CUHK: Các đổi mới FinTech có thể nâng cao khả năng sinh lời của các tổ chức tài chính tại thị trường mới nổi
ĐẶC KHU HÀNH CHÍNH HỒNG KÔNG – Media OutReach – Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tài chính (FinTech) trong những năm gần đây đã làm thay đổi cách mọi người sử dụng các dịch vụ tài chính. Mặt khác, việc sử dụng tự động hóa ngày càng tăng trong các dịch vụ ngân hàng đã mang lại sự tiện lợi hơn cho người tiêu dùng. Sự ra đời của những phát triển công nghệ mới như tiền điện tử, giao dịch thuật toán với tần suất cao, sự gia tăng của ví kỹ thuật số hoặc cho vay ngang hàng (peer-to-peer: P2P). Tất cả đều là những ví dụ về FinTech đã mang lại những thách thức mới cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống ở một mức độ nào đó.
Với ảnh hưởng mang tính đột phá của FinTech, việc một nhóm các nhà nghiên cứu tìm cách xem xét và đánh giá một cách toàn diện các ảnh hưởng của FinTech đối với sự ổn định của các tổ chức tài chính truyền thống là điều dễ hiểu. Những gì họ nhận thấy là kết quả phụ thuộc rất nhiều vào thị trường.
Sự ổn định của các tổ chức tài chính thường đề cập đến khả năng của các tổ chức này, chẳng hạn như ngân hàng, công ty môi giới hoặc hiệp hội tổ chức tín dụng, trong việc thực hiện vai trò của họ trong các giao dịch tài chính hoặc các chức năng trung gian khác mà không cần sự hỗ trợ từ các lực lượng bên ngoài như chính phủ. Lời hứa đằng sau FinTech là nó sẽ giúp các tổ chức tài chính tăng cường tính minh bạch, hiệu quả và làm cho các dịch vụ của mình thuận tiện hơn cho người dùng. Ví dụ: mobile banking (dịch vụ ngân hàng di động) đã cho phép người tiêu dùng thực hiện các hoạt động tài chính hàng ngày của họ, chẳng hạn như chuyển tiền hoặc thanh toán hóa đơn mà không cần phải nói chuyện với giao dịch viên hoặc đến chi nhánh ngân hàng.
Ở chiều ngược lại, Fintech có thể khuếch đại sự biến động trên thị trường tài chính và khiến hệ thống tài chính dễ bị tổn thương hơn. Ví dụ, tốc độ và sự dễ dàng di chuyển tiền mặt giữa các ngân hàng để đáp ứng với hiệu suất thị trường tài chính do FinTech kích hoạt có thể làm tăng sự biến động. Với việc phụ thuộc quá nhiều vào các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba cho các hoạt động, FinTech cũng có thể gây ra rủi ro hệ thống cho các tổ chức tài chính. Cuối cùng, các nền tảng cho vay trực tuyến thường không thực hiện kiểm tra tín dụng một cách hiệu quả đối với người đi vay. Điều này có thể dẫn đến rủi ro vỡ nợ cao hơn.
Ví dụ, lĩnh vực cho vay ngang hàng (peer- to – peer: P2P) của Trung Quốc, từng là lớn nhất thế giới, đã hoàn toàn sụp đổ chỉ trong vài năm. Nhiều nền tảng cho vay P2P của Trung Quốc đã bị cản trở bởi gian lận, vỡ nợ và thậm chí bị cáo buộc là các âm mưu đa cấp kiểu Ponzi, cuối cùng dẫn đến một sự can thiệp mạnh tay của Chính phủ. Vào tháng 1 vừa qua, ông Chen Yulu, Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (tức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc) thông báo đã loại bỏ tất cả các nền tảng cho vay P2P ở nước này, tuy nhiên theo tin của Tân Hoa Xã, khoản nợ hơn 800 tỷ nhân dân tệ vẫn chưa được trả.
Mới đây, hai tập đoàn FinTech của Trung Quốc là Ant Group và Tencent, đang bị các cơ quan quản lý nhà nước giám sát chặt chẽ về các mô hình kinh doanh mà một số người lo ngại sẽ dẫn đến sự tích tụ rủi ro tài chính hệ thống một cách nguy hiểm.
Âm đối chọi với Dương (Ying vs Yang)
Ông Jason Yeh, Phó giáo sư Khoa Tài chính, Trường Kinh doanh, thuộc Đại học Hồng Kông Trung Quốc (The Chinese University of Hong Kong – CUHK), và là một trong những tác giả của một công trình nghiên cứu mới, cho biết: “Ở đâu có ánh sáng, ở đó cũng phải có bóng tối. Với bản chất đột phá của công nghệ, sự nổi lên của FinTech chắc chắn sẽ có tác động đến các tổ chức tài chính truyền thống. Vì vậy, thật phù hợp khi chúng tôi thấy rằng, mặt sáng và mặt tối của FinTech dường như bù trừ cho nhau và việc thúc đẩy FinTech không không nhất thiết phải làm cho các tổ chức tài chính truyền thống dễ bị tổn thương hơn”.
