Công bố danh tính nghi phạm đánh bom làm 11 người chết ở Indonesia
Hôm 13/5, đã có ít nhất 11 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương sau hàng loạt vụ đánh bom tự sát tại 3 nhà thờ ở Surabaya - thành phố lớn thứ 2 của Indonesia. Cảnh sát nước này cho biết đây là một cuộc tấn công phối hợp, được thực hiện bởi một gia đình.
Phát biểu trước báo giới, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Indonesia, ông Tito Karniavan, cho hay: Các điều tra viên tin, một cặp vợ chồng cùng với 4 người con trong độ tuổi 9 - 18 là thủ phạm của vụ tấn công đẫm máu nhất ở Indonesia suốt hơn 1 thập kỷ qua.
Vụ đánh bom đầu tiên xảy ra tại nhà thờ Santa Maria, khiến 4 người thiệt mạng. Tiếp theo là cuộc tấn công nhắm vào nhà thờ Surabaya Center Pentecostal và vài phút sau đó là vụ tấn công ở nhà thờ GKI Diponegoro.
Cảnh sát xác định nghi phạm đánh bom nhà thờ GKI Diponegoro là người mẹ Puji Kuswanti cùng 2 cô con gái Fadila Sari (12 tuổi) và Pamela Rizkita (9 tuổi).
Cùng lúc đó, 2 người con trai Yusuf (18 tuổi) và Alif (16 tuổi) lái xe máy gần lối vào của nhà thờ Santa Maria rồi kích nổ quả bom mà họ mang theo. Cha của họ, Dita, thì đánh bom xe nhắm vào nhà thờ Surabaya Center Pentecostal.
Lực lượng an ninh có mặt tại hiện trường một vụ nổ ở Surabaya hôm 13/5. (Ảnh: Reuters)
Các vụ nổ xảy ra cách nhau chỉ vài phút, ngay sau 7 giờ 30 phút (giờ địa phương) sáng Chủ nhật - thời điểm mà các giáo dân đang trên đường tới nhà thờ để làm lễ, cầu nguyện.
Ông Karniavan tỏ ý nghi ngờ, gia đình nói trên có liên quan tới làn sóng công dân Indonesia về nước từ Syria - nơi mà nhiều người Indonesia đã tới để tham gia tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trong khi đó, IS đã tuyên bố nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công vừa qua ở Indonesia thông qua cơ quan truyền thông Amaq của tổ chức này. Tuy nhiên, IS không đưa ra bất cứ bằng chứng xác thực nào.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã trực tiếp tới hiện trường các vụ đánh bom cùng ngày 13/5. Ông Widodo lên án vụ tấn công là "dã man" và kêu gọi sớm đưa thủ phạm ra ánh sáng.
Nhận định về loạt vụ tấn công vừa qua, chuyên gia phân tích an ninh Todd Elliot của tổ chức Concord Consulting nói: Việc 3 địa điểm bị đánh bom gần như cùng lúc cho thấy cuộc tấn công đã được lên phối hợp và thực hiện tốt.
Lính cứu hỏa nỗ lực dập lửa ở nhà thờ Surabaya Center Pentecostal. (Ảnh: Reuters)
Chuyên gia phân tích khủng bố Sidney Jones, cũng có quan điểm tương tự. "Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất mà những đối tượng ủng hộ IS có thể phối hợp cho đến nay. Hầu hết các nỗ lực đánh bom trước đó đều đã thất bại", bà Jones nhấn mạnh.
Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên tại Indonesia, một phụ nữ đánh bom tự sát. Theo chuyên gia Nooor Huda Ismail, người thường xuyên theo dõi các mạng lưới cực đoan trên phương tiện truyền thông xã hội, ngày càng nhiều phụ nữ Indonesia mong muốn tham gia chủ nghĩa bạo lực cực đoan.
Trong diễn biến liên quan, cảnh sát Indonesia đã ra lệnh đóng cửa tạm thời tất cả các nhà thờ ở Surabaya trong ngày 13/5. Đồng thời, một lễ hội thực phẩm lớn của thành phố cũng đã bị hủy bỏ để đảm bảo an ninh.
Indonesia là nơi có số lượng Kitô hữu, tín đồ Hindu và người theo Phật giáo đông đảo. Tuy nhiên, lo ngại xung đột tôn giáo đang ngày càng tăng. Trong những năm qua, hàng loạt phần tử cực đoan đã tấn công nhằm vào Kitô hữu và người dân tộc thiểu số.
Loạt vụ đánh bom hôm 13/5 là vụ tấn công đẫm máu nhất ở Indonesia kể từ năm 2005, khi 23 người chết vì các vụ đánh bom xe trên hòn đảo du lịch Bali. Trước đó, vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất ở Indonesia là vụ đánh bom cũng trên đảo Bali năm 2002, khiến 202 người thiệt mạng.
Trọng Sang