Cuối năm ăn Tết Nào pê chầu với người H’Mông
Ném pao là hoạt động không thể thiếu trong dịp Tết của người H'Mông
Tết Nào pê chầu có nghĩa "Ăn tết ngày 30" là tết chính, truyền thống của người dân tộc H’Mông (ngành H’Mông đen) trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung và huyện Mường Ảng nói riêng. Tết thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày và được tổ chức khi bà con đồng bào dân tộc H’Mông đã thu hoạch mùa màng xong, cũng là vừa hết tháng 12.
Đây là khoảng thời gian nghỉ ngơi, đoàn tụ gia đình, thôn, bản để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sau 1 năm lao động sản xuất. Qua đó, tô đậm tình đoàn kết trong cộng đồng; là dịp để các gia đình thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho mùa màng bội thu, người dân có sức khỏe, cuộc sống bình yên và cầu mong năm mới cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chuẩn bị bánh dày đón tết
Ý nghĩa của Tết Nào pê chầu được thể hiện trong mâm cúng đêm 30, sáng mùng một và mâm cúng bánh dày trong ngày mùng 3 tết. Tết đến mọi người cùng vui, cùng uống rượu và chúc nhau những lời đầy ý nghĩa, đặc biệt trai gái có dịp để vui xuân, thổi sáo, ném Pa Pao để tìm kiếm bạn đời.
Lễ vật dâng cúng trong (Nào pê chầu) gồm lợn (được gia đình nuôi từ đầu năm đến tết mới thịt); gà (vật cúng chính trong các nghi thức cúng); bánh dày (được làm từ gạo nếp nương thơm dẻo, không được pha tạp); trứng gà (tượng trưng cho sự sống, sinh sôi nảy nở); hương (được đồng bào làm từ 1 loại cây rừng có tên Lộng Xeng); giấy dó (do người H’Mông tự làm từ cây giang bánh tẻ).
Nghi lễ cúng chiều 30 tết của người H'Mông
Theo phong tục của người H’Mông, ngày 30 tết các gia đình sẽ giã bánh dày. Khi bánh được làm xong, chủ nhà mang bánh khấn mời tổ tiên, mời các loại ma trong nhà như ma bếp, ma cột nhà, ma cửa... sau đó mọi người mới được ăn.
Buổi sáng 30 tết là nghi lễ cúng dâng mâm bánh dày, 3 giờ chiều cùng ngày chủ nhà bắt đầu làm nghi lễ quan trọng: nghi lễ quét dọn nhà cửa với quan niệm xua đi cái xấu, rủi ro của năm cũ, đồng thời cầu mong năm mới có nhiều may mắn tới nhà, thóc ngô đầy nhà, cả nhà khỏe mạnh và hạnh phúc.
Ngày tết, người H’Mông thường dán lại giấy tại bàn thờ sao cho mới hơn, gọn gàng hơn và cầu mong năm mới gia đình sẽ được các thần che chở phù hộ. Khi dán lại bàn thờ xong, chủ nhà sẽ thắp hương và tay cầm 1 con gà trống còn sống, rồi làm lễ khấn.
Vào buổi sáng mùng 1 tết, khi nghe tiếng gà gáy đầu tiên chủ nhà dậy đi lấy nước lộc và nấu bữa sáng. Việc đầu tiên chủ nhà mang 3 nén hương, một tập giấy dó đi đến chỗ lấy nước thắp hương và đốt tiền âm phủ rồi lấy nước về nấu bữa sáng, chuẩn bị đồ lễ cúng tổ tiên ngày đầu năm mới. Trong 3 ngày Tết, hương và nến phải luôn luôn cháy, không được tắt. Điều đó sẽ mang lại may mắn cho gia đình trong cả năm. Nghi thức cúng lễ cuối cùng vào chiều mùng 3 tết, đó là mời tổ tiên ăn bánh dày và tiễn tổ tiên ra về.
Tết Nào pê chầu là dịp để người H'Mông vui chơi sau 1 năm làm việc vất vả
Người H’Mông quan niệm rằng vào ngày tết mọi thứ phải mới, từ ngoại vật đến lòng người. Vì vậy, vào những ngày gần tết, ngoài việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, đồ cúng, người H’Mông còn chuẩn bị cho mình những bộ trang phục thật mới, họ kiêng không được nóng giận, cãi cọ nhau.
Ông Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên nhấn mạnh: Trước sự hội nhập và giao thoa các nền văn hóa, hiện nay ở một số nơi Tết Nào pê chầu đang đứng trước nguy cơ mai một. Cùng với đó, số người có khả năng thực hành đúng các nghi lễ truyền thống không còn nhiều. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân phải chung tay góp sức để giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc H’Mông, duy trì tổ chức hằng năm theo đúng phong tục truyền thống, tạo điểm nhấn thu hút khách tham quan, góp phần phát huy giá trị của di sản văn hóa và bảo tồn lâu dài trong nhân dân. |
Nam Yên