Công viên trí tuệ nhân tạo trị giá 2,8 tỷ đôla được lên kế hoạch ở Bắc Kinh
Bắc Kinh đang có kế hoạch xây dựng một công viên phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) trị giá 13,8 tỷ nhân dân tệ ở phía tây thành phố, theo tin Tân Hoa Xã chính thức thông báo vào ngày 4/1 khi Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện đầy đủ các mục tiêu của mình để trở thành người dẫn đầu thế giới về AI trong năm 2025.
Cũng theo Tân Hoa Xã, công viên AI sẽ chứa được 400 doanh nghiệp và ước tính hiệu suất hàng năm là 50 tỷ nhân dân tệ, trích dẫn một báo cáo từ các cơ quan quản lý ở quận Mentougou (Bắc Kinh) cho biết. Tập đoàn phát triển Zhongguancun, nhà phát triển dự án, sẽ tìm cách hợp tác với các trường đại học nước ngoài và xây dựng một phòng thí nghiệm AI cấp quốc gia trong khu vực
Tập đoàn phát triển Zhongguancun và đại diện của quận Mentougou ở Bắc Kinh đã không đưa ra bình luận gì về việc này.
Theo Reuters, kế hoạch của Trung Quốc nhằm thúc đẩy sự phát triển trí tuệ nhân tạo AI được ra đời trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Mỹ đối với các ứng dụng cạnh tranh của AI trong ngành công nghệ quân sự.
Theo Hội đồng Nhà nước, Trung Quốc dự định phát triển ngành công nghiệp địa phương lên hơn 150 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020 và 400 tỷ nhân dân tệ vào năm 2025.
Cũng theo Reuters, Trung Quốc đã công bố một loạt kế hoạch thu hút tài năng, đầu tư và nghiên cứu về AI, kêu gọi các công ty tư nhân, nhà nước và quân sự cùng hợp tác về các mục tiêu AI của quốc gia trong một lộ trình phát triển được công bố năm ngoái.
Ngành công nghiệp AI đang phát triển của đất nước này cũng thu hút các công ty nước ngoài.
Tháng trước, Google đã thông báo sẽ thành lập một nhóm nghiên cứu về AI tại Bắc Kinh mời gọi các tài năng nghiên cứu tại địa phương, mặc dù công cụ tìm kiếm của công ty Mỹ này vẫn bị chặn sau bức tường lửa của Trung Quốc. Công viên AI mới sẽ tập trung vào việc thu hút các doanh nghiệp làm việc với dữ liệu lớn, nhận dạng sinh trắc học, học tập sâu và điện toán đám mây.
Bắc Kinh gần đây cũng đã công bố các bản thiết kế cho một khu vực dành riêng cho xe tự lái tại khu ngoại ô của thành phố, nhằm thử nghiệm và phát triển các phương tiện không người lái.
Một số chuyên gia đã so sánh sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong đấu trường AI với cuộc đua vũ trụ vào những năm 1950. Tuy nhiên, nhà đầu tư mạo hiểm Jim Breyer nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục dẫn đầu chứ không phải Trung Quốc.
Ông Breyer cho biết trong một cuộc họp báo của CNBC vào tháng 11 vừa rồi rằng: “Tôi không nghĩ rằng họ (Trung Quốc) sẽ là số 1, vì tôi nghĩ rằng mật độ các tài năng sáng tạo ở thung lũng Silicon vẫn ở mức cao và sẽ luôn như vậy”
Tuy nhiên, Washington đang lo lắng về khả năng vượt mặt của Trung Quốc khi nói đến AI.
Một báo cáo của Lầu Năm Góc gần đây cho thấy Nhà Trắng quan tâm đến việc đầu tư của Trung Quốc vào các start-up ở Mỹ với mục tiêu tăng cường khả năng kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc mua bán sáp nhập
“Nếu chúng ta cho phép Trung Quốc tiếp cận với những công nghệ tương tự đồng thời, thì chúng ta có thể sẽ mất đi không chỉ ưu thế về công nghệ của mình mà còn có thể tạo điều kiện để Trung Quốc phát triển ưu thế về công nghệ của họ”, báo cáo cho biết.
Trong một động thái khác, vào ngày 5/1, chính phủ Mỹ đã từ chối chấp thuận một cuộc sáp nhập trị giá hàng triệu đô la giữa MoneyGram với Ant Financial, chi nhánh của thương hiệu thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba.
Ngân Giang (theo ST)