Cổ phiếu Chứng khoán hút tiền, thị giá HCM lên cao nhất năm 2024
Định vị thị trường
Trước thềm sự kiện cuộc họp của FED, các chỉ số chứng khoán châu Á tiếp tục có sự trái chiều trong vận động. NIKKEI 225 (+0,49%), KOSPI (+0,13%) tăng điểm nhẹ trong khi TWSE (-0,78%), STI (-0,09%), SET (-0,06%), KLSE (-0,54%) giảm điểm không đáng kể.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã vực lại niềm tin với phiên tăng gần 20 điểm trong ngày hôm qua. Chỉ số VN-Index vẫn nối tiếp được đà tăng trong phiên hôm nay nhưng chỉ số vẫn chưa thành công trong việc lấy lại xu hướng tăng ngắn hạn khi đóng cửa dưới đường MA20.
Chất xúc tác
Trong 5 phiên liên tiếp, khớp lệnh không vượt qua được mức bình quân 20 phiên. Tuy nhiên, dòng tiền đã có sự bứt phá mạnh mẽ hơn với quy mô khớp tăng 30% so với phiên hôm qua, đồng thời vượt lên trên mức bình quân 20 phiên.
Khối ngoại mua ròng phiên thứ 3 liên tiếp. |
Thị trường đã có sự xác nhận rõ ràng hơn của dòng tiền tham gia. Cùng với đó, khối ngoại cũng tiếp tục mua ròng trên 300 tỷ đồng tại HOSE với SSI (+140 tỷ đồng), FUESSVFL (+115 tỷ đồng), FPT (+105 tỷ đồng), TCB (+54,6 tỷ đồng), TPB (+52,44 tỷ đồng) nhận được tiền. Một số mã như HPG (-87 tỷ đồng), KDH (-66,3 tỷ đồng), VPB (-65,41 tỷ đồng), CTG (-57,4 tỷ đồng) vẫn còn ghi nhận áp lực.
Tỷ trọng tham gia của khối ngoại vẫn được giữ dưới 10% trong phiên thanh khoản gia tăng cũng cho thấy nhà đầu tư nội là bên dẫn dắt chính cho sự sôi động trở lại.
Theo ghi nhận, lãi suất liên ngân hàng đã giảm tiếp xuống 3,22% ở kỳ hạn qua đêm còn tỷ giá bán đã không còn giữ được mốc 25.000 VND/USD trên thị trường tự do.
Trong ngày hôm qua, NHNN đã tiếp tục hút ròng 3.815,44 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố là 1.554,27 tỷ đồng, không còn tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Vận động thị trường
Nhóm cổ phiếu Vingroup đã không tiếp tục tăng thêm nhưng các mã Bluechips vẫn làm tốt nhiệm vụ gánh vác cả thị trường. Rổ VN30 vẫn có 17/30 mã tăng trong đó nhiều cổ phiếu tăng trên 1% như CTG (+2,1%), MWG (+2,1%), SSI (+2,1%), POW (+1,6%), FPT (+1,3%), STB (+1,3%), TCB (+1,1%), SSB (+1%).
Đáng chú ý nhất là trường hợp của SSI khi vẫn tạo ra hiệu ứng nhóm ngành. SSI đứng đầu về giá trị giao dịch toàn HOSE, đạt 941 tỷ đồng.
Đứng ngay sau SSI là HCM (+3,97%) với 893 tỷ đồng. Đồng thời, cổ phiếu cũng lên mức cao nhất năm 2024 và chỉ còn cách mức giá kỷ lục thiết lập được trong sóng COVID khoảng 6%.
Hàng loạt các cổ phiếu Chứng khoán khác như VDS (+3,9%), ORS (+2,4%), VCI (+1%), và MBS (+2,5%), SHS (+2%) cũng có kết quả tích cực. Điều này cho thấy, cả nhóm cổ phiếu Chứng khoán đang mang những kỳ vọng tích cực trước sự kiện cơ quan quản lý chuẩn bị ban hành các thông tư để triển khai Pre-funding.
Ngoài nhóm Chứng khoán, các cổ phiếu của các nhóm ngành Viễn thông, Công nghệ, Hàng không cũng tăng khá nổi bật nhưng chưa tạo ra hiệu ứng nhóm ngành. Đó là các trường hợp của CMG (+3,14%), CTR (+6,96%), VTP (+6,33%), HVN (+4,78%).
Toàn sàn ghi nhận sắc xanh đạt gần 50% số mã. Chỉ số VN-Index dù vẫn tiếp tục tăng điểm nhưng chưa thể chính thức lấy lại xu hướng tăng ngắn hạn. Chốt phiên, VN-Index tăng 5,95 điểm lên 1.264,9 điểm (+0,47%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 18.546 tỷ đồng, tương đương 799 triệu đơn vị.
2 sàn còn lại cũng có sự cải thiện về cả thanh khoản và điểm số. Tổng giá trị giao dịch của HNX và UPCom đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Còn HNX-Index tăng 0,28% trong khi UPCoM-Index tăng 0,37%.