Cuộc đời như tên gọi!
Tôi gặp bà trong năm cuối của nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Bà không tập trung hay hướng câu chuyện của tôi vào những thành tựu ngoại giao của bà mà chỉ muốn chia sẻ những nỗi niềm, những trăn trở và dự định để đóng góp cho Việt Nam và tiếp mối duyên cả cuộc đời với quê hương thứ hai.
Mang trong mình hai dòng máu Pháp - Việt đã giúp bà như thế nào trong công tác ngoại giao tại Việt Nam?
Mẹ tôi là người Pháp, bố tôi là người Việt Nam, trong khoảng thời gian từ 10 tuổi đến 15 tuổi, tôi được về thăm quê cha nhiều lần nên không có cảm giác xa lạ hay bỡ ngỡ với văn hóa Việt.
Tham tán hợp tác và hoạt động văn hóa Eva Nguyễn Bình
Nhiều đồng nghiệp của tôi từng làm việc ở Việt Nam nhưng lại chưa từng có cơ hội được thưởng thức ẩm thực Việt, thậm chí ở Paris, có nhiều nhà hàng Việt, họ cũng chưa lần nào thử. Gia đình tôi thì khác, chúng tôi ăn đồ Việt rất nhiều bởi tôi luôn nghĩ tìm hiểu văn hóa của một nước thường bắt đầu từ làm quen với ẩm thực của nước đó.
Các đối tác và các bạn Việt Nam coi tôi như đồng bào và đón tiếp nồng hậu. Tôi mang quốc tịch Pháp, được sinh ra và lớn lên tại Pháp, bây giờ thì đại diện cho nước Pháp, vì vậy, tôi cố gắng dành nhiều thời gian tìm hiểu sự khác biệt giữa hai nền văn hóa. Điều đó làm cho công việc của tôi thú vị hơn, giúp tôi làm giàu kiến thức và vốn sống của mình hơn.
Tôi nhận thấy khuôn mặt của bà có nhiều nét rất Việt Nam.
Lần đầu gặp tôi, mọi người có những phản ứng rất khác nhau. Ở Việt Nam, đúng là có những người, ngay từ cái nhìn đầu tiên, họ đã nghĩ tôi là người Việt Nam và giao tiếp với tôi bằng tiếng Việt, đặc biệt lúc tôi mặc bộ đồ truyền thống Việt như áo bà ba. Còn ở Pháp, ai cũng nhận thấy ở tôi một yếu tố nước ngoài nhưng không ai nghĩ tôi có gốc Việt. Người con lai khi được thừa nhận gốc gác của mình sẽ cảm thấy rất thoải mái và những lời nhận xét như vậy với tôi chỉ có ở Việt Nam.
Trong con người tôi có cả hai yếu tố Pháp - Việt và tôi không đặt lên bàn cân để so sánh. Đơn giản, tôi là người Pháp gốc Việt và bản ngã thúc đẩy tôi đi tìm gốc gác của mình. Đó là một quá trình rất dài, trong nhiều năm và nhiều giai đoạn của cuộc đời. Tôi có thể khẳng định rằng tôi yêu mến cả hai nền văn hóa.
Phải chăng là người con của hai dân tộc nên bà muốn công tác tại Việt Nam?
Tới Việt Nam làm việc là giấc mơ từ rất lâu của tôi. Giấc mơ được hiện thực hóa là bởi cuộc đời tôi có nhiều may mắn. Năm 2005, Bộ Ngoại giao Pháp đã cử tôi làm Phó Tham tán phụ trách văn hóa tại Đại sứ quán ở Việt Nam. Nhưng khi ấy người đang đảm trách vai trò này ở sứ quán xin gia hạn thêm một năm. Trong khoảng thời gian đợi chờ ở Pháp, tôi đã gặp một nửa của mình và tiến tới hôn nhân. Thật trùng hợp là chồng tôi được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Việt Nam. Đó thực sự là cái duyên được tạo ra từ may mắn!
