Đại diện UNDP: Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc thành lập ngân hàng Năng lượng quốc gia
Theo bà Ramla Khalidi, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đòi hỏi một nỗ lực đầu tư lớn, có thể thu hút tới 60 tỷ USD mỗi năm tính đến 2050. Tuy nhiên việc tăng dòng nguồn lực sẵn có để đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng không nhất thiết có nghĩa là giảm đầu tư vào những nơi khác. Yếu tố quyết định chính của nguồn cung tài chính không phải là sự tồn tại của các kho dự trữ quốc gia đã có từ trước, mà là khả năng sinh lời đã được điều chỉnh theo rủi ro của các dự án đầu tư.
Trưởng Đại diện Thường trú UNDP cho rằng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc thành lập Ngân hàng Năng lượng quốc gia để cấp vốn cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và đảm bảo rằng lợi ích của quá trình chuyển đổi được chia sẻ rộng rãi và chính phủ đóng vai trò bảo đảm người nghèo và cận nghèo không phải gánh chịu các thiệt hại.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam. Ảnh:UNDP |
Ngân hàng Năng lượng Quốc gia sẽ cấp vốn cho vào sản xuất điện mặt trời và năng lượng gió và cho các công ty Việt Nam sản xuất thiết bị và bảo trì cho các hệ thống năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Nó sẽ hỗ trợ hiện đại hóa nông nghiệp, nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu, giao thông xanh và công nghiệp xanh. Đầu tư quy mô lớn vào năng lượng tái tạo sẽ tạo ra một thị trường nội địa rộng lớn cho các công ty trong nước, kích thích tăng trưởng và tạo việc làm. Chính phủ có thể hỗ trợ thêm cho nghiên cứu và phát triển và xây dựng mối liên kết giữa các công ty trong và ngoài nước với các trường đại học và viện nghiên cứu quốc gia.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, trong kế hoạch đầu tư công, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo cần ưu tiên hàng đầu. Những cơ chế ưu đãi cao nhất cần được áp dụng cho việc thu hút đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước vào lĩnh vực này.
Ông Thành đề xuất cần xây dựng một hệ thống đấu thầu giá điện cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo. Vì điện mặt trời và gió (cũng như hydro) có chi phí vận hành thấp hoặc gần bằng không, còn lại chủ yếu là chi phí cố định, nên các nguồn phát này có lợi thế tự nhiên khi tham gia đấu thầu giá điện so với nguồn điện than hay khí đốt (vốn không thể trả giá thấp hơn chi phí nhiên liệu nếu không muốn bù lỗ).