Cơ hội khẳng định mình cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở dự án Bứt phá
Họp báo khởi động dự án Bứt phá sáng 12/6. Ảnh Phi Yến
Bứt phá được triển khai bởi tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, Công ty Procter&Gamble (P&G), Liên hiệp hội Phụ nữ Việt Nam và Trung tâm Phát triển Cộng đồng tỉnh Điện Biên. Dự án sẽ được thực hiện trong 2 năm (2018-2019) với kinh phí 200.000 USD (hơn 4 tỉ VNĐ).
Quyết tâm “bứt phá” từ mô hình tiết kiệm thôn bản
Theo nghiên cứu năm 2011 của Ngân hàng Thế giới, tại Việt Nam, chỉ 21% người lớn có tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức – mức thấp nhất trong khu vực Đông Á. Trong đó, hệ thống ngân hàng truyền thống phần lớn tập trung ở khu vực đô thị. Các nhà cung cấp dịch vụ tài chính chủ yếu cho các cộng đồng dân tộc thiểu số là Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Quỹ Tín dụng nhân dân.
Trong khi đó, với người dân nông thôn, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo, do điều kiện địa lý không thuận lợi, thủ tục cho vay phức tạp, các khoản vay chưa linh động,v.v...nên tỉ lệ tiếp cận các dịch vụ tài chính phục vụ đời sống hàng ngày và hoạt động sản xuất còn rất hạn chế.
Xác định được những rào cản ngăn cách phụ nữ dân tộc thiểu số và các nguồn lực, nhân tố giúp nâng cao quyền năng kinh tế, dự án Bứt phá đã ra đời. Dự án được thực hiện bởi CARE với nguồn kinh phí tài trợ do công ty P&G Việt Nam, một doanh nghiệp với ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực tạo điều kiện phát triển cho nữ giới.
Đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận với dịch vụ tài chính. Ảnh minh họa CARE VN.
Bứt phá hướng tới mục tiêu hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số và gia đình cải thiện an sinh thông qua việc mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính, tăng cường khả năng quản lý tài chính cho chi tiêu và sản xuất của gia đình.
Cụ thể, các thành viên tham gia dự án sẽ được tập huấn để thực hành mô hình “Nhóm Cổ phần Tài chính tự quản” hay còn gọi là “Nhóm tiết kiệm thôn bản” (Village Savings and Loan Association-VSLA). VSLA là một sáng kiến của CARE quốc tế, đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới từ năm 1991, và ở Việt Nam từ năm 2010.
VSLA được hiểu đơn giản là quỹ tiết kiệm cho vay theo nhóm, mỗi nhóm gồm 15-30 thành viên, trong đó có Ban thư ký gồm 5 người, hoạt động trên nguyên tắc Tự nguyện – Tự quản lý – Tự chịu trách nhiệm. Các thành viên tham gia VSLA theo hình thức đóng “cổ phần”, được bắt đầu từ thời điểm gây quỹ, và đều đặn khoảng 2 lần/tháng trong các buổi họp.
Trong năm, số tiền quỹ sẽ được sử dụng làm vốn vay cho các hội viên, ưu tiên cho mục đích phát triển sản xuất (mua cây giống, thức ăn gia súc, công cụ lao động), chi tiêu cần thiết cho gia đình, đặc biệt những việc phát sinh đột xuất như ốm đau.
Sau một năm, số tiền tiết kiệm chung sẽ được chia cho các hội viên, trước khi bắt đầu một chu kỳ hoạt động mới.
Chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia mô hình VSLA. Ảnh CARE VN.
Tại Việt Nam, CARE hỗ trợ thành lập các nhóm này từ năm 2010 và cho đến nay đã có hơn 550 nhóm hoạt động tích cực (85-95% các nhóm vẫn duy trì sau khi dự án kết thúc). Đặc biệt, tại Việt Nam, mô hình VSLA chưa ghi nhận trường hợp nào không trả được nợ.
Với cơ chế vận hành đơn giản, minh bạch, tính tự chủ và tự quản của các thành viên cao, không phụ thuộc vào các cá nhân/đơn vị cho vay bên ngoài, mô hình này hiện đang được nhân rộng. Dự kiến, từ nay đến năm 2020, CARE sẽ hỗ trợ thành lập thêm khoảng 500 nhóm tương tự trên toàn quốc.
Theo chị Bùi Thị Xiểm (dân tộc Mường), Hội Phụ nữ xã Chí Thiện, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, một thành viên nòng cốt, Trưởng nhóm VSLA tại xã thì, ban đầu, không dễ để thuyết phục các hội viên tham gia, do tâm lí e ngại, chưa hiểu biết về mô hình kinh tế tập thể.
Nhưng hiện tại, sau gần 8 tháng triển khai, nhiều hội viên đã nhận thấy tác dụng của VSLA như tính linh hoạt, gọn nhẹ, an toàn, tin cậy và đang tích cực tham gia mô hình này, chị chia sẻ.
Trong khuôn khổ dự án Bứt phá, mục tiêu của CARE là thành lập 250 nhóm VSLA, nhằm cung cấp thêm kênh tiết kiệm và vay vốn tin cậy cho khoảng 7.500 phụ nữ của 4 tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La và Bắc Kạn.
Trong thời gian tới, CARE cũng sẽ chú trọng việc tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các nhóm VSLA ở các địa phương cũng như hướng đến mô hình tài chính toàn diện để các nhóm VSLA có nhu cầu lớn hơn về vốn được tiếp cận các gói dịch vụ tài chính do các tổ chức tài chính, tín dụng cung cấp.
Tài chính tự quản gắn với bình đẳng giới
Năng lực quản lý tài chính được nâng cao không đồng nghĩa với sự cải thiện về bình đẳng giới trong gia đình. Có nhiều trường hợp người phụ nữ phải gánh vác thêm khối lượng công việc lớn hơn, không được hưởng lợi từ sự tiến bộ của bản thân, chưa có quyền đưa ra quyết định, thậm chí trong gia đình bị “bạo hành ngược” lại do “dám” đi ngược lại định kiến,” chị Vũ Thị Hương Giang, chuyên gia truyền thông của tổ chức CARE nhận định.
Theo khảo sát của tổ chức CARE tại hai tỉnh Điện Biên và Sơn La, chỉ có khoảng 6 – 7% phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong các tổ nhóm tại địa phương.
Trong gia đình, tiếng nói của phụ nữ cũng còn hết sức khiêm tốn, chỉ 6,7% phụ nữ ở Sơn La được tự đưa ra quyết định về đầu tư sản xuất.
Ngay cả trong việc chi tiêu mà người phụ nữ thường đóng vai trò “tay hòm chìa khóa”, quyền quyết định cũng rất khiêm tốn (khoảng 25,7% phụ nữ được tự ra quyền quyết định về các khoản chi tiêu ở Điện Biên, tỉ lệ này là 9,6% tại Sơn La).
Trong khi đó, người phụ nữ còn phải đảm đương khối lượng công việc nặng nề, bao gồm cả sản xuất kinh tế và các công việc gia đình.
Bởi vậy, dự án Bứt phá đặc biệt chú trọng việc lồng ghép nội dung bình đẳng giới vào mô hình VSLA tại địa bàn.
Một trong những minh chứng của ưu tiên này là việc mở rộng mạng lưới thành viên của các nhóm VSLA. Trong khi mô hình gốc của VSLA chỉ dành cho nữ giới, thì VSLA tại Việt Nam có tính mở với sự tham gia của cả những người đàn ông trong gia đình.
Chị Bùi Thị Xiểm, dân tộc Mường, chia sẻ cảm tưởng khi tham gia mô hình VSLA. Ảnh Phi Yến.
Sự linh hoạt này đã tạo thêm cơ hội để hai giới có thể trao đổi, thấu hiểu nhau nhiều hơn, bởi bên cạnh các hoạt động tài chính, những buổi họp nhóm VSLA còn là góc chia sẻ của các thành viên về những vấn đề quan tâm như phương pháp chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái.
Theo ông Lê Xuân Hiếu, Giám đốc dự án Bứt phá, sáng kiến có sự tham gia của cả hai giới vào VSLA là để đảm bảo người phụ nữ sẽ duy trì được sự tự tin, tiếng nói của mình ngay tại gia đình, trong cộng đồng và xã hội, khắc phục tình trạng “tự tin trong nhóm, song vẫn giữ tâm lý e dè khi bước ra ngoài”.
Chị Bùi Thị Hồng Thực và chị Bùi Thị Xiểm, hai thành viên tích cực của mô hình VSLA tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình phấn khởi cho biết, họ ngày càng nhận được sự chia sẻ, ủng hộ nhiệt tình của gia đình nhiều hơn từ khi các “ông xã” cùng tham gia nhóm.
Tuy mới chỉ tham gia mô hình VSLA từ tháng 10 năm 2017, song các chị đều khẳng định, hình thức sinh hoạt này đã đem lại cho họ sự tự tin, nhất là khi đưa ra những quyết định trong gia đình.
Phi Yến