Cơ hội hiếm có để sở hữu số lượng lớn xe tăng T-64BM Bulat?
T-64BM Bulat (còn được gọi bằng cái tên T-64U) được Ukraine chế tạo trên cơ sở hiện đại hóa xe tăng T-64 nổi tiếng của Liên Xô, đây chính là biến thể cao cấp nhất của họ chiến xa T-64, mạnh hơn nhiều khi đặt cạnh T-64B1M.
Xe tăng T-64BM Bulat có khối lượng 45 tấn, được trang bị vỏ giáp tiên tiến tương đương các loại xe tăng hiện đại, bao gồm giáp phản ứng nổ (ERA) thế hệ 3 Nozh, hệ thống phòng vệ chủ động Varta, hệ thống điều khiển hỏa lực 1A45 Irtysh...
Trái tim của xe là động cơ diesel đa nhiên liệu 5TDFM công suất máy 850 mã lực, cho phép chạy với tốc độ tối đa 70 km/h, cự ly hành trình 385 km.
Vũ khí của T-64BM Bulat gồm pháo nòng trơn 125 mm với thiết bị nạp đạn tự động, tên lửa chống tăng có điều khiển bắn qua nòng pháo 9K120 Refleks (AT-11 Sniper) hoặc loại Kombat do Ukraine tự sản xuất, 1 súng máy phòng không 12,7 mm và 1 súng máy đồng trục 7,62 mm.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-64BM Bulat của Ukraine
Tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí Ukroboronprom của Ukraine từng khẳng định các đặc tính kỹ thuật chính của T-64BM Bulat có thể xếp ngang hàng xe tăng T-90S của Nga và gần bằng T-84 Oplot - một sản phẩm hiện đại hóa khác của Nhà máy Kharkov.
Bên cạnh đó, xe tăng Bulat có triển vọng hiện đại hóa hơn nữa bằng cách trang bị động cơ diesel 6TD-1 công suất 1.000 mã lực hoặc 6TD-2 công suất 1.200 mã lực, hệ thống điều khiển hỏa lực, hệ thống bảo vệ tích cực, hệ thống thông tin liên lạc và dẫn đường hiện đại.
Chi phí hiện đại hóa T-64 lên biến thể Bulat rẻ hơn gấp 4 lần so với việc sản xuất mới các xe tăng T-84 Oplot, do vậy đây từng là hướng đi dự kiến được Quân đội Ukraine đẩy mạnh, tương tự như cách người Nga đang làm với biến thể T-72B3.
Tính năng của xe tăng chiến đấu chủ lực T-64BM Bulat bị phàn nàn là không được như quảng cáo
Mặc dù nhận rất nhiều kỳ vọng nhưng theo Sputnik, mới đây trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin "Nhà vận chuyển công nghiệp quân sự", Phó Tư lệnh Lục quân phụ trách hậu cần của Quân đội Ukraine, ông Yuri Tolochny đã cho biết.
"Nhìn chung, dự trữ công nghệ vẫn còn cao, nhưng tất cả các thiết bị này đã lỗi thời, và cạn kiệt tiềm năng hiện đại hoá. Một số tùy chọn hiện đại hóa đã không hữu dụng trong một cuộc chiến thực sự. Ví dụ, xe tăng T-64BM Bulat vì trọng lượng lớn và động cơ yếu tỏ ra hoạt động không hiệu quả, được chuyển sang niêm cất, và thay thế bằng dòng xe T-64".
Như vậy có thể thấy rằng những khó khăn về kinh tế khiến Ukraine không thể triển khai đại trà kế hoạch thay mới các loại động cơ công suất cao hơn cho chiếc chiến xa này, khiến chúng bị tụt lại phía sau khi đặt cạnh các dòng xe tăng của Nga.
Hiện tại các phiên bản T-72B3 đã được thay mới động cơ 840 mã lực thế hệ cũ bằng loại V-92 hoặc V-92S2F công suất máy từ 950 cho tới 1.130 mã lực, trong khi trái tim của T-64BM Bulat vẫn không thay đổi, điều đó tất yếu dẫn tới việc T-64BM Bulat trở thành nỗi thất vọng.
Tuy vậy việc nâng cấp tiếp là khá đơn giản, các xe tăng này vẫn trong tình trạng bảo quản và có thể sớm "tái ngũ" khi tình hình tài chính của quốc gia Đông Âu này khá hơn.
Ngoài ra còn một khả năng nữa đang được nhắc tới đó là Ukraine sẽ bán lại số T-64BM Bulat trên cho một quốc gia có nhu cầu, vì xét cho cùng thì so với T-90 đời 1992 lắp động cơ diesel 840 mã lực thì sức cơ động của chiếc Bulat cũng chẳng hề thua kém.
Nếu mức giá dao động chỉ ở mức hơn một chút con số 300.000 USD của T-61B1M từng bán cho Cộng hòa Congo thì T-64BM Bulat có thể trở thành món hàng "hot" trên thị trường vũ khí thế giới, việc giao hàng chắc chắn sẽ không bị chậm trễ như trường hợp của T-64B1M do những chiếc MBT này đã được đưa khỏi đội hình trực chiến.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Sức mạnh lực lượng xe tăng Quân đội Ukraine
Chí Linh