Cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Myanmar
Thông tin trên được đưa ra tại Tọa đàm "Thực tiễn Myanmar - Cơ hội đầu tư và kinh doanh" do Hội hữu nghị Việt Nam - Myanmar tổ chức vào ngày 8/9. Tọa đàm thu hút gần 50 doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch đầu tư vào Myanmar tham dự dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 tại Myanmar
Phát biểu tại tọa đàm, ông Chu Công Phùng, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Myanmar dẫn thống kê của Ủy ban Đầu tư Myanmar (MIC) cho biết, tính đến ngày 31/7/2023, Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 tại Myanmar với 31 dự án, trị giá 2,22 tỷ USD.
Dù trước mắt còn nhiều khó khăn và trở ngại nhất định, song Myanmar thường được giới đầu tư nước ngoài ví von là “mảnh đất vàng cuối cùng ở châu Á", có rất nhiều tiềm năng và đang mở ra cơ hội lâu dài cho các doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư.
Tọa đàm "Thực tiễn Myanmar - Cơ hội đầu tư và kinh doanh". (Ảnh: Thành Luân) |
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp được cung cấp thông tin tổng quan về tình hình chính trị - kinh tế Myanmar; môi trường đầu tư, tiềm năng và cơ hội đầu tư để các doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch đầu tư vào Myanmar tham khảo.
Theo ông Nguyễn Văn Bẩy, đại diện Hội hữu nghị Việt Nam - Myanmar (VFMA), đại diện Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar (AVIM), Phó trưởng phòng phát triển kinh doanh BIDV tại Yangon: ở Myanmar các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều bình đẳng theo một luật đầu tư duy nhất (Luật Đầu tư 2017). Theo luật này, nhà đầu tư được miễn thuế lên tới 7 năm đối với các vùng kém phát triển. Đầu tư nước ngoài được bảo đảm và không bị quốc hữu hóa (trừ trường hợp đặc biệt). Nhà đầu tư có thể thuê đất hoặc tài sản trên đất lâu dài đến 50 năm và có thể được gia hạn thêm hai lần. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài có quyền chuyển lợi nhuận ra khỏi Myanmar sau khi hoàn thành các nghĩa vụ thuế liên quan.
Chính phủ Myanmar đang khuyến khích đầu tư vào 8 lĩnh vực gồm: nông nghiệp; thủy sản và chăn nuôi; phát triển cơ sở hạ tầng; khách sạn và du lịch; sản xuất; dịch vụ.
Cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên
Từ nghiên cứu, khảo sát thực tế, trao đổi với các cơ quan quản lý đầu tư của Myanmar, ông Nguyễn Văn Bẩy khuyến nghị các cơ hội đầu tư trong từng lĩnh vực cụ thể đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Trong đó, cơ hội đầu tư trong ngành nông nghiệp của Myanmar là hệ thống phân phối tưới tiêu chi phí thấp cho các vùng nông thôn; phát triển dịch vụ cho thuê dụng cụ nông nghiệp và máy móc; sản xuất và phân phối hạt giống chất lượng cao cho năng suất cao hơn; thành lập các cơ sở sản xuất phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật; hợp đồng canh tác (tìm nguồn cung ứng trực tiếp từ các đối tác nông nghiệp - dựa trên các thỏa thuận hợp tác);
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể giới thiệu sản xuất, chế biến các nông sản địa phương; thành lập ngành đóng gói/đóng hộp cho sản phẩm nông nghiệp; thành lập các cơ sở nghiên cứu và đào tạo hoặc trang trại trình diễn về nông nghiệp. Hướng dẫn trồng, sử dụng phân bón, nông nghiệp hữu cơ và phát triển kỹ năng kinh doanh liên quan đến nông nghiệp.
Xây dựng kho chứa và kho lạnh để bảo quản sản phẩm nông nghiệp; tài chính vi mô, bảo hiểm và dịch vụ tài chính thương mại cho nông dân cũng là mảng đầu tư hấp dẫn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Mytel hiện là nhà mạng có lượng khách hàng lớn nhất tại Myanmar. (Ảnh: KT) |
Trong quá trình đô thị hóa của Myanmar, các doanh nghiệp Việt Nam có thể hiện thực hóa các dự án về nhà ở giá rẻ tại Yangon, Mandalay và các thành phố hạng hai ở tất cả các bang/vùng; phục hồi các tòa nhà di sản thuộc địa tại Yangon.
Doanh nghiệp có nhiều cơ hội khi đầu tư vào các hệ thống giao thông để cải thiện giao thông công cộng trong các khu đô thị; thành lập công viên và các cơ sở vật chất vui chơi giải trí phục vụ cộng đồng; thành lập các cơ sở chăm sóc sức khỏe tư nhân hay các tổ chức giáo dục tư nhân (như trường đại học tư thục, trường kinh tế, đào tạo nghề …).
Doanh nghiệp có thể đầu tư quản lý giao thông thông minh và giải pháp an toàn đường bộ; quản lý chất thải đô thị; các công trình xử lý nước; sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng và các mặt hàng phục vụ cuộc sống.
Trong lĩnh vực năng lượng, các nhà đầu tư Việt Nam có nhiều cơ hội tại Myanmar khi quốc gia này đặt mục tiêu điện khí hóa toàn quốc vào năm 2030. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia xây dựng các nhà máy thủy điện và khí đốt quy mô vừa đến lớn theo hình thức PPP; đầu tư vào hệ thống truyền tải (như đường dây cao thế giữa vùng bắc Myanmar và Yangon) và hiện thực hóa các dự án thủy điện quy mô nhỏ để cung cấp cho một xã, huyện.
Doanh nghiệp có thể thành lập dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió; cung cấp trang thiết bị cho các dự án năng lượng mặt trời hiệu quả và thiết thực cho các cộng đồng ở vùng xa cũng như các giải pháp dựa trên năng lượng mặt trời (như máy bơm chạy bằng năng lượng mặt trời, chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời); nâng cấp cơ sở hạ tầng điện hiện tại ở trung tâm đô thị và các khu công nghiệp.
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp còn được cung cấp thông tin về cơ hội đầu tư tại các bang, vùng của Myanmar như: Kachin, Kayah, Kayin, Chin, Mon...; thông tin liên hệ, hỗ trợ doanh nghiệp tại Ủy ban Đầu tư Myanmar, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, Đại sứ quán Myanmar tại Việt Nam.
Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Myanmar Chu Công Phùng cho biết, thời gian tới Hội sẽ tiếp tục tổ chức các tọa đàm cung cấp thông tin kịp thời, chuẩn xác tới doanh nghiệp về tình hình Myanmar, môi trường đầu tư, từ đó đưa ra những khuyến nghị phù hợp với thực tế để nâng cao hiệu quả đầu tư của Việt Nam vào Myanmar.