Chuyện những “anh hai lúa”
Ảnh TL
“Hai lúa” đã trở thành danh từ chung để nói đến những người ở miệt đồng miệt ruộng, có thể là thứ hai mà cũng có thể thứ ba, thứ tư hoặc thứ út gì đó. “Ảnh” có thể mần lúa mà cũng có thể mần vườn, nuôi vịt, nuôi cá… Vậy sao thiên hạ cứ gọi là “hai lúa”? Hình như mới đầu là cách gọi của người thành thị, với ngụ ý ám chỉ đến những người xuất thân từ nông thôn lên xứ có “đèn ngọn xanh, ngọn đỏ” còn bỡ ngỡ với cuộc sống đô thành.
Nhưng bây giờ thì khác xưa rồi! Lướt qua các trang mạng thấy nhiều anh hai lúa đang âm thầm nghiên cứu sáng tạo ra các giải pháp thật hữu ích. Người ta đã gọi đó là những “kỹ sư hai lúa” kia mà. Nào là, anh hai lúa ở Tây Ninh chế tạo được máy bay nè; anh hai lúa ở Thái Bình chế tạo được tàu ngầm nè.
Tưởng nghe nhầm, tưởng ai đó đồn thổi, nói chơi, ai dè toàn là những chuyện thật, người thật. Ngay xứ sở sen hồng, mới đây đã tổ chức cuộc gặp gỡ 32 nhà sáng tạo tiêu biểu, trong đó, hầu hết là nông dân hoặc xuất thân từ nông dân. Những ý tưởng sáng tạo của họ trước tiên xuất phát từ lòng đam mê cháy bỏng, phục vụ cho những đòi hỏi thiết thân của cuộc sống và sản xuất, từ trong nhà ra ngoài mảnh vườn, thửa ruộng, bờ ao của họ. Rồi từ đó bắt đầu nhen nhóm ý tưởng phục vụ cộng đồng.
Những ý tưởng nghiên cứu mới thấy gần gũi làm sao: chế tạo máy làm đất, hút bùn đáy ao, máy phun tưới phân thuốc, ép rơm, máy làm bột, làm bánh hỏi; thuyền năng lượng mặt trời; rồi lai tạo các giống lúa, giống nhãn, giống hoa năng suất cao, chất lượng tốt được bà con mình mần… rần rần! Chưa tự bằng lòng với những gì đã mần được, qua tiếp xúc với những “kỹ sư hai lúa”, Xích Lô tui còn cảm nhận rằng họ đang còn đau đáu nhiều ý tưởng sáng tạo mới nữa, đáng khâm phục lắm.
Một vài người cho rằng hàm lượng tri thức, công nghệ trong các ý tưởng sáng tạo này không mới, bên Tây bên Tàu, trường này viện nọ người ta đã nghiên cứu rồi, đã sản xuất từ lâu lắm rồi. Đơn giản vậy sao ta? Sao không nhìn những ý tưởng sáng tạo đó để thấy rằng có một xã hội luôn năng động, có những người không cam chịu, không tự bằng lòng với chính mình?
Có thể họ chưa được trang bị đầy đủ những lý thuyết này, nguyên lý kia, nhưng nếu so với nhiều đề tài khoa học cấp này cấp nọ, với nguồn kinh phí của nhà nước, đang nằm trong các ngăn kéo thì mới thấy đáng trân trọng chứ. Có thể chất lượng sản phẩm của họ còn những khiếm khuyết so với “hàng ngoại”, nhưng là những giải pháp hữu ích đáp ứng những yêu cầu thiết thân hàng ngày trong nhà, trên đồng ruộng mới thấy đáng tự hào chứ!
Họ tự mày mò, thậm chí nhiều lần thất bại nhưng không bỏ cuộc mới đáng khâm phục làm sao! Lúc sinh thời, Bác Hồ đã dạy chúng ta: “… Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được!”. Vấn đề là như vậy đó!
Qua những ý tưởng sáng tạo đó, một lần nữa minh chứng rằng, xã hội vận động phong phú, đa dạng, những kế hoạch của ngành này, ngành nọ đôi khi thoát ly cuộc sống do chỉ ngồi trong “phòng lạnh” mà suy đoán xã hội đang cần gì, và khi ấy, chúng ta sẽ rơi vào khoảng trống mênh mông. Có ông triết gia xưa nói thế này:
“Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”. Chúng ta “không thể nghĩ thay mọi người, mà phải nghĩ như mọi người!”.
Làm sao đừng để những bầu máu nóng nguội lạnh dần; làm sao những ý tưởng có thể trở thành hiện thực, thành những sản phẩm hàng hoá. Hãy nhìn vào đó như là những nguồn năng lượng mới, cùng tác động để niềm đam mê sáng tạo trở thành bất tận, phục vụ đắc lực cho sự phát triển của quê hương này.
Có cảm nhận như vậy, mới thấy cần sát cánh với những “kỹ sư hai lúa” để cùng hun đúc nhau, cùng nhau vượt qua bao nhiêu là điểm nghẽn do thể chế và sự vận hành chậm chập của bộ máy cấp này, cấp kia. Có thấu hiểu như vậy, mới có thể giúp họ chuẩn bị tâm thế tốt nhất để bước vào thị trường đầy rủi ro, thách thức, nào là vốn liếng, nào là hoàn thiện kỹ thuật, nào là xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm.
Có một anh hai lúa hôm đó tâm sự như vầy: “Nói nào ngay, tụi tui đam mê là mần chứ có biết cùng một sản phẩm đó thiên hạ đã có làm chưa, làm như thế nào! Tui sợ rằng khi mình làm rồi thì mới biết người ta đã làm rồi. Nếu biết vậy, thì mình chỉ cải tiến cái họ đã làm cho tốt hơn là được rồi”. Chợt nghĩ, làm sao trong các đề án, kế hoạch của chính quyền luôn có bóng dáng của những anh hai lúa; làm sao chính quyền là bệ phóng cho những ý tưởng dạt dào đó trở thành những ý tưởng khởi sự doanh nghiệp, những anh hai lúa trở thành những doanh nhân thành đạt.
Có một quyển sách có tựa đề rất hay: “Thế giới quả là rộng lớn, chúng ta còn nhiều việc phải làm”. Đúng vậy, bà con mình, những anh “kỹ sư hai lúa” đang mần, và cả bộ máy mình cũng xúm vô cùng… mần với bà con nhen!
Theo Thế Giới Tiếp Thị