Cuộc thi "Những cống hiến thầm lặng" góp phần tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống
Mai Anh 26/10/2022 15:38 | Hơi thở cuộc sống


Sáng nay (26/10), Ban tổ chức cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2022 đã tổ chức Lễ tổng kết và trao giải cho các tập thể, cá nhân. Cuộc thi do Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức.
Cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2022 được tổ chức lần thứ hai (lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức năm 2021) với đa dạng các chủ đề. Năm nay, bên cạnh những chủ đề đã được nhấn mạnh trong lần tổ chức đầu tiên, chủ đề của cuộc thi đã mở rộng hơn ở các nội dung: Đảm bảo mức lương đủ sống, tiếp cận đầy đủ chính sách an sinh xã hội; chính sách bảo hiểm xã hội cho lao động nữ; đảm bảo quyền được có nhà ở an toàn, giá rẻ cho người lao động; đảm bảo người lao động được làm việc trong môi trường an toàn, hợp vệ sinh; khuyến khích phát huy vai trò của công đoàn; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sinh kế của lao động nữ; tấm gương nữ giới phát triển sinh kế thân thiện với môi trường…
Sau hơn 5 tháng phát động cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2022, Ban tổ chức đã nhận được 482 tác phẩm dự thi của các nhà báo, phóng viên các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương, cộng tác viên.
![]() |
Trưởng đại diện của Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) Hoàng Phương Thảo và Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Tô Quang Phán trao giải Nhất cho nhóm tác giả Lê Thị Hoa - Lương Thị Hạnh (Báo Lao động) với loạt 5 bài “Vạch trần thủ đoạn tuyển dụng lao động: Chuyện chưa kể đằng sau cánh cổng nhà máy”. |
Các tác phẩm dự cuộc thi năm nay được Ban tổ chức đánh giá đạt chất lượng cao, đa dạng về thể loại thực hiện như: Bài viết, phóng sự truyền hình, phóng sự ảnh, phóng sự ảnh + video, video, eMagazine, phóng sự phát thanh…
Theo Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi Tạ Việt Anh, điều quan trọng là các bài viết dự thi không chỉ phản ánh thực tế, mà còn góp phần tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống, việc làm của người lao động, đặc biệt là lao động nữ.
Một điểm nổi bật ở cuộc thi năm nay, đó là Ban tổ chức nhận được nhiều loạt bài dài kỳ, trong đó có đặt vấn đề, nêu thực trạng, đề xuất các giải pháp xử lý.
Đơn cử như loạt 5 bài “Vạch trần thủ đoạn tuyển dụng lao động: Chuyện chưa kể đằng sau cánh cổng nhà máy” của tác giả Lê Hoa và Lương Hạnh (Báo Lao động); loạt 5 bài “Điểm thi đua “hành” giáo viên nhưng không ai dám kêu” của tác giả Tào Nga (Báo Dân Việt); loạt 3 bài “Việc làm cho người khuyết tật: Có cơ hội nhưng… khó bền vững” của tác giả Trần Oanh (Báo Kinh tế và Đô thị)…
Các tác phẩm tham gia cuộc thi không chỉ phản ánh thực tế cuộc sống, công việc của người lao động, đặc biệt là lao động nữ ở khu vực chính thức và phi chính thức, lao động tự do; mà còn đưa ra những giải pháp, khuyến nghị. Qua đó để các chủ sử dụng lao động, các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng những chính sách lao động - việc làm, an sinh xã hội phù hợp với thực tế cuộc sống và tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động, người yếu thế để không ai bị bỏ lại phía sau.
Sau 2 vòng chung khảo và sơ khảo, Ban Giám khảo cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2022 đã lựa chọn được 28 tác phẩm chất lượng, đáp ứng những yêu cầu của cuộc thi vào vòng chung khảo để trao giải cho 14 tác giả/nhóm tác giả (1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 8 giải Khuyến khích). Ngoài ra, Ban tổ chức trao giải thưởng phụ cho 1 tập thể tích cực tham gia cuộc thi và 14 giải các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Tổng giá trị giải thưởng cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2022 lên tới 167 triệu đồng.


Đáng chú ý
Đắk Lắk đón 130 nghìn lượt du khách trong dịp Tết Nguyên đán 2023

Bài viết mới
Những trái tim thiện nguyện nồng ấm vì cộng đồng

Kon Tum chi gần 1 tỷ đồng hỗ trợ cho gần 2.800 người có công đón Tết Nguyên đán 2023

Chuyên đề

Những người lính Mỹ năm xưa nã đạn vào Việt Nam, hôm nay trở lại. Họ quay lại như một sự trở về với tiếng gọi của lương tri. Người Việt Nam đã mở vòng tay chào đón. Hai bên cùng lấp những hố bom bằng màu xanh cây lá, thắp lên ngọn lửa yêu đời và hi vọng cho những nạn nhân chiến tranh. Rồi từ đây, những hạt giống hữu nghị, hoà bình đâm chồi, nảy lộc.

Dù có nguồn gốc ở phương Tây nhưng giờ đây, Lễ hội Halloween đã trở thành một sự kiện được chào đón ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ: Hương sen tỏa ngát bao gồm tất cả những bài viết về quan hệ của hai nước một cách toàn diện, sâu sắc và độc đáo nhất.