Cô gái Việt từng làm lao công thành chuyên viên chính phủ New Zealand
Là con út trong gia đình có 3 chị em sống ở TP.HCM, từ nhỏ, Nguyễn Thiện Từ Vinh (sinh năm 1991) có tính cách khác biệt với 2 người chị gái. Cô thích tự do, không muốn bị gò bó, ràng buộc và có phần nổi loạn.
Những năm cấp 3, Vinh từng khiến người thân phiền lòng khi không ít lần trốn học đi chơi, bày trò chọc thầy cô giáo. Tốt nghiệp THPT, Vinh nộp hồ sơ thi vào ĐH Kinh tế TP.HCM. Tuy nhiên, Vinh thi ba môn chưa được 20 điểm, trượt đại học năm 2009.
Sau thất bại đầu đời, cô dành một năm tiếp tục ôn thi đại học và trau dồi kỹ năng tiếng Anh. Dù đã nỗ lực, Vinh lần thứ 2 thất bại.
Sốc khi gặp rào cản về ngôn ngữ
Khi đó, sợ con gái không thi được đại học trong nước, gia đình đã thuyết phục Vinh theo học chương trình liên kết ngành Kinh tế giữa ĐH Kinh tế TP.HCM với ĐH Victoria Wellington, New Zealand.
Trước khi có được thành công, Vinh từng 2 lần trượt đại học, phỏng vấn trượt 200 công ty. |
Theo đó, chương trình này chỉ xét điểm tiếng Anh điều kiện và kết quả tốt nghiệp THPT nên Vinh trúng tuyển.
Trước khi sang New Zealand, nữ sinh thi và đạt 6.5 IELTS. Vinh từng nghĩ 6.5 IELTS là giỏi rồi, nhưng khi sống trong môi trường nói tiếng Anh mới thấy chưa đủ. Thời gian đầu, cô không thể nghe, hiểu và không giao tiếp được với bạn bè cũng như trao đổi với thầy cô.
Nữ sinh giải thích khi ôn tiếng Anh, người Việt Nam chủ yếu tập trung ngữ pháp, tiếp cận với giọng Anh-Anh, Anh-Mỹ. Trong khi đó, giọng của người New Zealand rất khác. Họ nói nặng hơn và hay dùng tiếng lóng.
“Thời gian đầu, gặp rào cản về ngôn ngữ, mình rất lo sợ. Học phí chương trình liên kết bên New Zealand cao so với thu nhập của gia đình. Nếu không học được phải thi lại, sẽ rất tốn kém".
Không muốn là người thất bại, trở thành gánh nặng cho gia đình, Vinh liên lạc với các anh chị người Việt khóa trên, xin lại sách vở, tài liệu để nghiên cứu thêm. Trên lớp, nữ sinh ghi âm lại bài giảng của thầy cô để về nghe lại. Sau khoảng ba tháng, tuy điểm số không thuộc top của lớp, Vinh dần cải thiện việc học.
Vì gia đình chỉ có thể chu cấp học phí, cô gái sinh năm 1991 phải đi làm lao công trong một siêu thị. Cũng trong thời gian làm việc tại đây, Vinh tự thấy không hợp với kinh tế nên quyết định chuyển hướng sang quản trị kinh doanh.
Đặt mục tiêu ở lại New Zealand sau khi tốt nghiệp, cô gái Việt gấp rút tìm việc làm liên quan đến lĩnh vực đang học.
Phỏng vấn trượt 200 công ty
Năm 2014, New Zealand chỉ cho sinh viên ở lại một năm để tìm việc. Nếu không có công việc dài hạn, du học sinh phải trở về nước. Trong một năm đó, Vinh sốt sắng gửi hồ sơ đến gần 200 công ty lớn nhỏ. Tuy nhiên, may mắn chưa mỉm cười với Vinh khi cô bị 200 công ty từ chối.
Thời điểm đó, cô được gia đình gọi về Việt Nam, nói rằng sẽ tìm việc cho. "Có lẽ người thân nghĩ mình không thể tìm được việc tại New Zealand. Điều này lại trở thành động lực, thôi thúc mình chứng minh bản thân đã trưởng thành, có thể đạt được thành công bằng thực lực".
Từ Vinh trong buổi gặp gỡ với cộng đồng người Việt trẻ tại Đại sứ quán Việt Nam ở Wellington, New Zealand. |
Tự thấy điểm yếu của bản thân, cô bắt đầu tham gia các khóa học online ngắn hạn về phân tích, quản trị dữ liệu. Đồng thời, Vinh tiếp tục nộp CV, trả lời hàng trăm cuôc phỏng vấn qua điện thoại.
Cuối cùng, đến tháng 9/2016, Vinh cùng lúc nhận được lời mời làm chuyên viên phân tích dữ liệu cho Bộ Điện lực, Bộ Giáo dục, Bộ Thương mại, Sáng tạo và Việc làm.
Vinh kể khi thi tuyển vào Bộ Điện lực, cô đã lấy kinh nghiệm làm lao công để trả lời ban tuyển dụng.
Theo đó, trong thời gian làm công việc này, Vinh đã áp dụng những gì đã học trong trường để cải tiến quá trình lao động. Mỗi tuần, cô phải mua dụng cụ dọn dẹp, hóa chất, tính giá tiền, tính xem phải dùng trong bao lâu để làm báo cáo.
Trong 18 tháng làm việc tại Bộ Điện lực, Vinh tiếp tục tìm cho mình cơ hội tốt hơn. Năm 2018, khi Bộ Thương mại, Sáng tạo và Việc làm New Zealand thông báo tuyển dụng vị trí chuyên viên phát triển kho dữ liệu, cô đã mạnh dạn nộp hồ sơ dù không theo học chính quy tại đại học về ngành này.
Bằng câu trả lời tự tin, một lần nữa, Vinh đã thuyết phục được nhà tuyển dụng. Không những được nhận vào làm, cô còn được tài trợ toàn bộ học phí để học thêm về lập trình trong ba tháng.
Hiện tại, dù công việc khá bận rộn, Vinh luôn cảm thấy hạnh phúc và tràn đầy năng lượng. Cô thường đi du lịch, gặp gỡ bạn bè. Vinh hy vọng vaccine Covid-19 sớm được triển khai rộng rãi, đường bay được nối lại để Tết Nguyên đán 2022 về TP.HCM thăm gia đình.
Sau hành trình 10 năm từ khi trượt đại học lần đầu tiên, Vinh nhận ra thất bái trước đây không phản ánh toàn bộ con người và cuộc đời mình.
"Mình làm lao công ở siêu thị, gặp nhiều sự kỳ thị, bất công nhưng được cấp trên trọng dụng, phát triển kỹ năng giao tiếp và quản lý. Mình cũng từng thi trượt gần 200 công ty, nhưng quá trình xin việc lại cho mình kinh nghiệm để có được công việc hôm nay", Vinh tâm sự.