Với tựa đề Friend or Foe: The Divergent Effects of FinTech on Financial Stability (tạm dịch: Bạn hay kẻ thù: Tác động khác nhau của FinTech đối với sự ổn định tài chính), công trình nghiên cứu được đồng thực hiện bởi Phó giáo sư Jason Yeh với các giáo sư Derrick Fung, Wing Yan Lee và Fei Lung Yuen của Đại học Hang Seng của Hồng Kông.
Để xem xét tác động của việc nổi lên của FinTech đối với sự ổn định của các tổ chức tài chính, các nhà nghiên cứu đã xem xét sự ra đời của các hộp cát quy định FinTech. Hộp cát (sandbox) quy định FinTech là một khung thể chế thử nghiệm để cơ quan quản lý tài chính cho phép các công ty thử nghiệm các mô hình kinh doanh, sản phẩm hoặc dịch vụ mới (trong một môi trường được kiểm soát và giám sát) mà pháp luật hiện hành không đề cập hoặc cho phép. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hộp cát đầu tiên như vậy đã được giới thiệu ở Anh vào năm 2016. Kể từ đó, có tới 73 sáng kiến tương tự đã được thiết lập ở 57 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu tất cả các ngân hàng được niêm yết trên toàn thế giới đang hoạt động trên nền tảng Thomson Reuters Datastream từ năm 2010 đến năm 2017. Mẫu cuối cùng của họ bao gồm 1.375 ngân hàng đến từ 84 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với việc sử dụng một phép đo chung về sự ổn định của ngân hàng, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, sự ra đời của các hộp cát không có tác động đáng kể về mặt thống kê đối với sự ổn định tài chính của các tổ chức trong cùng khu vực tài phán.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, tác động tích cực và tiêu cực của các hộp cát FinTech này đối với sự ổn định tài chính có xu hướng bù trừ lẫn nhau, sau khi chiết khấu đối với các đặc điểm của từng công ty hoặc thị trường, hoặc các yếu tố kinh tế vĩ mô và các yếu tố cụ thể khác của ngân hàng. Nhìn chung, họ cũng phát hiện ra rằng, FinTech làm tăng tính ổn định của các tổ chức tài chính trên các thị trường tài chính mới nổi và giảm tính ổn định ở các thị trường tài chính phát triển.
Tăng độ ổn định và lợi nhuận
Nhìn vào các đặc điểm thị trường cụ thể, nghiên cứu cũng cho thấy rằng, việc thúc đẩy FinTech thông qua việc thiết lập các hộp cát tài chính theo quy định, ít nhất có thể tăng cường sự ổn định của các tổ chức tài chính, nếu thị trường có mức độ bao gồm tài chính thấp, với
- Tỷ lệ chi nhánh ngân hàng dưới 11,7 trên 100.000 người lớn;
- Tỷ lệ tài sản một ngân hàng trung ương trên GDP dưới 1,6%;
- Biên lãi ròng ngân hàng toàn ngành dưới 2,4%, hoặc
- Tỷ lệ dự phòng đối với các khoản cho vay kém hiệu quả thấp hơn 44,2%.
Theo nghiên cứu, việc tung ra các hộp cát tài chính ở các thị trường có mức độ tài chính bao trùm cao có thể làm suy yếu sự ổn định tài chính,
Hơn nữa, theo Phó giáo sư Jason Yeh, FinTech cũng có thể cải thiện sự ổn định của các tổ chức tài chính bằng cách thúc đẩy lợi nhuận. Theo nghiên cứu, khi một quốc gia có ít chi nhánh ngân hàng hơn 11,4 chi nhánh trên 100.000 dân, tỷ lệ tài sản trên GDP của ngân hàng trung ương dưới 1,7 %, biên lãi ròng ngân hàng dưới 2,2%, hoặc tỷ lệ dự phòng cho các khoản cho vay kém hiệu quả là dưới 45,6%, thì việc thúc đẩy FinTech bằng cách thiết lập các hộp cát quy định có thể làm tăng lợi nhuận của các tổ chức tài chính.
Nhưng tại sao FinTech lại nâng cao lợi nhuận của các tổ chức tài chính trên các thị trường tài chính mới nổi? Các tác giả suy đoán điều này có thể là do ba lý do.
Thứ nhất, FinTech đã được áp dụng rộng rãi tại các thị trường tài chính mới nổi và đã làm tăng đáng kể lợi nhuận của các ngân hàng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp (start-up) FinTech này.
Thứ hai, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng tại các thị trường tài chính mới nổi được cải thiện nhờ sự hợp tác với các công ty công nghệ.
