Công tác bồi thường Dự án tái định cư thủy điện Sơn La: Người dân đồng loạt “kêu cứu”?
Nhiều dấu hiệu chưa đúng quy định?
Được biết, Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La nằm trên ba tỉnh gồm: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu. Đây là dự án di dân lớn nhất trong lịch sử các công trình xây dựng ở nước ta, với tổng vốn đầu tư hơn 26 nghìn tỷ đồng. Riêng ở Điện Biên, dự án khởi động từ tháng 6/2010, được phân bổ hơn 6.700 tỷ đồng nhằm tạo điện kiện cho người dân tái định cư sớm ổn định chỗ ở. Nhà nước đã triển khai gần 8.000 phương án hỗ trợ, bồi thường cho hơn 40.000 hộ dân và 232 tổ chức phải di dời hoặc chịu ảnh hưởng bởi dự án này.
Liên quan đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, ngày 12/01/ 2016, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành văn bản số: 58/QĐ-UBND, Quyết định ban hành bổ sung một số chính sách đặc thù đối với các dự án thành phần thuộc Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ quy định cụ thể về việc “việc giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá tại thời điểm lập phương án giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư”.
Quyết định 58/QĐ-UBND của UBND tỉnh Điện Biên ban hành bổ sung một số chính sách đặc thù đối với các dự án thành phần thuộc Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân tổ dân phố 23, phường Mường Thanh, ngay sau khi Quyết định nêu trên được ban hành đã bị nhiều người dân vùng tái định cư phản đối. Những người dân thuộc diện bị giải tỏa để thực hiện dự án đường vào khu tái định cư Noong Bua (đoạn từ đường Hoàng Văn Thái đến ngã tư Khe Chít) đã gửi đơn kiến nghị lên một số lãnh đạo đứng đầu tỉnh về việc không đồng tình với Quyết định 58/QĐ-UBND do UBND tỉnh ban hành.
Cụ thể, theo Quyết định 58/QĐ-UBND ngày 12/1/2016 của UBND tỉnh Điện Biên quy định:“Người bị thu hồi đất không được bồi thường bằng diện tích đất bị thu hồi (đất ở đã có giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất ở lâu dài). Người bị thu hồi đất ở (có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) có nguyện vọng nhân đất tái định cư phải nộp tiền sử dụng đất”.
Theo người dân cho biết, việc ban hành Quyết định 58/QĐ-UBND là hoàn toàn trái ngược với Quyết định 02/2007/QĐ-TTg ngày 09/1/2017 của Thủ tướng và các quyết định của UBND tỉnh. Bởi theo Quyết định 02/2007/QĐ-TTg ngày 09/1/2017 của Chính phủ ban hành để áp dụng riêng cho việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án thuỷ điện Sơn La đã quy định cụ thể như sau: Khoản 1 điều 6 chương 2 ghi rõ: Người sử dụng đất khi bị thu hồi để thực hiện dự án thuỷ điện Sơn La được bồi thường bằng đất hoặc bằng tiền. Trường hợp người có đất bị thu hồi có giấy tờ hợp pháp xác định được diện tích sử dụng đủ điều kiện để được bồi thường thiệt hại về đất thì được tính bồi thường theo diện tích đất bị thu hồi. Trả bằng tiền cho hộ tái định cư tự nguyện để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tới nơi đến. Như vậy, chỉ những trường hợp tái định cư tự nguyện thì Nhà nước mới trả bằng tiền.
Đơn thư kiến nghị của bạn đọc là cư dân cư trú tại tổ dân phố 23, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, thuộc diện bị giải toả để thực hiện Dự án đường vào khu tái định cư Noong Bua phản ánh về nhiều dấu hiệu chưa hợp lý và minh bạch trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án này.
Bên cạnh đó, cũng theo người dân phản ánh, nhiều trường hợp chỉ được công nhận 260m2 đất ở thu hồi nhưng vẫn được giao 300 - 400m2, thậm chí có hộ được giao tận 900m2 (người dân cho biết họ có đủ dẫn chứng nếu cần sẽ được cung cấp đầy đủ tên và địa chỉ).
