CUHK: doanh nghiệp sản xuất quảng bá xanh giả hiệu cho các nhà cung cấp thuộc chuỗi cung ứng để làm gì?
ĐẶC KHU HÀNH CHÍNH HỒNG KÔNG – Media OutReach – Những ngày hoạt động mà doanh nghiệp chỉ hoàn toàn vì lợi nhuận đã qua rồi. Các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ hiện nay đều phải nỗ lực đáng kể để có trách nhiệm với xã hội và thân thiện với môi trường. Một cuộc khảo sát trước đây cho thấy, có tới 91% người tiêu dùng toàn cầu mong đợi các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường và 90% trong số họ sẽ tẩy chay một công ty nếu nó có những hành vi kinh doanh thiếu trách nhiệm. Nói cách khác, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) giờ không chỉ là một từ mang tính thời thượng, mà còn rất quan trọng đối với các doanh nghiệp để thành công trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng để biết liệu một công ty đang thực sự làm tốt hay chỉ là giả mạo và như một nghiên cứu gần đây xem xét một cách khá sâu, một số công ty tự nguyện công bố mối quan hệ chuỗi cung ứng của họ với các nhà cung cấp “xanh” để đưa ra hình ảnh về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, song việc này không mang tính đại diện cho toàn bộ sự thật.
Với tiêu đề Corporate Social Responsibility in Supply Chain: Green or Greenwashing? (tạm dịch: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng: xanh thật hay chỉ giả hiệu xanh?), công trình nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên xem xét hành vi greenwashing (nghĩa đen là rửa xanh, che đậy bên ngoài bằng màu xanh. Nghĩa bóng là giả hiệu xanh để lòe bịp) bằng cách xem xét việc công bố thông tin tự nguyện của các nhà cung cấp của họ. Từ greenwashing có hàm ý đề cập đến việc quảng bá xanh và tiếp thị xanh được sử dụng một cách lừa dối để thuyết phục công chúng rằng, các sản phẩm, mục tiêu và chính sách của tổ chức, doanh nghiệp nào đó là thân thiện với môi trường.
Nghiên cứu này được đồng thực hiện bởi ông Jing Wu, Trợ lý Giáo sư tại Khoa Khoa học phục vụ ra quyết định và Kinh tế Quản lý của Trường Kinh doanh, thuộc Đại học Hồng Kông Trung Quốc (The Chinese University of Hong Kong – CUHK); Yilin Shi, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Kinh doanh CUHK và Giáo sư Yu Zhang đến từ Đại học Bắc Kinh. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, hoạt động greenwashing là khá phổ biến ở hơn 40 quốc gia là các nền kinh tế lớn trên thế giới. Nhóm nghiên cứu đã xem xét khoảng 7.600 công ty đại chúng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất trên toàn cầu và quan sát hơn 12.000 mối quan hệ giữa công ty và nhà cung cấp trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến 2017.
Ông Jing Wu nhận xét: “Việc các công ty thể hiện hình ảnh ‘xanh’ của mình với thế giới là chưa đủ để chứng minh nỗ lực của họ trong thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Kết quả của chúng tôi cho thấy, các công ty đã tiết lộ một cách có chọn lọc các nhà cung cấp “xanh'” của họ để giành được lòng tin của khách hàng”.
Để đánh giá hành vi greenwashing, trước tiên, các nhà nghiên cứu tính điểm cho từng công ty trong mẫu dựa trên hoạt động có tác động tích cực đến môi trường của họ. Họ đã tìm thấy bằng chứng nhất quán rằng, điểm cộng về môi trường của các nhà cung cấp có liên quan tích cực đến khả năng công ty đối tác của họ sẽ tiết lộ mối quan hệ chuỗi cung ứng của mình. Cụ thể, sự gia tăng một độ lệch chuẩn trong điểm môi trường của nhà cung cấp sẽ dẫn đến cơ hội bị công ty khách hàng của họ tiết lộ cao hơn 4,2%. Ngoài ra, các công ty có xu hướng không tiết lộ các nhà cung cấp kém thân thiện với môi trường trong chuỗi cung ứng của mình.
