Cuộc sống của những người dân cuối cùng trong nghĩa trang lớn nhất Sài Gòn
Nghĩa trang Bình Hưng Hòa nằm ở phường Bình Hưng Hòa và Bình Hưng Hòa A của quận Bình Tân, trên trục hai con đường chính là đường Tân Kỳ Tân Quý và đường Bình Long. Nghĩa trang này có từ trước những năm 1975, nhưng do quá trình đô thị hóa, dần dần nghĩa trang lọt thỏm trong khu dân cư.
Một góc nghĩa trang âm u khi về chiều.
Bảng thông báo kế hoạch di dời của UBND quận Bình Tân bên trong nghĩa trang.
Hiện nay, nghĩa trang Bình Hưng Hòa là nơi chôn của hơn 100.000 ngôi mộ. Theo quy hoạch của thành phố, nghĩa trang sắp đến ngày di dời, những ngôi mộ đã có kế hoạch chuyển đi, thế nhưng người dân sống ở đây lại chưa thể có được một kế hoạch cho mình về nơi ở mới.
Họ vẫn sống ở đó, nơi đất cát tổ tiên để lại, rồi quen thuộc, rồi biến nghĩa trang này thành nơi làm việc, sinh hoạt và vui chơi.
Giữa các khu mộ là đường đất nhỏ, hai bên là những ngôi mộ nằm giữa cây dại um tùm.
Một phần khu nghĩa trang nhìn từ bên ngoài.
Súc vật và gia cầm của người dân được thả rông bên cạnh những ngôi mộ.
Các khoảng trống phía sau những ngôi mộ thường được người dân xung quanh tận dụng làm nơi chứa đồ.
Người dân sinh hoạt cá nhân, thậm chí vô tư phơi quần áo trong các khu mộ.
Hình ảnh thường gặp ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Dân cư sống xung quanh có cách thích nghi với những ngôi mộ rất độc đáo.
Cô Nguyễn Thị Thảo, 50 tuổi, làm nghề quét mộ và giữ xe cho khách thăm mộ chia sẻ, gia đình chị đã ở trên mảnh đất này đến đời chị là thứ 3. Sau khi giải tỏa, chị hi vọng dự án sẽ biến khu vực này trở nên hiện đại, an toàn hơn và số tiền đền bù chị nhận được sẽ có thể giúp chị an cư trên chính mảnh đất của ông bà để lại.
Người dân nghỉ ngơi bên cạnh những ngôi mộ.
Ông Lê Văn Phục, sinh năm 1956, đang cư ngụ tại Bình Hưng Hòa suốt nhiều năm nay cùng 2 người con buồn rầu cho biết nếu bị giải tỏa, có lẽ ông và các con sẽ về quê sinh sống.
Ông Lê Văn Cộng, 58 tuổi sống cùng vợ là bà Nguyễn Thị Nấm, 54 tuổi. Được biết cả hai đã cư ngụ được hơn 30 năm tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa.
Gia đình ông bà là một trong những nhà đầu tiên sẽ bị giải tỏa trong giai đoạn 1 vào đầu mùa khô sắp tới. Cả hai vẫn đang lo lắng về nơi ở mới sau khi bị giải tỏa vì sợ sẽ mất nhà trong lứa tuổi xế chiều.
Chiều về trên những ngôi mộ.
Hướng từ nghĩa trang nhìn ra đường Bình Long vào xế chiều.
Một ngôi mộ được đánh số phục vụ cho việc di dời trong giai đoạn 1 vào đầu mùa khô sắp tới.
Đường rẽ từ đường Bình Long vào khu nghĩa trang. Sau khi có thông tin về quy hoạch nghĩa trang Bình Hưng Hòa để làm trung tâm thương mại, công viên kéo theo hiện tượng giá đất quanh khu vực này tăng lên một cách chóng mặt. Các bảng quảng cáo bán đất xuất hiện nhan nhản quanh nghĩa trang.
Hồ nước câu cá giải trí ở giữa nghĩa trang sát bên những ngôi mộ.
Trời về chiều, các con đường mòn giữa nghĩa trang Bình Hưng Hòa bắt đầu nhộn nhịp người dân đi làm về.
Nơi yên nghỉ của người chết nằm sát bên nhà dân. Sau khi việc quy hoạch hoàn tất sẽ không còn những cảnh như thế này nữa.
Nằm trong dự án quy hoạch đô thị của UBND TP.Hồ Chí Minh, cho đến cuối năm 2017, nghĩa trang Bình Hưng Hòa sẽ phải tiến hành di dời toàn bộ những ngôi mộ ở đây.
Kế hoạch di dời sẽ được diễn ra trong nhiều giai đoạn. Hết giai đoạn 1 vào cuối tháng 5/2017, vẫn có hơn 3.500 ngôi mộ chưa có thân nhân kê khai, đăng ký ngày giờ bốc mộ.
Theo UBND quận Bình Tân, hiện đã bắt đầu mùa mưa nên việc bốc mộ tạm dừng.
Đầu tháng 11-2017, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân sẽ tổ chức bốc mộ vắng chủ cho tất cả những ngôi mộ không có thân nhân hoặc có thân nhân kê khai nhưng chưa đăng ký ngày giờ bốc mộ trong phạm vi giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 của dự án.
Những ngôi mộ được cải táng theo thủ tục vắng chủ sẽ không lập hồ sơ bồi thường, thân nhân chỉ được nhận tro cốt của người thân. Tro cốt không có thân nhân sẽ được lưu lại Nhà tang lễ quận Gò Vấp hoặc Chùa Di Lặc (gần nghĩa trang).
Hữu Nghĩa