Chuyện tình đẹp giữa công nữ Việt Nam và thương nhân Nhật Bản
Cứu bạn khỏi tử thần
Công nữ Anio - vở opera kể câu chuyện tình có thật trong lịch sử. Đầu thế kỷ 17, Araki Sotaro, một thương nhân Châu Ấn thuyền (loại thuyền buồm thương mại của Nhật) đi từ Nagasaki đến Đàng Trong (nay là miền Trung Việt Nam). Trong chuyến hành trình vượt biển, Araki Sotaro cùng với các thuyền viên bất ngờ phát hiện một con thuyền gặp nạn. Sotaro đã cứu hộ, trong đó có 4 em nhỏ người Việt Nam. Một trong những em nhỏ là công nữ Ngọc Hoa. Cô bé đã nhờ anh dạy tiếng Nhật. Lời đầu tiên cô học là từ “ARIGATO (cảm ơn)”.
Tái hiện đám cưới công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản ở thành phố Hội An. (Ảnh: KT) |
10 năm sau, tại Việt Nam, trong lúc giúp người quản tượng giữ một con voi gây náo loạn, Sotaro gần như sắp bị con voi gây họa. Lúc này anh hoàn toàn tuyệt vọng và bất lực. Đúng lúc đó, bỗng nhiên có tiếng sáo với giai điệu du dương vang lên khiến con voi dừng lại như một phép màu. Nhờ đó, Sotaro thoát nạn. Người thổi sáo chính công nữ Ngọc Hoa. Thông qua từ “ARIGATO”, họ nhớ ra đã từng gặp nhau 10 năm trước.
Định mệnh se duyên cho họ nên vợ chồng. Sotaro đón công nữ Ngọc Hoa đến Nagasaki (Nhật Bản). Tại đây, nàng được người dân Nagasaki yêu mến gọi với cái tên “Anio san” ("Anio" là từ thể hiện sự âu yếm khi công chúa gọi chồng là "anh yêu". Sau này các cô gái xinh đẹp, dễ thương cũng đều được gọi là "Anio san". Theo các tác phẩm văn học ghi lại, khi về sinh sống tại Nhật Bản, công chúa đã dạy các điệu múa An Nam cho người Nhật, góp công xây chùa Phật, dạy nấu ăn món Việt... cho người bản xứ.
Chiếc gương của Công nữ Ngọc Hoa tại Bảo tàng Lịch sử và Văn hoá Nagasaki. (Ảnh: Tư liệu) |
Chuyện tình lưu truyền cho hậu thế
Đại diện dự án, ông Honna Tetsuji, Giám đốc âm nhạc kiêm Chỉ huy chính Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cho biết, ông đã có cơ hội tới thăm Nagasaki, tận mắt thấy ngôi mộ của thương nhân Araki Sotaro và Công nữ Anio ở cạnh nhau, được bảo tồn và thờ cúng đến hôm nay. Ông cảm động và muốn đưa chuyện này vào nghệ thuật.
Tổng đạo diễn Honna Tetsuji cho biết, trong quá trình xây dựng vở opera này, toàn bộ ekip mong muốn tạo ra một tác phẩm lưu truyền về sau. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng các chứng cứ lịch sử là điều rất quan trọng. “Chúng tôi đã liên hệ, nhờ đến sự hiểu biết của các chuyên gia cố vấn lịch sử của cả Việt Nam và Nhật Bản để xây dựng tác phẩm chính xác, chân thực nhất”, ông nói.
Mộ công chúa Ngọc Hoa và chồng ở hậu viên Đại Âm Tự, Nhật Bản. (Ảnh: Tư liệu) |
Trên cương vị Cố vấn danh dự Dự án, ngài Yamada Takio (Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam) hy vọng rằng, vở opera này sẽ trở thành một dấu ấn kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam, giúp chúng ta hồi tưởng về quá khứ của Nhật Bản và Việt Nam, thắt chặt hơn nữa sự gắn kết của nhân dân hai nước trong tương lai".
Để thể hiện mối tình xuyên quốc gia, nghệ sĩ Nhật Kobori Yusuke và Yamamoto Kohei đã phải học tiếng Việt để tham gia vở opera "Công nữ Anio".
Ngày nay, Viện Bảo tàng nghệ thuật Nagasaki vẫn lưu giữ chiếc gương soi của Công nữ Ngọc Hoa. Lễ hội Okunchi mở hằng năm ở Nagasaki (từ ngày 7 đến 9/10) có đám rước do thiếu nhi đóng vai vợ chồng Công nữ Ngọc Hoa đứng trên mũi một chiếc thuyền buôn… Năm 2014, Hội An chính thức đặt tên Công nữ Ngọc Hoa cho con đường ngắn đi từ quảng trường sông Hoài, dọc theo bờ sông phía Bắc tới chùa Cầu. Năm 2018, Hội An đã tổ chức chương trình nghệ thuật “Tái hiện đám cưới Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản Araki Sorato”. |