nhân là do chưa có chế tài, quy trình xử lý các vụ quấy rối tình dục nơi làm việc, ngay cả việc lập hồ sơ cũng gặp rất nhiều khó khăn.
N.K