Việc nhiều hộ dân phản đối Quyết định 58 rõ nhất có lẽ là tại buổi đối thoại công dân ngày 12/3/2016. Tại biên bản đối thoại có sự tham gia của lãnh đạo thành phố cùng một số các sở, ngành ghi rõ: “Giải quyết nội dung đề nghị của các hộ gia đình bị thu hồi đất thuộc Dự án xây dựng”. Các hộ gia đình ông/ bà: Trương Thị Đào; Nguyễn Văn Hùng; Nguyễn Quốc Hội; Nguyễn Thị Ngọc Hà; Nguyễn Thị Hồng - Nguyễn Khắc Đô…đều không nhất trí với nội dung Quyết định số 58 của UBND tỉnh.
Phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại công dân, bà Nguyễn Thị Loan – Tổ trưởng tổ dân phố 23 đã đề nghị UBND thành phố, Sở Tài nguyên & Môi trường không nên cứng nhắc quá, cần phải xem xét và giải quyết thỏa đáng quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi thuộc phạm vi dự án.
Thấy gì ở Quyết định 58 do UBND tỉnh ký?
Cũng theo đơn kiến nghị của người dân được biết, hộ ông Bùi Châu Tấn có hơn 1000m2, trong đó, đất bị thu hồi chỉ có hơn 50m2 nhưng lại được đề xuất giao đất tái định cư. Được biết, ông Bùi Châu Tấn chính là Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Điện Biên.
Cụ thể, theo báo cáo thuyết minh số 24/BC-TCTLN ngày 01/ 02/ 2016 do đích thân ông Bùi Châu Tấn ký có ghi, danh sách các hộ gia đình, cá nhân bố trí tái định cư và giao đất có thu tiền sử dụng đất thì hộ ông Bùi Châu Tấn, Ngô Thị Vân có diện tích thu hồi là: 57,2m2. Tổng diện tích đất còn lại không bị thu hồi là: 942,8m2 (trong đó có 468,8m2 là diện tích đất ở và 474m2 là diện tích đất nông nghiệp còn lại).
Một góc khu tái định cư Noong Bua
Với diện tích rộng lớn hàng trăm mét vuông, gia đình ông Bùi Châu Tấn đủ điều kiện để ở, không phải di chuyển chỗ ở, không đủ điều kiện bố trí tái định cư. Tuy nhiên, dựa vào Quyết định số 58/QĐ-UBND ngày 12/01/2016 của UBND tỉnh Điện Biên, gia đình ông Bùi Châu Tấn vẫn thuộc diện “hộ gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống trên một thửa đất, được xem xét giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá…”.
Tại biên bản đối thoại công dân ngày 18/3/2016, UBND thành phố Điện Biên Phủ không phê duyệt việc giao đất tái định cư cho gia đình ông Bùi Châu Tấn. Trong đơn đơn kiến nghị người dân cho biết, tại buổi đối thoại nêu trên ông Bùi Châu Tấn đã vắng mặt.
Cũng theo đơn thư phản ánh của các hộ dân cho biết, cuộc đối thoại ngày 18/3/2016 giữa người dân bị thu hồi đất và các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã không đạt được kết quả bởi Sở Tài nguyên & Môi trường đã không trả lời được rõ ràng và những căn cứ pháp lý, không theo Quyết định 02/2007 của Thủ tướng mà chỉ trả lời đã thực hiện đúng theo Quyết định 58 của UBND tỉnh.
Tại buổi đối thoại, ông Ngôn Ngọc Khuê – Phó giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường cho rằng, trong việc thực hiện nếu còn sự chưa phù hợp với thực tế, bấp cập thì Sở Tài nguyên & Môi trường, các sở ngành có liên quan, UBND thành phố sẽ tổng hợp và xin ý kiến của UBND tỉnh.
Đề nghị các cấp lãnh đạo và các cơ quan chức năng của tỉnh Điện biên sớm vào cuộc, điều tra làm rõ những vấn đề còn tồn đọng trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của Dự án đường vào khu tái định cư Noong Bua đối với diện tích đất của những hộ trú tại tổ dân phố 23, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, nhằm sớm trả lại công bằng cho những hộ dân này.
Xuân Hoàng – Thanh Phong