Thứ ba, các sản phẩm được cung cấp bởi các công ty FinTech thường bổ sung cho các dịch vụ hiện có do các ngân hàng cung cấp. Kết quả là các ngân hàng này có được nhiều khách hàng hơn và hiệu quả bổ sung sẽ lớn hơn trên các thị trường tài chính mới nổi.
Phó giáo sư Jason Yeh nhận xét: “FinTech gây rối nhưng nó cũng là một động lực để giải phóng. FinTech không chỉ giúp dân chủ hóa quyền tiếp cận các dịch vụ tài chính cho đại chúng ở các thị trường mới nổi, mà còn đóng một vai trò quan trọng trên con đường đạt được sự hòa nhập tài chính lớn hơn”.
Các ảnh hưởng chính sách
Khi lĩnh vực FinTech tiếp tục phát triển, các nhà hoạch định chính sách và tổ chức tài chính đang tìm cách để gặt hái thêm những lợi ích của công nghệ. Phó giáo sư Jason Yeh và các đồng tác giả của ông nghĩ rằng, kết quả nghiên cứu của họ có thể giúp các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý sử dụng FinTech tốt hơn ở các thị trường khác nhau.
Đối với các thị trường tài chính phát triển, các nhà nghiên cứu khuyên các nhà quản lý nên tập trung thực hiện các biện pháp có thể giải quyết sự bất ổn do FinTech gây ra. Ngược lại, các cơ quan quản lý tại các thị trường tài chính mới nổi nên xem xét thiết kế các biện pháp cụ thể để thúc đẩy các đổi mới FinTech.
Phó giáo sư Jason Yeh kết luận: “Các cơ quan quản lý nên từ bỏ ý tưởng về một quy định chung cho tất cả các FinTech. Những gì họ cần là đưa ra một khuôn khổ được thiết kế riêng phù hợp với đặc điểm của thị trường tài chính của riêng họ”.
Tài liệu tham khảo:
Derrick W.H. Fung, Wing Yan Lee, Jason J.H. Yeh and Fei Lung Yuen. Friend or foe: The divergent effects of FinTech on financial stability. Emerging Markets Review, Volume 45, December 2020, 100727. (Tạm dịch: Bạn hay kẻ thù: Tác động khác nhau của FinTech đối với sự ổn định tài chính. Đánh giá các thị trường mới nổi, Tập 45, tháng 12 năm 2020, 100727).
Bài báo này được xuất bản lần đầu tiên trên trang web Kiến thức Kinh doanh Trung Quốc (China Business Knowledge – CBK) bởi Trường Kinh doanh CUHK: https://bit.ly/3swNHfZ.
Thông tin về CUHK Business School (Trường Kinh doanh thuộc CUHK)
Trường Kinh doanh thuộc CUHK bao gồm 2 trường – Kế toán và Quản lý khách sạn và Du lịch – và 4 khoa – Khoa Kinh tế quản lý và khoa học phục vụ việc ra quyết định, Tài chính, Quản lý và Marketing. Được thành lập tại Hồng Kông vào năm 1963, đây là trường kinh doanh đầu tiên cung cấp các chương trình cử nhân về quản trị kinh doanh (BBA), thạc sĩ về quản trị kinh doanh (MBA) và thạc sĩ cao cấp về quản trị kinh doanh (Executive MBA) trong khu vực. Hiện tại, Trường cung cấp 10 chương trình đại học và 18 chương trình sau đại học, bao gồm MBA, EMBA, Master, MSc, MPhil và Ph.D. Trường hiện có hơn 4.800 sinh viên đại học và sau đại học đến từ hơn 20 quốc gia / vùng lãnh thổ theo học.
Trong Bảng xếp hạng MBA toàn cầu của Financial Times năm 2021, chương trình đào tạo của CUHK được xếp hạng thứ 48. Trong bảng xếp hạng EMBA năm 2020 của Financial Times, CUHK EMBA được xếp hạng 15 trên thế giới. Trường Kinh doanh thuộc CUHK có số lượng cựu sinh viên kinh doanh lớn nhất (hơn 40.000 người) trong số các trường đại học / trường kinh doanh tại Hồng Kông. Nhiều người trong số họ là lãnh đạo chủ chốt doanh nghiệp. Trường hiện có khoảng 4.800 sinh viên đại học và sau đại học.
Thông tin thêm có sẵn tại http://www.bschool.cuhk.edu.hk hoặc bằng cách kết nối với Trường Kinh doanh, thuộc CUHK trên các mạng xã hội như:
Facebook: www.facebook.com/cuhkbschool
Instagram: www.instagram.com/cuhkbusinessschool
LinkedIn: http://www.linkedin.com/school/cuhkbusinessschool
WeChat: CUHKBusinessSchool
#CUHKBusinessSchool