Đại lễ Vesak năm 2019: Khoảng 100 quốc gia tham dự
Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 12 - 14/5/2019 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc tỉnh Hà Nam với chủ đề "Phật giáo hướng đến sự lãnh đạo toàn cầu và cùng chia sẻ trách nhiệm vì xã hội bền vững". Hà Nam và Ban trụ trì chùa Tam Chúc đang gấp rút chuẩn bị để hoàn thiện công việc trước ngày đại lễ.
Theo đại diện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam, Đại lễ dự kiến sẽ tiếp đón khoảng hơn 50.000 người tham dự, bao gồm 1.500 chức sắc và lãnh đạo các Giáo hội, hệ phái Phật giáo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Phật học cũng như các đồng bào Phật tử hành trì và nhân dân Việt Nam thuộc nhiều truyền thống Phật giáo đến từ 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và kiểm tra công tác chuẩn bị tại Hà Nam ngày 5/12/2018
Đây là lần thứ ba, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ủy ban Tổ chức Quốc tế (ICDV) đăng cai chủ trì Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, với sự giúp đỡ và bảo trợ của Chính phủ Việt Nam.
Sau 2 lần đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), và năm 2014 tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè thế giới về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và đời sống tôn giáo ở Việt Nam.
Tại buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan ngày 5/12/2018, về công tác chuẩn bị Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak 2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng 4 địa phương là Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình và Hoà Bình đã chủ động phối hợp với các bộ ngành liên quan để tổ chức sự kiện Vesak sao cho tốt nhất.
Cảnh quan sơn thủy hữu tình của Khu du lịch Tam Chúc,
Kim Bảng, Hà Nam.
Khu du lịch Tam Chúc - nơi diễn ra Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2019 có diện tích tới 5.100 ha, riêng hồ Tam Chúc có diện tích 600ha, là vùng núi đá vôi ngập nước rất độc đáo, với phong cảnh nước non hùng vỹ. Từ trên cao nhìn xuống, Tam Chúc đẹp như một bức tranh thủy mặc khổng lồ với những đường nét hoàn toàn tự nhiên do tạo hóa sắp đặt. Có lẽ vì thế, mà Tam Chúc còn được rất nhiều nhà phong thủy đánh giá là vùng đất địa linh bởi ở thế lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra hồ.
Hiện nay, hệ thống giao thông kết nối Hà Nội và Hà Nam rất thuận lợi. Để phát huy tiềm năng liên kết vùng, UBND tỉnh Hà Nam đã quy hoạch hạ tầng kết nối khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao với chùa Bái Đính, chùa Hương, tạo thành một "Tam giác vàng” khu du lịch tâm linh, sinh thái bậc nhất ở Việt Nam.
Với mục tiêu quản lý, khai thác có hiệu quả các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, đồng thời bảo tồn giữ gìn cảnh quan môi trường sinh thái bền vững, tỉnh Hà Nam tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá đồng thời hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các quy định của nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững cho tỉnh Hà Nam.
Thanh Bùi