Cú đâm quyết định húc đổ cổng dinh Độc Lập của xe tăng 390: Nhờ có "Cây đũa thần"
LTS: Bằng sự dũng cảm, linh hoạt, mưu trí, quân đội chúng ta đã làm nên kỳ tích mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Xin trân trọng giới thiệu với độc giả bài viết của Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt (Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975) về những ngày hào hùng đó.
---
Thần tốc vượt hơn 1.000 km "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến" qua địa bàn 3 quân khu, 11 tỉnh, đánh 5 trận hiệp đồng binh chủng lớn và nhiều trận nhỏ, chọc thủng "lá chắn thép" Phan Rang, giải phóng một loạt tỉnh thành Nam Trung Bộ, toàn bộ QĐ 2 đã có mặt tại vị trí tập kết (Long Khánh) ngày 24.4.1975 theo đúng quy định, sẵn sàng bước vào chiến dịch cuối cùng.
Tích cực, chủ động - những phẩm chất cần thiết của người chỉ huy
Chấp hành mệnh lệnh của Đại bản doanh, sau khi vào đến vị trí tập kết, toàn bộ Quân đoàn 2 sẽ được đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ngày 22.4.1975, Thiếu tướng Nguyễn Hữu An - Tư lệnh Quân đoàn và Thiếu tướng Lê Linh - Chính ủy quân đoàn tới nhận nhiệm vụ tại Bộ Tư lệnh cánh Đông. Thay mặt Bộ Tư lệnh chiến dịch, Trung tướng Lê Trọng Tấn giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 2 (*):
"Trước mắt, Quân đoàn 2 đảm nhiệm tiến công tiêu diệt địch ở tả ngạn sông Đồng Nai, đánh chiếm căn cứ Nước Trong, căn cứ Long Bình, cầu Xa Lộ, chi khu Long Thành, chi khu Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ, căn cứ hải quân Cát Lái; bịt đường không cho địch rút chạy ra biển theo sông Lòng Tàu; đưa pháo 130 ly vào Nhơn Trạch bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Hướng tiến công thứ hai theo đường số 2, đánh chiếm chi khu Đức Thạnh, thị xã Bà Rịa và Vũng Tàu.
Nhiệm vụ tiếp theo của quân đoàn là tiêu diệt địch phòng ngự ở hữu ngạn sông Đồng Nai, đánh chiếm quận 9, quận 4. Nếu Quân đoàn 4 chưa đột phá được vào nội thành thì phát triển đánh chiếm dinh Độc Lập và quận 1".
Nhận nhiệm vụ trên giao song có hai vấn đề làm Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 rất băn khoăn. Một là, trên hướng tiến công của quân đoàn, lực lượng phòng ngự của địch còn rất mạnh mà chính diện tiến công rất rộng, chiều sâu đột phá còn rất lớn - gần 100 km mới tới được Sài Gòn.
Nếu cùng nổ súng vào ngày 27.4 thì nhiều khả năng sẽ không đồng loạt tiến công Sài Gòn cùng các hướng khác được. Muốn vậy cần phải nổ súng sớm hơn, ít nhất là vào 26.4. Vấn đề thứ hai là mục tiêu đánh chiếm dinh Độc Lập, nếu Quân đoàn 2 vào sớm hơn thì có được chiếm không?
Với tinh thần tích cực, chủ động Thiếu tướng Nguyễn Hữu An đã đề nghị với Bộ Tư lệnh chiến dịch nghiên cứu hai vấn đề trên. Nhận thấy tính hợp lý của vấn đề, Trung tướng Lê Trọng Tấn đã cử sĩ quan tác chiến cấp tốc về Bộ Tư lệnh chiến dịch để thỉnh thị.
Kết quả, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã đồng ý với các ý kiến của cánh Đông, cho phép cánh Đông được nổ súng sớm hơn 1 ngày so với toàn mặt trận. Đồng thời cũng cho phép đơn vị nào vào trước cũng được đánh chiếm dinh Độc Lập. Và diễn biến các trận đánh sau này cho thấy đó là một quyết định hết sức sáng suốt và hợp lý.
Binh đoàn thọc sâu chiến dịch - một sản phẩm của tư duy sáng tạo trong nghệ thuật sử dụng lực lượng.
Tuy thế, không phải chỉ do được nổ súng sớm mà Quân đoàn 2 có "bước tiến thần kỳ" như vậy bởi cho đến tối ngày 29.4.1975, khi các hướng khác đã áp sát nội đô Sài Gòn thì Quân đoàn 2 vẫn bị cầm chân tại cầu Sông Buông do địch đánh sập trước khi rút chạy - cách Sài Gòn hơn 40 km.
