Có những chuyện tình bi thương vượt xa cả Jack và Rose chìm dưới lòng đại dương theo con tàu Titanic
Năm 1997, khi bộ phim Titanic lần đầu ra mắt công chúng và đạt được những thành công vang dội trên khắp thế giới, tôi mới 10 tuổi. Chúng tôi lén đi thuê đĩa băng về xem, dù với bố mẹ, đó không phải là một bộ phim mà trẻ con nên xem. Titanic trong mắt của đám trẻ 10 tuổi không có sức vóc hay tầm cỡ của một bộ phim Oscar; đó chỉ là một câu chuyện tình cảm động mà buồn thương, đi kèm với bản nhạc "My heart will go on" thống thiết khiến ai xem cũng sụt sùi nước mắt.
Jack và Rose; 2 cái tên đã trở thành biểu tượng cho một chuyện tình đẹp không kém gì Romeo và Juliet trong áng văn của Shakespeare. Người ta nói chuyện tình đẹp là chuyện tình bi kịch vì khi đó, đau thương sẽ khiến con người bộc lộ hết những vẻ đẹp, hoặc sự ích kỷ trong tình yêu. Nhiều người cho rằng, James Cameron và Shakespeare đã nhào nặn ra nó, từ trí tưởng tượng của con người về một tình yêu chuẩn mực.
Có lẽ, nổi tiếng nhất trong các mối tình Titanic phải nhắc tới câu chuyện của 2 vợ chồng ông Isidor và bà Ida Straus. Sau hành trình tới châu Âu thăm một trong số những người con, ông bà quyết định đã đến lúc phải về lại Mỹ. Ngày đặt chân lên con tàu Titanic, họ đã sống với nhau 41 năm cuộc đời.
Là người sáng lập ra cửa hàng tạp hóa Macy's, vợ chồng ông cũng được xếp vào giới thượng lưu tại Mỹ. Họ ngủ trong một căn phòng khoang hạng nhất. Thời điểm con tàu đâm vào tảng băng trôi lúc 11:40 đêm ngày 14/4, 2 vợ chồng ông tỉnh dậy, chạy vội lên trên boong tàu thì phát hiện ra những chiếc phao cứu sinh đã được hạ thủy.
Do tình cảnh chen chúc đông đúc, thuyền trưởng quyết định để cho phụ nữ và trẻ em lên trước. Bà Ida đã được đưa lên con thuyền cứu sinh số hiệu 08. Sau đó, ông Isidor đã được sắp xếp một chỗ cạnh vợ mình vì sở hữu chiếc vé hạng thương gia nhưng người đàn ông đã từ chối "đặc ân" này.
"Tôi sẽ không đi trước những người đàn ông khác", ông nói.
Bà Ida cũng kiên quyết nhường chỗ cho cô hầu gái mới thuê từ Anh, Ellen Bird. Ida nhường áo lông cho Ellen và nói rằng bà không cần nó nữa. Kể cả khi mọi người thuyết phục, bà vẫn từ chối và nói rằng mình sẽ không bao giờ rời xa chồng mình.
Những nhân chứng của vụ chìm tàu đã miêu tả cảnh tượng như "một thước phim đẹp nhất về tình yêu và sự chung thủy dành cho nhau". Cả hai đã qua đời khi con tàu chìm xuống. Thi thể của ông Isidor Straus đã được tìm thấy và mang về Halifax, Nova Scotia trước khi chuyển về New York. Còn bà Ida đã chìm xuống biển sâu và mất tích mãi mãi.
Tại công trình tưởng niệm ông bà Straus, Woodlawn, Bronx, New York, Mỹ, có một bia đá với câu trích dẫn nổi tiếng từ tác phẩm "Song of Solomon":
"Dù bao nhiêu nước cũng không bóp nghẹt tình yêu, dù bao nhiêu cơn lũ cũng không thể nhấn chìm nó".
Nhiều người cho rằng, Kate và Henry chính là nhân vật đã truyền cảm hứng cho bộ phim Titanic của đạo diễn James Cameron. Hai người đã rời khỏi châu Âu với hy vọng có thể bắt đầu một cuộc sống mới nơi chân trời Mỹ.
Kate từng là nhân viên bán hàng tại cửa hàng của Henry. Cô đã phải lòng người đàn ông có vợ này trong suốt thời gian dài. Chuỗi ngày theo đuổi đằng đẵng, Henry cuối cùng cũng đã phải lòng Kate.
Để có được tình yêu của đời mình, Henry đã bán gia sản, trao trả cho vợ cùng gia đình và chỉ để một phần nhỏ cho bản thân, đủ để mua một chiếc vòng cổ cho Kate và 2 tấm vé trên tàu Titanic.
Thảm kịch tàu Titanic đã cướp đi sinh mạng của Henry, còn Kate đã may mắn sống sót. Cô đã giữ chuỗi vòng cổ suốt cuộc đời mình như một minh chứng cho tình yêu bất diệt của cô với Henry. Lúc được giải cứu, người ta phát hiện cô đang mang thai đứa con với Henry. Kate đã hạ sinh một bé gái khỏe mạnh khi trở về quê hương Anh.