Để loại trừ lời giải thích thay thế rằng, các công ty có thể đã chọn tiết lộ mối quan hệ của họ với một số nhà cung cấp nhất định dựa trên các đặc điểm thuận lợi khác và rằng những nhà cung cấp này cũng có chứng chỉ CSR mạnh mẽ, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra xem liệu các công ty có biểu hiện hành vi greenwashing nhiều hơn, khi địa phương của họ có thời tiết nóng hơn một cách bất thường, một dấu hiệu cho thấy sự nóng lên toàn cầu.
Trợ lý giáo sư Jing Wu giải thích: “Ví dụ, mọi người tra cứu google nhiều hơn về sự nóng lên toàn cầu trong những ngày cực kỳ nóng và thậm chí các nhà đầu tư cá nhân sẽ bán cổ phiếu của các công ty tạo ra nhiều khí thải carbon hơn và mua cổ phiếu của các công ty thân thiện với môi trường hơn. Nghiên cứu của chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi nghĩ rằng nếu các công ty cố tình thực hiện greenwashing vì lo ngại về hình ảnh CSR của họ, thì hành vi như vậy sẽ nổi bật hơn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt”.
Đúng như giả thuyết, ông Jing Wu và các đồng tác giả của ông phát hiện ra rằng, các công ty có nhiều khả năng làm giả hình ảnh CSR tốt bằng cách cố tình tạo ra greenwashing trong thời tiết cực kỳ nóng bức.
Ai là người thực hiện greenwashing?
Về quy mô doanh nghiệp và thị phần, nghiên cứu cho thấy, các công ty nhỏ và những công ty có thị phần nhỏ hơn và thường có điểm CSR thấp hơn có nhiều khả năng thực hiện greenwashing nhằm tạo ra một hình ảnh CSR tốt hơn. Điều này là do không giống như các công ty lớn, các công ty nhỏ có thể không có đủ nguồn lực để đầu tư vào các nỗ lực CSR đáng kể và họ có thể cần phải tận dụng sức mạnh về hình ảnh của các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của họ. Đối với các công ty đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, việc giả mạo một hình ảnh xanh mà không thực hiện các nỗ lực CSR thực sự có thể là một chiến lược thuận tiện. Khi các doanh nghiệp nhỏ chịu áp lực cạnh tranh, một hình ảnh CSR tốt có thể giúp họ nổi bật hơn so với các đối thủ.
Các công ty quan tâm hơn đến hình ảnh và danh tiếng công chúng của họ cũng có nhiều khả năng hơn thực hiện greenwashing. Đặc biệt, các công ty chi tiêu nhiều hơn cho quảng cáo thường tích cực hơn trong việc greenwashing chuỗi cung ứng, vì việc tiết lộ mang tính chiến lược về các nhà cung cấp “xanh” của họ sẽ giúp xây dựng hình ảnh CSR tốt hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, nhiều công ty khao khát lợi nhuận hơn có khả năng tham gia vào hoạt động greenwashing chuỗi cung ứng. Theo nghiên cứu, các công ty tìm cách theo đuổi tỷ suất sinh lợi trên tài sản (ROA) cao hơn có xu hướng che giấu các nhà cung cấp “kém xanh” hoặc kém thân thiện với môi trường của họ để tránh bị trừng phạt vì có liên kết CSR thấp. Điều này cũng đúng đối với các công ty được sở hữu nhiều hơn bởi các nhà đầu tư tổ chức. Một công ty có hình ảnh CSR tốt là một tài sản sinh lời trong danh mục đầu tư của các nhà đầu tư. Do đó, các công ty có thể muốn duy trì một hình ảnh tích cực đối với các nhà đầu tư tổ chức. Mặt khác, một số nhà đầu tư tổ chức có thể không quan tâm đến việc greenwashing, miễn là nó mang lại lợi nhuận.
