Chuyện đời của những cựu binh Mỹ trở lại sống tại Việt Nam
Một số gặp khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống thường ngày ở Mỹ. Những người khác quay trở lại với hy vọng chuộc lỗi cho những sai lầm trong chiến tranh mà họ tin rằng mình có phần trách nhiệm nào đó.
Năm 1968, đơn vị của ông David Edward Clark từng cắm trại đằng sau dãy núi Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng. Thế rồi, không ai có thể leo núi được nữa, cựu chiến binh 66 tuổi người Mỹ kể lại. Bất cứ ai làm điều đó đều có thể trở thành mục tiêu của du kích Việt Nam.
Ông Clark chia sẻ: “Chúng tôi thậm chí còn đặt ra quy tắc là không bao giờ rời khỏi trại mà không mang theo súng. Vì thế, tôi đi loanh quanh với một khẩu M-16 suốt cả ngày. Và tôi giơ súng ra trước mặt mỗi người Việt mà tôi gặp, kể cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Tôi muốn họ phải sợ hãi. Điều đó sẽ cho tôi nhiều cơ hội sống sót hơn”.
40 năm sau, Clark quay lại Việt Nam, nhưng không phải để tham gia vào một cuộc chiến vô nghĩa mà để bắt đầu cuộc sống mới. Ông là một trong số khoảng 100 (hoặc nhiều hơn) cựu binh Mỹ đã quyết định sống tại Việt Nam. Nhiều người trong số họ định cư ở trong nội thành và ngoại ô của thành phố Đà Nắng – nơi có sân bay quân sự lớn nhất của Mỹ trong thời chiến. Đà Nẵng cũng là điểm đặt chân đầu tiên của lính Mỹ ở Việt Nam vào năm 1965.
Trở về Mỹ sau chiến tranh, không ngày nào trôi qua mà ông không nghĩ tới Việt Nam – ông Clark cho biết. Ông kể rằng, mình thường bị đánh thức vào lúc nửa đêm trong tâm trạng nơm nớp lo sợ, vì những ký ức đau thương thời chiến. Cũng vì thế mà cựu binh này chỉ biết cách tìm đến rượu để giải sầu.
Năm 2007, Clark cuối cùng đã quyết định trở lại Việt Nam. Ông quay về đúng ngọn núi ngày xưa đã ngăn cách 2 bên chiến tuyến, và lần đầu tiên trong đời ông tự tin leo lên đỉnh núi. “Lên tới đỉnh, tôi cảm nhận được sự yên bình mà tôi chưa thấy bao giờ. Không có bom đạn, không có bắn giết, cũng chẳng có chiến đấu cơ bay lượn trên đầu. Tôi nhận ra là chiến tranh đã kết thúc thật rồi”.
Theo ước tính, hàng chục nghìn cựu chiến binh Mỹ đã trở lại Việt Nam từ những năm 1990, chủ yếu trong những chuyến thăm ngắn ngày tới nơi mà họ từng phục vụ. Nhiều thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều người vẫn chẳng hiểu vì sao họ lại dại dột cầm súng chiến đấu.
Điều đó cũng đúng với Richard Parker, một cựu binh 66 tuổi khác. Ông tự nhận rằng mình đã đánh mất quá nhiều thứ bởi chiến tranh. Parker đã “sống mòn” trong men rượu, ma túy và quan hệ tình dục suốt 20 năm sau khi cuộc chiến kết thúc.
“Tôi là một gã lang thang, làm việc tại các nhà hàng, đi từ nơi này đến nơi khác. Chuyện sống chết chẳng quan trọng với tôi. Tôi cảm thấy rằng chúng ta phải tìm lại một số thứ… chúng ta đã làm rất nhiều việc ngu ngốc ở đây (Việt Nam)” – ông Parker tâm sự.
Những ký ức về sự hủy diệt và cái chết trong chiến tranh Việt Nam liên tục ám ảnh người cựu binh già. Ông kể lại: “Tôi bị tẩy não, trước khi tham chiến tôi muốn tiêu diệt những người Cộng sản. Nhưng đến lúc rời đi, tôi yêu con người Việt nam. Họ có nguy hiểm gì đâu? Điều duy nhất họ muốn là trồng lúa và sinh con đẻ cái”.
Suốt nhiều năm sau đó, Parker đã bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý – hội chứng vốn ảnh hưởng đến 11% số cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam. Hàng chục người trong đó đã không chịu nổi và tự tìm đến cái chết.
Đối với ông Parker, cách duy nhất để ông “gột rửa” được chính mình là trở lại Việt Nam. “Ở đây (Việt Nam), tôi tìm thấy sự yên bình. Đôi khi, tôi đến những nơi mà chúng tôi từng chiến đấu. Nơi hỗn loạn và chết chóc lúc đó giờ đã tràn đầy hy vọng và sức sống”.
Ông Larry Vetter, một cựu binh khác, đang làm việc cho trang web Trẻ em trong chiến tranh Việt Nam. Ông muốn truyền tải những di chứng của cuộc chiến cho mọi người được biết. Hè năm nay, cựu chiến binh 73 tuổi sẽ kết hôn với người bạn gái Việt Nam của mình, bà Doan Ha.
Khi Vetter đến Đà Nẵng tháng 11/2012, ông chỉ định lưu lại 3 tháng để giúp đỡ chăm sóc cho 2 cậu bé bị ảnh hưởng của chất độc da cam – thứ hóa chất diệt cỏ mà quân đội Mỹ dùng để hủy diệt những cánh rừng ở Việt Nam. Hiện, chất độc này vẫn đang gây ra ung thư, dị tật và tê liệt cho nhiều người.
Ông cho rằng, mình phải chịu một phần trách nhiệm cho những di chứng đau lòng mà chiến tranh Việt Nam để lại. Chính vì vậy, ông quyết định ở lại lâu hơn so với kế hoạch.
Chas Lehman, một cựu chiến binh 70 tuổi, thì miêu tả sự trở lại Việt Nam như là ý muốn của Thiên Chúa. Cũng nhờ niềm tin vào tôn giáo, ông đã thoát khỏi trầm cảm, ác mộng và rối loạn tâm lý.
Chia sẻ với BBC, ông thừa nhận rằng tất cả những tư tưởng thù địch trước đó nhằm vào chính phủ miền Bắc Việt Nam đều là sai trái. “Trở lại đất Mỹ, tôi cảm thấy thật vô nghĩa. Tôi giống như một mảnh ghép không phù hợp” – Lehman cho hay.
Cùng với những tình nguyện viên khác, ông Lehman hỗ trợ thực phẩm, nước uống, quần áo và chăn mền cho các nhóm dân tộc thiểu số nghèo ở khu vực Tây Nguyên của Việt Nam. Mỗi chuyến đi, họ có thể giúp đỡ 65–300 hộ gia đình. “Trong chiến tranh, tôi thấy có lỗi với người dân Việt Nam, nhưng không thể tin tưởng họ. Giờ đây, tôi lại thấy có cảm tình”, ông nói.
Đôi khi, ông dạy tiếng Anh, dành cả ngày để đọc sách, đi bộ, trò chuyện với bạn bè và thưởng thức món ăn Việt Nam. Theo ông, trở lại sống ở chiến trường xưa cũng là một cách để chấm dứt những ký ức đau thương.
Đôi mắt ông sáng lên khi ông giải thích rằng Việt Nam đã mang niềm hạnh phúc trở lại với mình. Ông cười rất nhiều trong những ngày vừa qua. Thậm chí, ông còn được tôn trọng hơn so với lúc ở Mỹ – ông Parker chia sẻ.
David Clark muốn nhiều cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam. Bản thân ông cũng đã trở lại nhiều lần, sau chuyến đi đầu tiên. Trong một hành trình bằng xe máy từ miền Bắc vào trong Nam năm 1968, ông gặp gỡ và yêu một người phụ nữ Việt. Họ vừa kết hôn cách đây 2 năm.
Hít một hơi thật sâu, ông tháo kính xuống, lau nước mắt và nói: “Tôi từng nghĩ rằng người Việt bẩn nhất, tồi nhất thế giới. Nhưng bây giờ tôi thấy may mắn vì sống ở đây. Cuộc chiến đã kết thúc, và tôi sẽ chết ở nơi này”.
Có những người Mỹ trở lại Việt Nam để tìm kiếm người thân, giống như Jerry Quinn. Lang thang trên những con phố hẹp ở thành phố Hồ Chí Minh, tay nắm chặt một album ảnh, ông đang tìm lại người con trai thất lạc trong chiến tranh.