Đại sứ Azerbaijan tích cực kết nối doanh nghiệp hai nước
Đại sứ Azerbaijan Anar Imanov (giữa) và Cục trưởng Cục Ngoại vụ Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Hoàng Long (phải) đồng chủ trì buổi tọa đàm. Ảnh: VOV.
Tọa đàm “Gặp gỡ Azerbaijan 2019” là sự kiện do Đại sứ quán Azerbaijan tại Hà Nội và Cục Ngoại vụ Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp tổ chức. Chương trình thu hút sự quan tâm của đại diện các Sở Ngoại vụ, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa & Thể thao, và doanh nghiệp các tỉnh thành trong cả nước như Hà Giang, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế, Tiền Giang, Quảng Nam, Đà Nẵng, Đắk Lắk.
Tại tọa đàm, Đại sứ Azerbaijan đã giới thiệu với các doanh nghiệp Việt Nam về Azerbaijan và lịch sử của mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Azerbaijan. Đặc biệt, các đại biểu đã được tìm hiểu sâu về cơ hội hợp tác với Azerbaijan trong ba phiên thảo luận về ba lĩnh vực tiềm năng là khách sạn – du lịch, cảng biển và logistics, nông nghiệp và thương mại nông sản.
Theo Đại sứ Imanov, Azerbaijan từng nằm trong Liên Xô trước đây nhưng có một thực tế là hiện nay ít người Việt Nam biết và hiểu rõ về Azerbaijan, mặc dù đất nước này ngoài dầu mỏ-khí đốt còn có tiềm năng rất lớn về ba lĩnh vực nêu trên.
Nhiều tiềm năng chưa được khai thác
Về lĩnh vực du lịch, Đại sứ Azerbaijan chia sẻ, người dân Azerbaijan dành một khoản chi tiêu không nhỏ cho hoạt động này. Tuy nhiên, nói đến du lịch Đông Nam Á, họ mới chủ yếu biết đến Thái Lan.
Để tăng cường sự giao lưu của thị trường du lịch hai nước, trong năm 2018, Đại sứ quán Azerbaijan đã phối hợp với hãng hàng không Qatar Airways tổ chức một chuyến đi thực địa “FAM tour” cho các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam tìm hiểu về tiềm năng du lịch Azerbaijan và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại quốc gia này. Từ chuyến đi này, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu liên lạc với các đối tác Azerbaijan và khởi động các tour du lịch sang Azerbaijan.
Tiếp nối những nỗ lực trên, năm 2019, Đại sứ Imanov đã gửi lời mời tới các doanh nghiệp và địa phương Việt Nam cử đại diện tham dự Hội chợ Du lịch Quốc tế tổ chức ở Azerbaijan vào tháng 4.
Giám đốc Sở Ngoại vụ TP,Hải Phòng Nguyễn Trung Hiếu kêu gọi Azerbaijan đầu tư vào dự án đường sắt tại địa phương. Ảnh: VOV
Bên cạnh du lịch, Azerbaijan cũng có lợi thế lớn trong lĩnh vực vận tải. Quốc gia này nằm ở giao lộ của các hành lang Đông-Tây và Bắc Nam, lại sở hữu cơ sở hạ tầng vận tải hiện đại nên đã trở thành một trung tâm trung chuyển lớn của toàn khu vực Kakvaz và các vùng lân cận.(Hàng lang Đông-Tây xuyên Caspian là một tuyến vận tải chính kết nối hai nền kinh tế lớn của thế giới là Trung Quốc và Châu Âu, trong khi đó hành lang Bắc-Nam giúp kết nối Châu Á với Nga và Bắc Âu một cách thuận tiện).
Không những vậy, Azerbaijan còn có lợi thế về ngành đường sắt, trên cả khía cạnh cơ sở hạ tầng và năng lực xây dựng đường sắt, cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển, hệ thống cảng hàng không (với 5 phi cảng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế).
Về lĩnh vực nông nghiệp, phía Azerbaijan quan tâm tới các loại nông sản của Việt Nam như hoa quả nhiệt đới, cà phê, hạt điều, hạt tiêu… Đại sứ Imanov cho biết, Azerbaijan sẵn sàng đầu tư vào thị trường nông sản Việt Nam và các doanh nghiệp nước ông cũng muốn đưa một số giống cây Việt Nam về trồng tại đất nước Azerbaijan.
Tạo điều kiện cho nhà đầu tư hai nước
Tại tọa đàm, Đại sứ Azerbaijan cũng đã nêu bật năng lực về tài chính và chuyên môn của các nhà đầu tư Azerbaijan cũng như khát khao của họ được đầu tư vào Việt Nam và thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại đất nước này.
Đại sứ Azerbaijan Imanov phát biểu tại tọa đàm. Ảnh VOV.
Theo ông Imanov, doanh nghiệp Azerbaijan sở hữu nguồn vốn đầu tư dồi dào, có nhiều kinh nghiệm trong các dự án ở Châu Âu, và hiện tại đang tìm kiếm những dự án thích hợp ở Việt Nam để đầu tư.
Đại sứ Imanov cũng đồng thời động viên các doanh nghiệp và các địa phương của Việt Nam hãy tự tin thể hiện rõ nhu cầu của mình, đưa ra danh mục kêu gọi đầu tư cụ thể, và nêu rõ các cơ chế để hỗ trợ cho hoạt động đầu tư của Azerbaijan vào các địa phương.
Ông Imanov cam kết: Đại sứ quán Azerbaijan sẽ làm hết sức mình với vai trò là cầu nối liên lạc cho doanh nghiệp hai nước.
Yến Nhi