Dù rơi vào mối tình tay ba, có những người đàn ông vẫn luôn biết rằng, họ yêu cả hai người đến tận cuối đời. Benjamin Guggenheim là một người đàn ông như vậy.
Những người sống sót trên con tàu Titanic nhớ lại rằng, Benjamin và người đầy tớ của mình, Victor Giglio đã dẫn rất nhiều phụ nữ và trẻ em lên những chiếc phao cứu nạn. Ông chẳng biết là còn bao nhiêu phút nữa được sống trên đời, chỉ biết đó là việc của một người đàn ông phải làm. Và người tình của ông, Leontine Aubart, là một trong số đó. Khi đưa Leontine lên tàu, ông hét lớn:
"Chúng ta rồi sẽ gặp lại nhau mà. Đây chỉ là tạm thời thôi em. Ngày mai, con tàu Titanic lại tiếp tục hành trình"
Sau đó, ông quay lại gian phòng của mình, khoác lên bộ quần áo đẹp nhất và nói: "Chúng ta sẽ mặc những bộ quần áo đẹp nhất, và chuẩn bị để chết như những quý ông thực thụ". Ông đã cùng người đầy tớ của mình hít một điều xì gà thơm ngon trước khi con tàu chìm xuống hẳn.
Dù lên con tàu Titanic với người tình nhưng suy nghĩ cuối cùng của ông vẫn dành cho vợ thân yêu. Trong những trang viết cuối cùng của ông mà người ta tìm thấy, có những lời tự tình dành cho vợ mình.
"Nếu có điều gì bất trắc xảy ra với tôi, hãy nói với vợ tôi rằng tôi đã làm xuất sắc nhiệm vụ của mình".
Cặp đôi giàu có nhất trên con tàu Titanic là John Jacob Astor và Madaline. Khi đó, Madaline đang mang thai nhưng cô đã không nói cho chồng mình biết. Hai người cưới nhau chỉ 2 năm sau khi John ly dị người vợ đầu tiên.
Vì khoảng cách tuổi tác chênh nhau tới 30 tuổi, nhiều người đã có những lời ra tiếng vào về chuyện tình của 2 người. Dù vậy, John vẫn luôn quan tâm và thương yêu người vợ trẻ. Thậm chí kể cả khi con tàu đâm vào tảng băng, John vẫn trấn an vợ ở trong buồng để cô được thoải mái.
Khi thời điểm tới, Madeiline được nhường lên một chiếc phao cứu sinh trước. Vì không còn đủ chỗ nên ông John đành phải ngậm ngùi từ biệt vợ mình. Con tàu chìm xuống mang theo bao giọt nước mắt và nỗi thương đau của Madeiline khi biết rằng, cậu con trai chưa chào đời của cô sẽ không bao giờ được thấy mặt bố.
Daniel và Mary dự định sẽ trở về Mỹ sớm hơn sau tuần trăng mật ở châu Âu trên chiếc tàu Carpathia. Tuy nhiên, thuyền trưởng Smith đã muốn mời họ đi trên chuyến tàu Titanic. Họ đồng ý mà không biết rằng, định mệnh của họ đã an bài một bi kịch cho cuộc đời.
Khi đó, Mary cũng đang mang bầu đứa con của Daniel. Vào khoảnh khắc cả con tàu chao đảo và hoảng loạn, Mary đã được đưa lên một chiếc phao cứu sinh dù cô kiên quyết không muốn rời xa chồng mình. Daniel chỉ biết đứng trên chiếc tàu và gọi với theo Mary.
Khoảnh khắc cuối cùng mà cô nhìn thấy chồng mình là khi anh gửi đến cô một nụ hôn gió; chiếc thuyền Titanic chìm dần còn chiếc phao cứu sinh cũng dần bơi ra xa.
Để tưởng nhớ tới người chồng, cô đã đặt tên con mình là Mary Danielle. Suốt phần còn lại cuộc đời, cô không bao giờ kể cho ai về ký ức kinh hoàng trên chiếc tàu Titanic năm 1912. Mary qua đời năm 1975.
105 năm đã trôi qua, con tàu Titanic đã nằm im lìm dưới đáy Đại Tây Dương, ngủ một giấc thật dài nhưng hậu thế vẫn luôn nhắc về nó - một thảm kịch của nhân loại, một nỗi đau không nguôi ngoai qua nhiều thế hệ. 2,224 hành khách trên con tàu đó, biết bao người là các cặp đôi, vợ chồng, tri kỷ. Và có lẽ, trong khoảnh khắc ranh giới cái sống và cái chết cận kề, chuyện tình của bất cứ ai cũng đều đáng quý, thiêng liêng cả.
Không biết ai là người sướng khổ; những người được chết cùng nhau hay các cặp đôi sống sót trở về với vết sẹo tinh thần dai dẳng qua năm tháng?
Skye; Design: Link Phuong