Vậy điều gì đã đem lại sự khác biệt? Đó chính là sự sáng tạo trong tổ chức sử dụng lực lượng.
Để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị của mình như sau:
Trên hướng chính, tập trung lực lượng 2 sư đoàn bộ binh 304 (thiếu Trung đoàn 9) và 325 (thiếu Trung đoàn 18) cùng các đơn vị binh chủng thực hành đột phá chọc thủng tuyến phòng ngự ngoại vi của địch.
Xe tăng QGP đánh chiếm dinh Độc Lập trưa 30.04.1975. Ảnh tư liệu.
Trong đó, Sư đoàn 304 đảm nhiệm mũi đột kích chủ yếu vào căn cứ Nước Trong, Long Bình và cầu Xa Lộ. Sư đoàn 325 đảm nhiệm hướng đột kích quan trọng vào chi khu Long Thành, Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ và Cát Lái.
Hướng tiến công thứ hai do Sư đoàn BB 3 đảm nhiệm đột phá vào chi khu Đức Thạnh, thị xã Bà Rịa, Vũng Tàu chặn đường rút ra biển của địch.
Để thực hiện đánh nhanh vào nội đô, quân đoàn đã tổ chức lực lượng thọc sâu bao gồm Lữ xe tăng thiết giáp 203 (thiếu 2 đại đội của Tiểu đoàn 2) và Trung đoàn bộ binh 66 (sư đoàn 304), một tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn công binh, một tiểu đoàn cao xạ 37 ly.
Lực lượng dự bị chiến dịch là Trung đoàn bộ binh 18 (sư đoàn 325).
Phương châm hành động là: kết hợp chặt chẽ giữa đột phá chính diện với bao vây, vu hồi, thọc sâu, chia cắt, đánh "nhanh, mạnh, chắc". Hết sức táo bạo, chủ động, kịp thời. Kiên quyết không cho địch chạy thoát bằng bất kỳ cách nào.
Quá trình phát triển tiến công dám bỏ rơi các lực lượng địch ngăn cản xét thấy không quan trọng để nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu chủ yếu (Sách đã dẫn - Tr. 294).
Chính nhờ việc tổ chức "binh đoàn thọc sâu chiến dịch" đủ mạnh, tận dụng khả năng đột phá và sự cơ động của tăng, thiết giáp cùng với phương châm hành động sát đúng mà Quân đoàn đã đến đích sớm.
Nửa đêm 29.4, sau khi công binh khắc phục xong cầu Sông Buông, binh đoàn thọc sâu dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tư lệnh Nguyễn Hữu An đã vừa đi, vừa đánh để sáng sớm 30.4 có mặt tại Ngã ba Vũng Tàu và bắt đầu thực hành đột phá dọc xa lộ Sài Gòn.
Xe tăng QGP đánh chiếm dinh Độc Lập trưa 30.04.1975. Ảnh tư liệu.
Đập tan sự kháng cự của địch ở cầu Đồng Nai, cầu Rạch Chiếc đồng thời bỏ qua sự ngăn chặn của địch ở Trường Võ bị Thủ Đức, Tăng Nhơn Phú... nhằm thẳng hướng Sài Gòn hành tiến với tốc độ cao nhất nên hơn 9 giờ sáng, phân đội đi đầu của binh đoàn thọc sâu đã tới cầu Sài Gòn.
Sau trận kịch chiến ở cầu Sài Gòn, những chiếc xe tăng của Lữ đoàn 203 tiếp tục đập tan ổ kháng cự của địch tại cầu Thị Nghè. Đường tới mục tiêu chủ yếu đã rộng thênh thênh. 10h45 ngày 30.4, cánh cổng sắt của dinh Độc Lập đổ xuống sau cú đâm quyết định của xe tăng số 390, cả binh đoàn thọc sâu ào ạt tiến vào như thác lũ.
Ở xa nhất, chính diện tiến công rộng nhất, chiều sâu đột phá lớn nhất... nhưng Quân đoàn 2 đã đến đích sớm nhất.
Đó chính là kết quả của tinh thần tích cực chủ động và tư duy sáng tạo trong tổ chức sử dụng lực lượng của Bộ Tư lệnh kết hợp với tinh thần chiến đấu dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ toàn quân đoàn. Sự tích cực, chủ động, sáng tạo ấy được ví như "Cây đũa" mang lại sự thần kỳ.
(*) Chiến trường mới - Hồi ký của Thượng tướng Nguyễn Hữu An, NXB QĐND, Tr. 293.
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt