Đài Loan muốn tham gia đàm phán về tranh chấp Biển Đông
Lâu nay, Biển Đông vẫn là khu vực bị tranh chấp chủ quyền bởi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực. Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Việt Nam, Brunei và Đài Loan đều có tuyên bố chủ quyền trên vùng biển có vị trí địa chính trị chiến lược này.
Đài Loan tuyên bố chủ quyền với một số đảo trên Biển Đông, đặc biệt là đảo Ba Bình (Đài Bắc gọi là Itu Taba) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Lin Cheng-yi, Thứ trưởng về các vấn đề với Trung Quốc đại lục, Đài Bắc đã bị loại ra khỏi các cuộc đàm phán về tranh chấp Biển Đông.
"Bắc Kinh coi Đài Loan như một người anh em. Nhưng chúng tôi rất hạnh phúc khi được tham gia nhiều hơn là chỉ đàm phán song phương... Đài Loan không nên bị loại trừ khỏi các cuộc đối thoại quốc tế" - ông Lin tuyên bố.
Theo Thứ trưởng Lin, tranh chấp giữa Đài Bắc - Bắc Kinh - Manila liên quan tới Biển Đông chỉ xảy ra thông qua các ngư dân, những người thường xuyên tiếp xúc tại vùng biển tranh chấp.
Thứ trưởng Lin Cheng-yi trả lời phỏng vấn hôm 11/3. (Ảnh: Inquirer)
"Tự do hàng hải cho ngư dân là rất quan trọng. Nhưng chúng tôi không có vị thế để tiến hành các hoạt động thực thi pháp luật mạnh mẽ ở tất cả các vùng biển" - ông Lin trả lời phỏng vấn báo giới.
Nhận định về tình hình hiện nay ở vùng biển tranh chấp, vị quan chức cấp cao Đài Loan phát biểu: "Chúng tôi muốn tất cả các nước liên quan tuân thủ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển và tôn trọng việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình".
Tháng 7 năm ngoái, Philippines đã giành chiến thắng trong vụ kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) về tính hợp pháp của tuyên bố chủ quyền "Đường 9 đoạn" mà Bắc Kinh áp đặt lên Biển Đông.
Tuy nhiên, mới đây, căng thẳng giữa 2 nước đã bùng phát trở lại khi Philippines phát hiện một số tàu Trung Quốc đi thuyền lên vùng biển Benham Rise - vốn được Liên Hợp Quốc công nhận là một phần lãnh thổ Philippines.
Manila đã lập tức bày tỏ mối lo ngại trước hành động của tàu Trung Quốc. Ngược lại, Bắc Kinh bác bỏ điều này, trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng đó chỉ đơn giàn là "hoạt động tự do hàng hải thường kỳ".
Hồng Anh