Conference Board: Nếu TPP sụp đổ, GDP Việt Nam chỉ tăng 6,2%. Chúng ta có cần lo lắng ?
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu năm 2017 mới đây, Conference Board, tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới, đã đưa ra nhiều nhân định không mấy lạc quan về nền kinh tế thế giới năm tới, qua đó có thể ảnh hưởng khá tiêu cực đến kinh tế Việt Nam
Theo Conference Board, chính những căng thẳng địa chính trị, sự bất bênh về chính sách, sự dao động của thị trường tài chính và những thay đổi nhanh chóng trong công nghệ sẽ khiến nền kinh tế thế giới tiếp tục trì trệ trong năm năm 2017, dù đã ở trong tình trạng này trong 6 năm liên tiếp.
Đặc biệt, đánh giá về tác động của kết quả cuộc bầu cử tại Mỹ, tuy rằng nhận định việc này sẽ không ảnh hưởng đến bức tranh kinh tế thế giới tổng thể nhưng riêng đặc biệt với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), báo cáo nhận định nó sẽ tạo ra một thay đổi rất lớn.
Đó là dưới chính quyền của ông Donald Trump, TPP gần như chắc chắn sẽ sụp đổ. Nếu thành sự thật, đây hẳn là một thông tin rất buồn bởi lẽ niềm hy vọng “vàng” để mong kinh tế Việt Nam có thể “hóa rồng” nay sẽ không còn nữa.
Conference Board cũng tại buổi công bố báo cáo này của Conference Board đã dự đoán rằng kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chỉ ở mức 2,8% trong năm 2017. Một lần nữa, đây lại là tin không vui với Việt Nam.
Mới đây từ Hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn: Triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường” (tổ chức bởi Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia trực thuộc Bộ kế hoạch và Đầu tư ngày 18/11 vừa qua), nếu kinh tế thế giới trong năm tới không vượt qua được mức tăng trưởng 3% thì chúng ta sẽ rơi vào một kịch bản “tăng trưởng thấp” - một kịch bản tệ nhất trong cả 3 kịch bản được nhắc đến.
Ở kịch bản này, trong giai đoạn 2017 -2020, Việt Nam sẽ quay lại mức tăng trưởng những năm 2014 với khoảng 6,2%, tức là kém xa so với mức 6,7% mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra mới đây cho năm 2017.
Cuối cùng, trên bình diện quốc tế, báo cáo Triển vọng kinh tế Toàn cầu năm 2017 cho rằng sự tích cực sẽ đến với Mỹ và các nước mới nổi khi dự đoán mức tăng trưởng tăng so với 2016; còn nhóm các nước khu vực Eurozone, Anh và Nhật Bản sẽ lại chứng kiến một năm có sức tăng trưởng giảm xuống.
Tuy nhiên tiến sĩ Phan Minh Ngọc lại có quan điểm ngược lại. Ông cho rằng TPP dù có thất bại vì đã không được Mỹ thông qua thì nó cũng không phải là một thảm họa hay một yếu tố tiêu cực kéo tụt Việt Nam lại trên con đường tăng trưởng và phát triển hiện tại.
Theo ông Ngọc, nếu phân tích kỹ thì ảnh hưởng của thất bại TPP cũng có sự khác biệt nếu nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Trước hết, vì TPP về tổng thể là một dấu cộng thêm cho nền kinh tế Việt Nam nên nếu TPP không được thông qua thì, về logic, kinh tế Việt Nam chỉ mất đi dấu cộng này mà không chịu thêm một dấu trừ nào khác.
Nói cách khác, ảnh hưởng trước tiên của việc TPP không được thông qua là Việt Nam mất đi một cơ hội để tăng trưởng nhanh hơn, chứ không chịu tác động tiêu cực nào khác lên hiện trạng của nền kinh tế Việt Nam.
Ngoài những cái lợi và sự mất mát có thể trông thấy như trên, độ lớn của sự mất mát (mất đi dấu cộng) từ việc TPP không được thông qua còn phụ thuộc vào bản thân Việt Nam đã và sẽ sẵn sàng như thế nào để thu được tối đa lợi ích từ TPP khi nó được phê chuẩn.