Cô gái Tày với danh hiệu “Đạo diễn xuất sắc” quốc tế
Hà Lệ Diễm nhận giải tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam 2021. |
Vừa trở về từ Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam tại Hà Lan, Diễm hoàn thành những ngày tự “cách ly” và dành toàn bộ thời gian đặc biệt này ở bên gia đình tại thôn Bản Bung, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn. Đón chúng tôi là cô gái nước da rám nắng, dáng người tròn trịa, má lúm lấp lánh và giọng nói ấm áp vô cùng. Như một người bạn đã quen từ lâu, cô gái trẻ hớn hở, rộn ràng kể về “cái duyên” với phim tài liệu và chặng đường không dễ dàng khi đến với giải thưởng “Đạo diễn xuất sắc quốc tế”.
Cô gái vùng cao yêu phim tài liệu
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ Diễm đã gắn bó với đồng ruộng và những tán rừng rộng lớn. Năm 2009, Diễm đem theo ước mơ trở thành phóng viên xuống Thủ đô Hà Nội học tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.
Đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm trong trang phục dân tộc Tày. |
Diễm nhớ lại: Từ một tỉnh nghèo xuống Hà Nội học, nhớ nhà, nhớ mẹ, tôi gần như thu mình lại, không nói chuyện với ai ngoài các bạn cùng phòng. Ngày ngày lầm lũi mượn sách ở thư viện về đọc, bao nhiêu tiền chỉ gom mua truyện chứ không ra ngoài khám phá. Ba tháng đầu, tôi phải nhờ người đưa qua đường vì sợ xe cộ đông đúc. Sang năm học thứ hai, tôi được các bạn rủ lên Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển tài năng điện ảnh (TPD) học miễn phí. Qua ba vòng thi, tôi đỗ, và đó là lần đầu tiên tôi được xem phim điện ảnh, phim tài liệu hay, gần gũi chứ không dài và khô khan như nhiều bộ phim tài liệu vẫn thấy phát trên truyền hình. Từ đó, ý định làm phim bắt đầu nhen nhóm trong tôi.
Năm 2013, Diễm ra trường và lựa chọn ở lại Hà Nội. Ban đầu, Diễm vẫn làm tại một tòa soạn báo đúng với chuyên ngành Báo chí. Đến năm 2015, cô gái nhỏ đã quyết định rẽ hướng, theo đuổi niềm đam mê thật sự của mình.
Diễm kể: Lựa chọn làm phim độc lập của tôi bị người thân và bạn bè phản đối rất nhiều. Đặc biệt là mẹ, người luôn mong tôi có cuộc sống bình yên, ổn định. Nhưng tôi vốn ngang bướng, có lần mẹ nói gay gắt, tôi tắt máy điện thoại, mẹ lại phải gọi cho bạn thân hoặc bạn bè cùng phòng trọ để hỏi xem con gái ra sao, như thế nào. Biết tôi làm phim độc lập, kinh tế không ổn định, mẹ lặng lẽ gửi tiền chu cấp như thời sinh viên. Còn ông nội thì rất nghiêm khắc trong chuyện học hành. Tôi nhớ mãi lời dạy của ông: “Có học thức thì mới tự do và độc lập trong suy nghĩ và hành động được. Cháu là con gái càng cần phải học thật giỏi”. Ông không phản đối việc tôi học báo và làm phim độc lập, ông luôn nói: “Nếu cháu yêu thích thì cứ làm”. Câu nói ấy khiến tôi trở nên mạnh mẽ, để tôi thấy hành trình của mình không hề đơn độc.
Đạo diễn xuất sắc quốc tế
Kiên định với con đường đã chọn, Diễm vừa tìm việc làm, vừa tự tìm cơ hội cho chính mình. Không có điều kiện kinh tế để theo học quay phim chính quy, Diễm hăm hở xây dựng ý tưởng để được thông qua các khóa học miễn phí. Năm 2016, trúng tuyển khóa học phim tài liệu trực tiếp của Varan Việt Nam, sau 03 tháng theo học, Diễm đã đặc biệt yêu thích làm phim tài liệu. Theo Diễm, khi làm phim tài liệu sẽ có cơ hội để bước chân vào thế giới của những người hoặc cộng đồng mà chị quan tâm, đồng thời được lắng nghe câu chuyện của mọi người.