Nghiên cứu nhấn mạnh rằng, nếu một nhà cung cấp có nhiều quyền sở hữu tổ chức hơn, thì một công ty sử dụng nhà cung cấp này có nhiều khả năng tiết lộ một cách có chọn lọc mối quan hệ dựa trên kết quả hoạt động liên quan đến môi trường của họ. Điều này là do mối quan hệ với nhà cung cấp có chứng chỉ CSR tốt và quyền sở hữu tổ chức lớn sẽ nhận được sự quan tâm của công chúng nhiều hơn. Như vậy sẽ có lợi cho công ty sử dụng nhà cung cấp này về mặt công khai và công nhận.
Ông Jing Wu lý giải: “Nếu mặt “sáng” của CSR là một thế giới mà các công ty đang tìm cách giảm lượng khí thải carbon của họ, thì những gì nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra mặt “tối” và cách các công ty nhỏ hơn và yếu hơn đang sử dụng greenwashing để đánh bóng hình ảnh trước công chúng của họ”.
Lợi ích ngắn hạn
Thể hiện một hình ảnh “xanh” không phải là lợi ích duy nhất mà các công ty có thể nhận được từ việc thực hiện greenwashing. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, doanh số bán hàng ở các công ty tiết lộ nhà cung cấp có xếp hạng môi trường tốt tăng lên khi so sánh với doanh số bán hàng của các công ty tiết lộ nhà cung cấp kém thân thiện với môi trường của họ. Tuy nhiên, sự cải thiện doanh số bán hàng như vậy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Tương tự, việc tiết lộ các nhà cung cấp “xanh” có thể có tác động tích cực đến tỷ suất sinh lợi trên tài sản (ROA) của công ty, nhưng ảnh hưởng này sẽ giảm dần trong dài hạn.
Tại sao vậy? Trợ lý giáo sư Jing Wu giải thích rằng, công chúng có thể chậm làm quen với quy trình sản xuất sản phẩm hoặc các chi tiết của chuỗi cung ứng, vì vậy các công ty rất dễ thu hút mọi người bằng những nỗ lực greenwashing của họ trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, về lâu dài, công chúng sẽ nhận ra rằng những gì các công ty đã làm chỉ là một trò đóng kịch. Do đó, việc doanh thu và ROA tăng sẽ không kéo dài.
Ông Jing Wu nhận định: “Mọi người đều muốn lái một chiếc ô tô điện thương hiệu Tesla, nhưng không phải ai trong số họ cũng biết những chiếc xe này được sản xuất như thế nào và các bộ phận đến từ đâu. Nếu một nhà sản xuất nói với công chúng rằng, họ chỉ làm việc với các nhà cung cấp thân thiện với môi trường, thì mọi người có thể sẽ yêu nó hơn. Cũng giống như cách khách hàng bán lẻ ngày càng hoài nghi về những sản phẩm được gọi là “xanh”, công chúng sẽ trở nên đủ khôn ngoan và tinh tế để biết liệu các công ty có đang nỗ lực thực sự trong việc bảo vệ hành tinh hay không. Điều đó chỉ cần có thời gian”.
Các hệ quả trong thế giới thực
Ông Jing Wu và các đồng tác giả của ông chỉ ra rằng, có một cách để ngăn chặn hành vi greenwashing của các công ty. Khi xem xét các quy định về công bố thông tin liên quan đến môi trường trên khắp thế giới được đưa ra từ năm 2003 đến năm 2016, họ nhận thấy rằng hoạt động greenwashing trong chuỗi cung ứng thường giảm sau khi các quy định về báo cáo và công bố CSR được thắt chặt.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, luật pháp về môi trường có xu hướng tập trung vào các chứng chỉ xanh trong quá trình sản xuất và vận hành của chính công ty và ít chú ý đến các nhà cung cấp cho công ty đó, nên các công ty có thể dễ dàng che giấu các quy trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong chuỗi cung ứng thường khá phức tạp.
Để nâng cao hiệu quả của các quy định, các nhà nghiên cứu đề nghị các quốc gia mở rộng phạm vi yêu cầu công bố thông tin của các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng. Bằng cách này, các công ty sẽ không thể chỉ tiết lộ những nhà cung cấp “xanh” và che giấu những nhà cung cấp “kém xanh”. Các nhà hoạch định chính sách cũng nên xem xét cải thiện tính minh bạch của chuỗi cung ứng trong khuôn khổ quy định hiện hành và họ phải luôn lưu ý đến việc công bố thông tin có chọn lọc và chiến lược của các công ty để tăng cường hình ảnh “xanh”.
