Cựu binh Việt - Mỹ nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Tâm Chiến, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ hoan nghênh đoàn cựu binh Mỹ vào thăm và tìm hiểu tình hình Việt Nam. Chủ tịch Hội Việt - Mỹ ghi nhận tình cảm hữu nghị và những đóng góp tích cực trong thời gian qua của các cựu binh Mỹ vào việc thúc đẩy hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai nước. Quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt - Mỹ đã thay đổi và có những bước tiến đáng kể trong thời gian gần đây.
Chủ tịch Hội Việt - Mỹ Nguyễn Tâm Chiến (thứ 2 từ phải sang) và Phó Chủ tịch Tổ chức cựu binh Mỹ vì hòa bình Chuck Searcy (thứ 2 từ trái sang) tại buổi tọa đàm
Ông cho biết, những vấn đề tồn tại sau chiến tranh như giải quyết chất độc da cam/dioxin, bom mìn… tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ và nhân dân hai bên. Theo ông Nguyễn Tâm Chiến, để giải quyết triệt để những vấn đề này, hai nước cần thúc đẩy sự hiểu biết, tình hữu nghị, hợp tác theo hướng đối ngoại nhân dân, nhằm giải quyết tích cực và hiệu quả hơn nữa những vấn đề trên.
Ông Chuck Searcy, Phó Chủ tịch Tổ chức cựu binh Mỹ vì hòa bình (VFP), Trưởng đoàn chia sẻ: Các thành viên trong đoàn lần này có những người không phải là cựu binh nhưng đều có chung mục tiêu là phản đối chiến tranh, muốn hàn gắn vết thương chiến tranh, thúc đẩy hòa bình, hữu nghị. Bên cạnh đó trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Đoàn VFP mong muốn tìm hiểu hậu quả chiến tranh (bom mìn/vật nổ, chất độc da cam/dioxin, người mất tích/MIA); đến một số địa điểm ô nhiễm bom mìn, dioxin để gặp gỡ nạn nhân, gia đình nhằm tìm hiểu về quá trình giải quyết vấn đề chất độc da cam/dioxin và bom mìn tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Lực cho biết cần tìm ra công nghệ hiện đại xử lý môi trường để ngăn chặn sự lan tỏa ô nhiễm từ chất độc dioxin
Trong phần thảo luận, Giáo sư, Tiến sỹ, Trung tướng Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho rằng, việc giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin là vấn đề trọng tâm trong quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai nước. Trong vấn đề này, hai nước cần tích cực tìm ra những công nghệ hiện đại xử lý môi trường và có những biện pháp để ngăn chặn sự lan toả ô nhiễm và nạn nhân mới.
Về vấn đề MIA (bộ đội mất tích trong chiến tranh), các cựu binh Việt Nam hy vọng cựu binh Mỹ giúp đỡ trong việc mời các chuyên gia Mỹ có kinh nghiệm về khảo cổ học, địa chất, nhân chủng học với các thiết bị công nghệ để dò tìm vị trí hố chôn phục vụ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ; hỗ trợ xác định AND với các liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Đại biểu hai bên chia sẻ tại buổi tọa đàm
Đại biểu hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác nhân đạo nhằm khắc phục hậu quả bom mìn thông qua trao đổi đoàn, tài liệu, tổ chức các hoạt động đào tạo chung, nâng cấp trang thiết bị và công nghệ…
Tại buổi tọa đàm, các cựu chiến binh Việt Nam và cựu binh Mỹ đã chia sẻ tâm tư của mình về mối quan hệ Việt - Mỹ, đặc biệt đối với vấn đề chất độc da cam/dioxin và bom mìn tại Việt Nam.
Thùy Linh