Công nghệ sản xuất hydro xanh cộng do người Việt nghiên cứu, sản xuất được giới thiệu tại Australia
Hội nghị có sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu đến từ hơn 20 quốc gia, bao gồm đại biểu đại diện cho Chính phủ Úc; Đại diện Liên minh Châu Âu; Đại diện các Chính phủ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam.
Ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký BAOOV (thứ ba từ bên phải sang) tại hội nghị. |
Tại hội nghị, ông Peter Hồng - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký BAOOV đã trình bày tham luận giới thiệu những ưu thế nổi trội của công nghệ sản xuất hydro xanh cộng do người Việt Nam nghiên cứu, sản xuất như: không cần quy hoạch vùng nguyên liệu đầu vào; triệt tiêu khí thải độc hại được tạo ra trong buồng đốt của động cơ như NOx, CO, CO2, SO2 vượt tiêu chuẩn Euro 6; giúp đốt triệt để và kéo dài thời gian đốt của nhiên liệu; ổn định nhiệt độ buồng đốt ở mức tối ưu; không cần lắp đặt thêm nguồn năng lượng hỗ trợ; làm sạch carbon của động cơ đốt trong và kéo dài tuổi thọ của động cơ) áp dụng cho tất cả các loại động cơ đốt trong (xăng, dầu và gas) …
Sáng chế đã được thử nghiệm thành công trong thực tế với việc ứng dụng hầu hết trên các loại động cơ đốt trong và được đăng ký bảo vệ sở hữu trí tuệ toàn cầu (WIPO/PTC, Mỹ, Nhật…).
Hiện Mỹ đã cấp bằng sáng chế và bảo vệ sở hữu trí tuệ toàn cầu ngày 25/7/2023 và đang chờ WIPO và Nhật Bản, Australia cấp bằng. Hệ thống cũng được một số nhà nghiên cứu, tập đoàn công nghệ năng lượng, ô tô hàng đầu của Mỹ, Australia, Nhật, Trung Quốc, Ả rập xê út quan tâm tìm hiểu, mong muốn hợp tác.
Đoàn công tác Việt Nam chụp ảnh với các đại biểu tại hội nghị. |
Hội nghị và triển lãm “Kết nối công nghệ hydro xanh APAC năm 2023” diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Australia đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam -Australia (1973-2023), thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược toàn diện vào thời điểm thích hợp; đặc biệt khi Thủ tướng Australia Anthony Albanese vừa công bố gói hỗ trợ 105 triệu AUD cho quy hoạch cơ sở hạ tầng bền vững, phát triển các nguồn năng lượng sạch và ngành khai khoáng Việt Nam.
Đây chính là cơ sở để giúp Việt Nam tránh được sức ép về “Net zero”, tiếp cận được với những đối tác, tập đoàn hàng đầu về sản xuất công nghệ của Australia cũng như các nước phát triển trong hợp tác sản xuất, chuyển giao công nghệ của hai quốc gia hiệu quả trong quá trình đạt cân bằng phát thải vào năm 2050 bằng nguồn ODA này.
Bên lề Hội nghị, Đoàn Công tác đã tiếp xúc, trao đổi với đại diện EU, Chính phủ Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Giáo sư Michael Brear, Giám đốc Viện Năng lượng Melbourne, Đại học Melbourne (Australia) để tham khảo kinh nghiệm, tìm hiểu và kết nối với những tập đoàn hàng đầu thế giới về năng lượng sạch, công nghệ sản xuất hydro xanh.
Sau hội nghị, một số tập đoàn của các nước Chile, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia…sẽ đến Việt Nam trao đổi, tìm cơ hội hợp tác, đầu tư phát triển công nghệ Hydrogen xanh và các sản phẩm công nghệ khác về năng lượng tái tạo và môi trường.