Đối với các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu khuyên họ nên nhớ rằng, lợi nhuận cao hơn, dưới hình thức bán hàng hoặc ROA, mang lại bởi các hoạt động greenwashing chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn. Khi mọi người phát hiện ra rằng một công ty không thực sự quan tâm đến việc có trách nhiệm với xã hội, thì lợi ích ngắn hạn có thể sẽ biến mất.
Ông Jing Wu bình luận: “Đối với các nhà đầu tư, họ nên nỗ lực phát hiện khi nào việc tiết lộ chiến lược của các nhà cung cấp ‘xanh’ hoàn toàn vì mục đích hình ảnh CSR đang diễn ra và nhận ra rằng chỉ những chuỗi cung ứng thực sự xanh hơn mới có thể cải thiện việc định giá thị trường vốn của doanh nghiệp trong dài hạn. Công chúng cũng có thể tham gia vào hành động và giúp đỡ bằng cách theo dõi bất kỳ hành vi greenwashing đáng ngờ nào của chuỗi cung ứng”.
Tài liệu tham khảo:
Shi Yilin, Wu Jing and Zhang, Yu, Corporate Social Responsibility in Supply Chain: Green or Greenwashing? (July 25, 2020). Shi Yilin, Wu Jing và Zhang Yu Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng: xanh thật hay chỉ giả hiệu xanh? (ngày 25/7/2020) Có sẵn tại SSRN: https://ssrn.com/abstract=3700310 or http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.3700310
Bài báo này được xuất bản lần đầu trên trang web Kiến thức Kinh doanh Trung Quốc (China Business Knowledge – CBK) bởi Trường Kinh doanh CUHK: https://bit.ly/3fFpu3S.
Thông tin về CUHK Business School (Trường Kinh doanh thuộc CUHK)
Trường Kinh doanh thuộc CUHK bao gồm 2 trường – Kế toán và Quản lý khách sạn và Du lịch – và 4 khoa – Khoa Kinh tế quản lý và khoa học phục vụ việc ra quyết định, Tài chính, Quản lý và Marketing. Được thành lập tại Hồng Kông vào năm 1963, đây là trường kinh doanh đầu tiên cung cấp các chương trình cử nhân về quản trị kinh doanh (BBA), thạc sĩ về quản trị kinh doanh (MBA) và thạc sĩ cao cấp về quản trị kinh doanh (Executive MBA) trong khu vực. Hiện tại, Trường cung cấp 10 chương trình đại học và 18 chương trình sau đại học, bao gồm MBA, EMBA, Master, MSc, MPhil và Ph.D. Trường hiện có hơn 4.800 sinh viên đại học và sau đại học đến từ hơn 20 quốc gia / vùng lãnh thổ theo học.
Trong Bảng xếp hạng MBA toàn cầu của Financial Times năm 2021, chương trình đào tạo của CUHK được xếp hạng thứ 48. Trong bảng xếp hạng EMBA năm 2020 của Financial Times, CUHK EMBA được xếp hạng 15 trên thế giới. Trường Kinh doanh thuộc CUHK có số lượng cựu sinh viên kinh doanh lớn nhất (hơn 40.000 người) trong số các trường đại học / trường kinh doanh tại Hồng Kông. Nhiều người trong số họ là lãnh đạo chủ chốt doanh nghiệp. Trường hiện có khoảng 4.800 sinh viên đại học và sau đại học đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thông tin thêm có sẵn tại http://www.bschool.cuhk.edu.hk hoặc bằng cách kết nối với Trường Kinh doanh, thuộc CUHK trên các mạng xã hội như:
Facebook: www.facebook.com/cuhkbschool
Instagram: www.instagram.com/cuhkbusinessschool
LinkedIn: http://www.linkedin.com/school/cuhkbusinessschool
WeChat: CUHKBusinessSchool
#CUHKBusinessSchool