Diễm luôn gắn bó với chiếc máy quay phim và đồ nghề nặng gần 10kg. |
Nếu nhắc về khó khăn đã trải qua, Diễm sẽ lí lắc cười, hồn nhiên kể về nhiều ngày tháng sống “vật vờ” không tiền giữa Thủ đô. Có năm quay phim dài đầu tay, Diễm được bạn nuôi ăn ở 6 tháng liền, rồi phải “kéo cày” để mua máy quay cho dù chỉ là máy cũ… Song, Diễm luôn tự nhận mình may mắn vì gặp được nhiều anh chị, bạn bè tốt giúp đỡ một cách rất vô tư.
Diễm chia sẻ: Mỗi khi làm phim tài liệu, tôi sẽ dành thời gian dài kết nối cùng với nhân vật. Phim đầu tay của tôi là về phụ nữ người Dao bị nhiễm HIV, một mình nuôi con ở Bắc Kạn. Lúc ấy, tôi vẫn đang là sinh viên. Đến cuối tuần tôi bắt xe từ Hà Nội về Bắc Kạn, lội suối đến căn nhà mái lá cheo leo và đơn độc giữa rừng núi của chị. Tôi được ở cùng chị, ăn cùng chị những bữa cơm trắng vỏn vẹn măng xào, nộm ớt và nghe chị kể chuyện đời mình, để thấy cả niềm tin yêu và hy vọng sống chị dồn cả vào đứa con trai duy nhất. Hằng ngày, chị đạp xe bốn lần quãng đường 10km để đưa cậu con trai nhỏ đến trường mẫu giáo. Phim đó tôi đặt tên là “Con đi trường học” bấm máy năm 2012, được Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển tài năng điện ảnh TPD tài trợ máy móc dựng phim và số tiền 2 triệu đồng để đi lại. Đây cũng chính là bộ phim mà một mình tôi đảm nhiệm tất cả các vai trò sản xuất, đạo diễn, quay phim, dựng phim... và dùng máy ảnh Canon 550D để quay. “Con đi trường học” nhận được sự đồng cảm của nhiều người, giúp tôi nhận giải “Cánh diều bạc” (không có giải “Cánh diều vàng”) tại Lễ trao giải Cánh diều năm 2013 ở hạng mục Phim ngắn.
Năm 2021 vừa qua, Diễm nhận tin vui lớn khi chiến thắng tại giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” hạng mục “Tranh giải quốc tế” và giải Đặc biệt của Ban Giám khảo dành cho hạng mục phim đầu tay với phim “Những đứa trẻ trong sương” tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam 2021- liên hoan phim tài liệu lớn nhất thế giới. Đây là dự án cá nhân Diễm ấp ủ, trau chuốt trong 4 năm ở Sa Pa. Trong lúc làm phim, mỗi năm Diễm lên Sa Pa tầm 4 - 5 lần, mỗi lần ở lại 2 - 3 tuần, nhưng quay phim thì chỉ khoảng 3 hoặc 4 ngày. Phim “Những đứa trẻ trong sương” kể về cuộc sống của Di, một bé gái 12 tuổi người Mông sống tại Sa Pa. Di muốn đi học, nhưng sinh ra ở nơi có tục bắt vợ. Bộ phim kể về quá trình đổ vỡ của thế giới tuổi thơ và hành trình đơn độc trở thành người lớn của Di...
Hiện nay, cô gái Tày đang tận hưởng những ngày tháng bình yên bên gia đình, đồng thời tiến hành khảo sát về quê hương Bắc Kạn để tìm những câu chuyện, vùng đất ấn tượng. Rồi đây, khi trở lại guồng quay công việc, Diễm lại đến với các nước bạn như: Hàn Quốc, Pháp, Thái Lan… nhưng khi về Hà Nội vẫn sẽ thư thái đạp xe 24km đi về trong ngày để chỉnh sửa từng thước phim. Hành trình của Diễm chắc rằng sẽ còn rất dài. Tin tưởng rằng đạo diễn trẻ sẽ luôn vững bước, tràn đầy nhiệt huyết để kể thêm nhiều câu chuyện thú vị khác trong tương lai.