Đại học Padua (Italia) tài trợ 6,5 tỷ đồng thúc đẩy công tác bảo tồn, phục hồi rừng tự nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị)
Dự án do Công ty Etifor S.r.l. Benefit Corporation thuộc Đại học Padua (Italia) tài trợ với mục tiêu thúc đẩy công tác bảo tồn, phục hồi và cải thiện dịch vụ hệ sinh thái về hấp thụ và lưu trữ carbon rừng tự nhiên giao cộng đồng quản lý ở khu vực miền núi Bắc Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị).
Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa có quần thể các loài động, thực vật quý hiếm, khí hậu trong lành, hệ động thực vật phong phú và cảnh quan tuyệt đẹp - (Ảnh: Internet). |
Cấu phần hoạt động của dự án gồm: Thực hiện tuần tra bảo vệ rừng tự nhiên giao cộng đồng quản lý; Tập huấn củng cố kỹ năng về tuần tra bảo vệ rừng; Tổ chức các cuộc họp định kỳ giữa Ban chấp hành Hội CCR Quảng Trị và 05 chi hội CCR rừng cộng đồng; Tổ chức các hoạt động truyền thông cộng đồng để nâng cao nhận thức của người dân về quản lý và bảo vệ rừng;
Bên cạnh đó còn có các hoạt động như: Trồng phục hồi và làm giàu rừng cộng đồng bằng các loài cây bản địa và cây cho lâm sản ngoài gỗ (LSNG); Đánh giá FSC hàng năm; Kết nối cộng đồng với các doanh nghiệp quan tâm thu mua LSNG và chi trả dịch vụ hệ sinh thái; Giám sát và hỗ trợ kỹ thuật của Ban chấp hành Hội CCR Quảng Trị;
UBND tỉnh Quảng Trị cũng giao Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với nhà tài trợ, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện, sử dụng kinh phí tài trợ đúng với mục tiêu, nội dung khoản viện trợ được phê duyệt và quy định của pháp luật hiện hành.
Được biết, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bắc Hướng Hóa có diện tích khoảng 25.000 ha rừng và đất rừng, thuộc địa bàn phía Bắc huyện Hướng Hóa, có nhiệm vụ bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Hệ sinh thái khu này bao gồm quần thể các loài động, thực vật quý hiếm như: Gà lôi lam mào trắng, Voọc Hà Tĩnh, Sao la, Mang lớn, Thỏ vằn...; Đinh tùng, Lan hải, Trầm hương,… Tại đây đã phát hiện 920 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 518 chi và 130 họ. Trong số đó, có 17 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và 23 loài – trong Sách Đỏ Thế Giới. Đây cũng là khu duy trì giá trị dịch vụ hệ sinh thái và chức năng rừng phòng hộ đầu nguồn cho các con sông Bến Hải, Rào Quán, Sông Hiếu và sông Sê Phăng Hiêng (CHDCND Lào). |