Bà tâm đắc lĩnh vực hợp tác văn hóa nào nhất?
Suốt nhiệm kỳ gần 4 năm qua, có rất nhiều hoạt động văn hóa quan trọng, nhưng tôi muốn nhấn mạnh và thúc đẩy việc đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp thiếu niên và học sinh tiểu học thông qua hỗ trợ đào tạo ở Pháp hoặc phối hợp đào tạo tại Việt Nam. Để thu hút giới trẻ Việt trong quá trình đào tạo, chúng tôi tập trung vào chất lượng và tạo điều kiện để các bạn tiếp xúc với văn hóa Pháp hay văn hóa của Cộng đồng các quốc gia nói tiếng Pháp (Francophone).
Trước đây, chúng tôi không gặp bất kỳ sự cạnh tranh nào so với các ngôn ngữ khác vì mọi người yêu thích và học tiếng Pháp một cách tự nhiên. Nhưng gần đây, chúng tôi bắt đầu cảm nhận thấy tính cạnh tranh. Do đó, Đại sứ quán hướng tới chỉ ra cho các bạn Việt Nam thấy được các lợi thế nghề nghiệp khi học tiếng Pháp hay đào tạo theo kiểu Pháp. Hiện chúng tôi đang triển khai hai dự án cụ thể. Thứ nhất là hội chợ việc làm do Đại sứ quán kết hợp với doanh nghiệp Pháp tổ chức, cho phép các bạn trẻ gặp gỡ doanh nghiệp Pháp và tìm kiếm cơ hội việc làm. Thứ hai là mạng lưới các cựu sinh viên Việt Nam từng học tập tại Pháp. Qua mạng lưới này, các thông tin về học tập và việc làm sẽ được truyền tải từ cựu sinh viên tới thế hệ trẻ hơn.
Về việc quảng bá văn hóa Pháp, chúng tôi cũng đang tiếp cận theo hai hướng. Trước tiên là cung cấp thông tin về du lịch Pháp tới Việt Nam, tạo điều kiện để người dân Việt đi du lịch Pháp, đồng thời thiết kế chương trình đi du lịch ngắn ngày kết hợp với học tiếng Pháp. Bên cạnh đó, để mang văn hóa Pháp đến gần hơn với người Việt, chúng tôi tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật hoặc mang những cuốn sách Pháp được dịch sang tiếng Việt tới Việt Nam. Năm 2013, chúng tôi có 23 cuốn sách được dịch sang tiếng Việt. Nhưng con số này đã tăng lên 194 cuốn trong năm 2015.
Cảm giác của bà thế nào nếu một ngày phải tạm biệt quê cha?
Tôi sẽ không bao giờ quên chuyến đi tới Mai Châu khi tôi được ăn, ở và ngủ cùng người dân bản địa, đạp xe trên cánh đồng yên bình, êm ả. Để gắn bó nhiều hơn với Việt Nam, dự định đầu tiên của tôi là học tiếng Việt thật giỏi và dạy con trai tôi tiếng Việt. Tôi biết việc này không hề dễ dàng bởi “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”.
Tôi cảm nhận người Việt rất đoàn kết và luôn sẵn sàng sẻ chia. Đơn giản là khi cần một cái gì đó, tôi có thể đăng tải trên mạng xã hội facebook, mọi người sẽ vào bình luận để giúp đỡ hoặc hỗ trợ. Mọi người có mối liên hệ thường xuyên với nhau, nên tôi thấy an tâm khi trở về Pháp, tôi vẫn giữ được liên lạc với cộng đồng người Việt. Hơn nữa, tôi đang có dự án mở nhà văn hóa Việt Nam tại Paris cùng với một người bạn. Đây là dự án tư nhân và chưa được triển khai nhưng cũng là một hướng đi giúp tôi góp phần kết nối văn hóa hai nước và tiếp tục nuôi dưỡng mối lương duyên với quê hương thứ hai.
Nguồn: Thế Giới và Việt Nam