Con gái An Thuyên mời Hồ Ngọc Hà hát tưởng nhớ bố
Liveshow “Tan vào Hà Nội” tại Thủ đô là đêm nhạc do gia đình cố nhạc sĩ tổ chức nhằm tưởng nhớ 100 ngày mất của ông cũng như tri ân người thân, người hâm mộ. Chương trình có sự tham gia của những người bạn, học trò lâu năm như: Thu Hiền, Tấn Minh, Mỹ Linh, Lan Anh, Tùng Dương, Hồ Quỳnh Hương, Vũ Thắng Lợi, Phương Thảo, Lê Anh Dũng, Xuân Hảo... Sự xuất hiện của Hồ Ngọc Hà trong buổi họp báo chiều 21/9 gây bất ngờ.
Hồ Ngọc Hà cũng thấy bất ngờ khi nhận được lời mời hát trong đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ An Thuyên.
Hồ Ngọc Hà cho biết, 2 gia đình là những người bạn thân lâu năm. Mẹ của Hà Hồ và bà Ngô Huyền Lâm – vợ nhạc sĩ An Thuyên cùng hoạt động văn nghệ tại 1 đơn vị trong quân đội. Việc không thể tham dự đám tang của An Thuyên khiến cô và những người thân cảm thấy tiếc nuối. Thậm chí Hà Hồ còn có chút ân hận vì không gặp cố nhạc sĩ lần cuối.
"Ngày trước, khi tôi còn bập bẹ chơi đàn piano ở trường, chính bác An Thuyên là người gợi ý tôi ra Hà Nội để theo học Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Ngày đó còn nhỏ, tôi hay xao lãng, ham chơi. Đang từ học sinh hệ A, tôi bị điều chuyển xuống hệ thấp hơn là B. Khi biết tin, bác Thuyên không nói gì nhưng nhìn vào ánh mắt, tôi biết bác là người nghiêm khắc. Từ đó, tôi cố gắng hơn trong việc học. Đến sau này hoạt động nghệ thuật, dù không đi theo con đường được bác hướng khi xưa, tôi vẫn cảm nhận được sự ủng hộ trên mỗi bước đi", Hà Hồ chia sẻ.
Nữ ca sĩ tiết lộ, cô sẽ hát một ca khúc của nhạc sĩ An Thuyên trong chương trình. Phong cách thể hiện bài hát này cũng sẽ hoàn toàn khác biệt so với hình ảnh thường thấy của cô.
Ca sĩ Bông Mai chia sẻ về những công việc dang dở của ba khi còn sống và mong ước hoàn thành chúng của gia đình.
Trước khi giới thiệu về đêm nhạc, ca sĩ Bông Mai mời những người tới dự thưởng thức món ngô, khoai, sắn. Nữ ca sĩ cho biết, đây là một cách để cô tưởng nhớ đến người cha đã khuất cũng như thể hiện sự tiếp nối truyền thống.
"Hồi còn sống, mỗi khi làm một sự kiện lớn, bố tôi và gia đình có thói quen húp một bát cháo trắng vào đêm trước đó. Còn bây giờ, tôi muốn mọi người cùng mình ăn những miếng ngô, khoai, sắn này. Chúng giản dị, chân quê thật đấy nhưng sâu sắc, từng nuôi bao nhiêu thế hệ người Việt, giống với con người của bố tôi và những gì ông đem đến cho khán giả bao năm qua", Bông Mai bộc bạch.
Con gái nhạc sĩ An Thuyên cho biết, sở dĩ chị và gia đình chọn tên “Tan vào Hà Nội” để đặt cho đêm nhạc lần này bởi nhiều lý do. Thứ nhất, đây là tên của một trong những sáng tác mới của cố nhạc sĩ trước khi qua đời. Thứ 2, bài hát này nói về mùa thu ở Hà Nội – nơi An Thuyên từng coi là quê hương thứ 2 và đem đến cho ông nhiều cảm hứng sáng tác lúc sinh thời. Quan trọng hơn cả, vào ngày ra đi, người con xứ Nghệ ấy được ôm trọn trong tình yêu của gia đình, người thân, khán giả giữa đám tang ở Thủ đô. Rời xa cõi trần nhưng ông đi trong nhẹ nhàng, thanh thản, như được tan ra giữa sự yêu thương của những người xung quanh.
Đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ An Thuyên được chia thành 5 phần tương ứng với 5 màu sắc thuộc ngũ hành. Trong đó, màu nâu (Thổ) là mảng âm nhạc nói về nỗi nhớ đau đáu của An Thuyên với nơi chôn nhau cắt rốn Nghệ An. Còn mảng nhạc màu xanh lá (Mộc) lại thể hiện "chất lính" bên trong vị tướng đầu tiên của mảng văn hóa nghệ thuật dân tộc, mộc mạc và đầy nhiệt huyết. Phần âm nhạc màu trắng (Kim) nói về con đường âm nhạc của An Thuyên với các lứa học trò thành danh. Mảng nhạc xanh nước biển (Thủy) hé lộ một góc âm nhạc ít người biết tới mỗi khi nhắc đến An Thuyên – nnhạc thiếu nhi. Cuối cùng là mảng màu đỏ (Hỏa), tương ứng với những hoài bão lớn lao, sống hết mình và không ngừng phấn đấu của cố nhạc sĩ.
Chương trình sẽ có bài hát “Bao giờ về được ao quê” do An Thuyên sáng tác lúc cuối đời nhưng còn dang dở. Bông Mai kể rằng, bản thảo tìm được khi ấy chỉ là những dòng nhạc được kẻ đơn giản với các ký hiệu chỉ người trong nghề mới hiểu được. Cô may mắn được sự giúp đỡ của bạn bè nên đã khôi phục được hầu hết bài hát.
Bà Ngô Huyền Lâm (giữa) – vợ nhạc sĩ An Thuyên tham gia họp báo.
Bông Mai cho biết, ngoài phần lớn số vé được trao cho người thân, bạn bè, gia đình cô vẫn giữ lại một lượng nhỏ để bán cho người hâm mộ với giá thấp. Cô dự định dồn toàn bộ số tiền thu được để thành lập quỹ mang tên cố nhạc sĩ, nhằm thực hiện nốt những công việc của ông còn dang dở như xuất bản cuốn sách nhạc dành tặng các nhạc sĩ lớn tuổi, phát hành tổng tập nhạc thiếu nhi của những nhạc sĩ nổi tiếng, thành lập trại sáng tác cho các đơn vị doanh nghiệp...
Bà Huyền Lâm kể, thời còn sống, nhạc sĩ An Thuyên hay giấu bà dùng tiền túi thực hiện các dự án riêng. Đến khi ông mất, được bạn bè nói, vợ nhạc sĩ mới nhận ra sự thật. Bà ngậm ngùi: "Ông ấy nhận được lương chỉ đưa vợ một ít, rồi cứ tự đem đi làm đủ thứ việc. Hàng ngày, tôi chỉ thấy chồng là người ngủ nhiều, hay dậy muộn, nghiện thuốc lá nặng... Đến khi mất, tôi mới thấy ông làm được nhiều việc quá".
Đêm nhạc “Tan vào Hà Nội” diễn ra tối 11/10 tại Hà Nội.
Ngoài đêm nhạc tưởng nhớ An Thuyên, gia đình cố nhạc sĩ cũng tổ chức triển lãm những kỷ vật gắn liền với ông. Đó là bản thảo viết tay “Ca dao em và tôi”, “Mẹ Việt Nam anh hùng”... tác phẩm nhiếp ảnh, khoảnh khắc cuộc sống của ông. Bên cạnh đó, gia đình còn cho trưng bày các bộ sưu tập máy hát cổ, đĩa than, máy ảnh... vốn là một niềm đam mê lớn của An Thuyên bên cạnh âm nhạc. Gia đình cố nhạc sĩ cũng mong muốn những người thân, khán giả có thể chia sẻ kỷ niệm, khoảnh khắc... của mình với An Thuyên bằng cách gửi về email của ông hoặc con gái. |
Theo VnExpress