Coi chừng bỏng lạnh
Mới đây, bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã phải cấp cứu cho bé 5 tuổi bị bỏng lạnh. Nguyên nhân thời tiết lạnh nhưng bé mặc quần ngắn, áo mỏng và không đi dép. Vì vậy, chân bị đau và căng. Mẹ bé rửa bằng nước ấm thì thấy bàn chân và cẳng chân chuyển sang màu tím. Khi đến bệnh viện điều trị, chân bé có dấu hiệu hoại tử và được chẩn đoán là do bỏng lạnh.
Để tay, chân trong thời tiết giá lạnh lâu có thể dẫn tới bỏng lạnh
Đây không phải trường hợp đầu tiên bị bỏng lạnh. Nhiều bệnh viện đã điều trị cho một số bệnh nhân mắc bệnh trên.
Theo bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng Khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn, bỏng lạnh tuy ít gặp nhưng nó cũng gây nguy hiểm không kém so với bỏng nhiệt độ cao. Nguyên nhân do nhiệt độ xuống thấp đột ngột hoặc kéo dài, cơ thể hoặc một vùng cơ thể không chịu được nhiệt độ này nên dẫn đến tình trạng bỏng lạnh.
Hay gặp nhất là những người lao động phải làm việc trong thời tiết lạnh giá lâu mà lại không đủ quần áo giữ ấm hoặc quần áo ướt, gió lạnh... hoặc người làm việc trong phòng đông lạnh, trong các kho lạnh, bê hàng đá lạnh...
Đặc biệt, trong điều kiện nhiệt độ ở các tỉnh phía Bắc đang thấp như hiện nay, GS.TS Lê Năm, nguyên Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia nhận định, nguy cơ bỏng lạnh rất cao.
“Biến chứng của bỏng lạnh cũng giống như bỏng nhiệt, bỏng điện gây hoại tử chi, phát hiện muộn có thể phải cắt chân, tháo khớp. Bỏng lạnh do thời tiết còn nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao vì rất dễ biến chứng vào viêm phổi. Người tiếp xúc với môi trường lạnh trong thời gian dài mà bị bỏng lạnh thì thân nhiệt bị hạ thấp dẫn tới rối loạn ý thức, co giật, hôn mê thậm chí tử vong”, ông Năm cho hay.
Để có thể phòng ngừa bỏng lạnh, bác sĩ Năm khuyến cáo, nếu bị bỏng lạnh ngâm với triệu chứng tê cứng ở chân, người bệnh nên ngâm ngay chân vào nước ấm có thêm chút muối. Khi có tổn thương như nốt dát đỏ, cẳng chân, mu chân 2 bên phù nề, lạnh các đầu chi, mạch mu chân 2 bên bắt rõ đau tại vị trí tổn thương cần đến bệnh viện để được chăm sóc y tế.
Trường hợp hoại tử bàn tay vì bị bỏng lạnh. (Ảnh: Minh họa)
Trong khi đó, theo bác sĩ Thống, để tránh bị bỏng lạnh, trong những ngày giá lạnh, mọi người khi ra ngoài đường cần mặc ấm, đặc biệt chú ý những phần cơ thể phải tiếp xúc nhiều với nhiệt độ thấp như bàn tay, bàn chân… Khi gặp trời mưa phải thay ngay quần áo ướt tránh nhiễm lạnh cơ thể.
“Không nên để bệnh nhân tiếp xúc với lửa hay lò sưởi vì có nguy cơ tổn thương nặng nề hơn do bị bỏng kép rất nguy hiểm. Nếu bị sưng tấy, đau buốt lâu, ủ ấm không khỏi phải lập tức đến bác sĩ để tránh bệnh nặng thêm”, bác sĩ Thống nói.
Triệu chứng bỏng lạnh Cấp độ 1, bệnh nhân tổn thương bề mặt da với triệu chứng ngứa, đau, biến đổi màu sắc da từ trắng sang đỏ và vàng, rối loạn hoặc mất cảm giác nóng lạnh. Cấp độ 2, vùng da tổn thương cứng lại. Da xuất hiện các bọng nước, trở thành màu đen và cứng, tổn thương này có thể khỏi sau 1 tháng hoặc mất cảm giác nóng lạnh vùng tổn thương. Ở cấp độ 3 – 4 là cấp độ bỏng nặng, vùng da tổn thương nặng nề, các mô sâu, gân, cơ, mạch máu, thần kinh, các khu vực này chuyển sang màu đen và chứa đầy máu, tiến tới hoại tử do thiếu dinh dưỡng, nặng phải tháo khớp dẫn tới cụt các chi. |
Bảo An