Đại học Nhật Bản xin lỗi vì bê bối sửa điểm thi tuyển sinh trong nhiều năm
BBC đưa tin, trong buổi họp báo, đại diện của TMU thừa nhận đã sửa giảm điểm thi tuyển của thí sinh nữ cũng như của những thí sinh thi rớt nhiều lần. Việc sửa điểm này đã diễn ra ít nhất từ năm 2006.
TMU cho biết đang xem xét hỗ trợ những thí sinh đậu thành rớt vì bị sửa điểm và áp dụng biện pháp ngăn ngừa gian lận bằng cách sử dụng camera giám sát. Chủ tịch TMU Keisuke Miyazawa cho biết ông sẽ thảo luận với chính phủ về khả năng cho nhập học muộn với các thí sinh này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Giáo dục Yoshimasa Hayashi cho biết Bộ sẽ tiến hành cuộc điều tra khẩn cấp với tất cả trường đại học và cao đẳng có khoa y để đảm bảo sự công bằng trong kỳ thi tuyển sinh.
Luật sư Kenji Nakai trong ủy ban điều tra nội bộ tuyên bố, bê bối sửa điểm này là "phân biệt đối xử rất nghiêm trọng với phụ nữ", và với thủ tục tuyển sinh lừa đảo trên, “họ đã lừa gạt các thí sinh, gia đình, viên chức nhà trường và cả xã hội".
Chủ tịch Keisuke Miyazawa (phải) và Giám đốc điều hành Đại học Y khoa Tokyo Tetsuo Yukioka xin lỗi vì đã phản bội niềm tin của xã hội. Ảnh: Reuters
Theo kết quả điều tra, cựu Chủ tịch TMU Masahiko Usui, 77 tuổi, và cựu Hiệu trưởng Mamoru Suzuki, 69 tuổi, đã nhận tiền từ cha mẹ các thí sinh có điểm thi tuyển được tăng. Các cựu lãnh đạo trường đã sửa tăng điểm cho một số thí sinh là con của các cựu sinh viên của trường để trường có thể nhận được những đóng góp từ các phụ huynh này.
Đại diện TMU thừa nhận đã sửa giảm điểm thi tuyển của tất cả thí sinh nữ, cũng như của nhiều thí sinh nam khác. Theo kết quả cuộc điều tra nội bộ, một số thí sinh bị hạ điểm sau 4 lần trải qua thi tuyển vào trường. Cựu Chủ tịch Usui đã tự tay chọn các thí sinh thi đậu từ khoảng năm 1996 khi ông là thành viên ủy ban tuyển sinh.
Lí giải nguyên nhân, việc sửa giảm điểm của các thí sinh nữ được tiến hành nhằm ngăn chặn sự thiếu hụt bác sĩ tại các bệnh viện liên kết với TMU vì trường cho rằng các bác sĩ nữ có xu hướng nghỉ việc hoặc nghỉ trong thời gian dài sau khi kết hôn hoặc sinh con. Trước đó, số sinh viên nữ thi đỗ và học tập tại trường đại học này chiếm khoảng 40%.
TMU cũng không muốn nhận các thí sinh nam đã thi rớt nhiều lần vì họ cũng thường rớt trong kỳ thi quốc gia chọn bác sĩ, điều này sẽ làm giảm tỷ lệ ứng viên TMU thi đậu và làm ảnh hưởng danh tiếng của trường.
Gian lận điểm thi tuyển được cựu Chủ tịch Usui chỉ đạo và cựu Hiệu trưởng Suzuki cùng một lãnh đạo cao cấp khác biết, với mục đích giữ tỷ lệ sinh viên nữ tại TMU ở mức khoảng 30% và cho các thí sinh cụ thể đậu vào trường.
Việc sửa điểm thi tuyển bị phát hiện trong cuộc điều tra nội bộ sau vụ bê bối hối lộ liên quan các lãnh đạo hàng đầu TMU và một quan chức cao cấp Bộ Giáo dục là Futoshi Sano, 59 tuổi.
Điều tra cho thấy, trong kỳ thi chính năm nay, với điểm tối đa 400, có 6 thí sinh, gồm con trai của Sano, đã có điểm thi tuyển được sửa tăng đến 49 điểm. Cựu Chủ tịch Usui và cựu Hiệu trưởng Suzuki đã thừa nhận việc sửa điểm này, trong đó con trai của Sano đã được tăng 10 điểm. TMU cho biết sẽ "xem xét cẩn thận" việc có cho phép con trai Sano tiếp tục theo học.
Hồi tháng 7, Usui và Suzuki đã từ chức tại TMU sau khi bị cáo buộc đã hối lộ Sano dưới hình thức đảm bảo cho con trai Sano được nhập học nhằm đổi lấy trợ cấp của chính phủ cho trường. Cả Usui, Suzuki và Sana đều đã bị truy tố.
N.H