Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt kế hoạch
Chỉ có 9 doanh nghiệp hoàn thành bán cổ phần lần đầu
Trong 11 tháng của năm 2017 đã có 39 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị thực tế là 81.084 tỷ đồng; trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 20.941 tỷ đồng, tổng vốn điều lệ là 25.959 tỷ đồng.
Về thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, 11 tháng của năm 2017 có 9 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổng giá trị vốn Nhà nước của 9 doanh nghiệp thoái là 82.080 triệu đồng, thu về 104.811 triệu đồng.
9 doanh nghiệp bán cổ phần lần đầu là: Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO); Tổng công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Thanh Lễ; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nước giải khát Sanest Khánh Hòa; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Việt Trung (Quảng Bình); Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lệ Ninh Quảng Bình; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Du lịch-Thương mại Kiên Giang; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Trường Thành (Bộ Quốc phòng); Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 145 (Bộ Quốc phòng); Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 532 (Tổng công ty Trường Sơn).
Việc cổ phần hóa các DNNN còn chậm so với kế hoạch. (Ảnh minh họa)
Trong tháng 11, các tập đoàn, tổng công ty tại các doanh nghiệp đã thoái được 455 tỷ đồng, thu về 9.072 tỷ đồng; trong đó thoái 257 tỷ đồng vốn tại Vinamilk trong tháng 11/2017, thu về 8.733 tỷ đồng.
Lũy kế 11 tháng, các đơn vị đã thoái vốn được 3.874 tỷ đồng, thu về 24.586 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản thoái vốn trong năm 2016 các đơn vị mới báo cáo trong 11 tháng năm 2017).
Cũng theo Bộ Tài chính, lũy kế thu Ngân sách Nhà nước 11 tháng đạt 1.077,3 nghìn tỷ đồng, bằng 88,9% dự toán năm, bằng 86,9% mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ năm năm 2015 đạt 94% dự toán năm, tăng 8,5%; năm 2016 đạt 90,5% dự toán năm, tăng 7,2%).
Chi 11 tháng đạt 1.136,3 nghìn tỷ đồng, bằng 81,7% dự toán năm, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2016. Bội chi ngân sách trung ương khoảng 80,7% dự toán năm; ngân sách địa phương chênh lệch thu lớn hơn chi.
Nguyên nhân chậm trễ là do đâu?
Đánh giá về tiến độ cổ phần hóa DNNN, Bộ Tài chính nhìn nhận việc triển khai cổ phần hóa trong 11 tháng đầu năm 2017 còn chậm, chưa đạt được kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN (hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu). Theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ quyết định, trong năm nay, các đơn vị phải hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu tại 44 doanh nghiệp.
Việc chậm trễ cổ phần hóa làm ảnh hưởng đến quá trình cơ cấu lại DNNN nói chung và chưa đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội giao Chính phủ về sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn chuyển về Ngân sách Nhà nước.
Việc chậm cổ phần hóa làm ảnh hưởng đến cơ cấu lại DNNN. (Ảnh minh họa)
Về nguyên nhân của việc cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, theo Bộ Tài chính là do một số lãnh đạo DNNN vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Hơn nữa, đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc bàn giao các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về SCIC còn chậm. Các doanh nghiệp đã cổ phần hóa chậm thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, thị trường chứng khoán đã hồi phục xong vẫn chưa thực sự thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần DNNN khi thực hiện cổ phần hóa.
Tuy nhiên, theo các nhà lãnh đạo, việc thoái vốn trong tháng cuối năm thường diễn ra rất sôi động, nên chưa nói trước được điều gì. Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), đến thời điểm này, vẫn còn khoảng cách nhất định với mục tiêu đặt ra, nhưng các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty đã và đang quyết liệt thực hiện mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Còn gần 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2017, nên chưa thể biết có hoàn thành mục tiêu hay không, vì thực tế nhiều năm qua cho thấy, thoái vốn, cổ phần hóa thường có sự đột phá trong quý IV, đặc biệt trong năm nay, khi thị trường chứng khoán rất sôi động, nên sẽ hỗ trợ đáng kể cho công việc này.
Minh Anh