Chương trình "Sách hóa nông thôn" của Việt Nam được Thư viện Quốc hội Mỹ vinh danh
Cơ hội giới thiệu chương trình trên toàn thế giới
Chương trình "Sách hóa nông thôn" được trao giải Hành động Thiết thực (Best Practice Honoree) thuộc Giải thưởng "Xóa mù chữ" của Thư viện Quốc hội Mỹ năm 2017. Giải trị giá 5.000 đôla (hơn 113 triệu đồng).
Giải thưởng được trao cho Trung tâm Hỗ trợ thức và Phát triển Cộng đồng, tổ chức thực hiện chương trình này, do anh Nguyễn Quang Thạch - nhà hoạt động xã hội được mệnh danh là “người cõng sách” - đứng đầu.
Rất đông người từng tham gia ủng hộ "Sách hóa nông thôn"
Anh Nguyễn Quang Thạch đã nhận được bức thư thông báo đạt giải do Thư viện Quốc hội Mỹ gửi đến. Lá thư có nội dung:
"Gửi ông Nguyễn Quang Thạch,
Chúng tôi hân hạnh thông báo với ông rằng Trung tâm Hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng đã được chọn được chọn trao giải thưởng Hành động thiết thực của Chương trình Giải thưởng Xóa mù chữ của Thư viện Quốc hô%3ḅi Mỹ năm 2017.
Thành công của (các) ông trong việc áp dụng vào thực tiễn có giá trị về nghiên cứu để thúc đẩy việc xóa mù chữ là một mô hình có giá trị đối với các tổ chức khác đang tìm kiếm để sáng tạo những chương trình xóa mù chữ dựa trên bằng chứng thực tế".
Với giải thưởng này, Trung tâm Hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng sẽ được trao tặng 5000 USD. Đồng thời, anh Nguyễn Quang Thạch sẽ được mời đến tham dự lễ trao giải diễn ra tại Thư viện Quốc hội Mỹ dự kiến được tổ chức cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11/2017. Tại đây, anh Thạch có cơ hội giới thiệu về Trung tâm Hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng cũng như chương trình Sách hóa nông thôn mà anh đã thực hiện nhiều năm nay.
Bản tóm lược về chương trình Sách hoá nông thôn sẽ được in trong ấn phẩm của Giải thưởng "Xóa mù chữ" của Thư viện Quốc hội Mỹ năm 2017 và được phân phát cho khoảng 1750 tổ chức xóa mù chữ cũng như các nhà giáo dục trên toàn thế giới.
"Xin chúc mừng tổ chức của ông đã được chọn vinh danh cho phần Hành động thiết thực của giải Xóa mù chữ của Thư viện quốc hội Mỹ. Tôi mong chờ sẽ gặp ông ở Washington vào mùa thu này".
Trước đó, tháng 9/2016, chương trình Sách hoá nông thôn đã được UNESCO trao giải thưởng mang tên Vua Sejong.
“Người cõng sách” của Việt Nam
Nguyễn Quang Thạch – người dành 19 năm nghiên cứu về thiết kế thư viện và áp dụng các mô hình thư viện – bắt đầu công việc của mình vào năm 2007 với 3 thư viện, sau đó với sự giúp đỡ về ngân sách, anh mở rộng để xây dựng thêm 28 thư viện ở 9 tỉnh thành.
Anh Nguyễn Quang Thạch trên đường đi "Sách hóa nông thôn"
Năm 2009, bắt đầu từ số tiền giành giải thưởng trong một cuộc thi sáng kiến xã hội, anh bỏ việc để cống hiến cuộc đời mình cho việc xây dựng các thư viện. Năm 2010, anh thành lập Trung tâm hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng từ những cuốn sách quyên góp, sách giảm giá và đưa ra nhiều mô hình thư viện khác nhau: tủ sách dòng họ, tủ sách giáo xứ, tủ sách lớp học và cộng đồng dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Anh bắt đầu cuộc cách mạng thư viện của mình bằng chuyến đi bộ dài 2.700 dặm để gây quỹ và tuyên truyền tăng nhận thức. Kết quả là, chương trình nhận được sự tham gia của hơn 100.000 người, hầu hết trong số đó là nông dân – những người chung tay trong việc đóng góp tài chính.
Chương trình cũng làm thay đổi cấu trúc hệ thống thư viện của Việt Nam bằng cách đưa ra những mô hình rẻ và thiết thực. Ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chương trình này cũng đào tạo thực hành và làm việc nhóm để vận hành các thư viện, tạo ra các hoạt động khuyến khích việc đọc sách.
Đến nay, hệ thống thư viện của anh đã đưa những cuốn sách tới tay hơn 400.000 người đọc ở nông thôn, xây dựng hơn 9.000 thư viện ở 26 tỉnh thành. Với sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với sự tham gia của hàng triệu người Việt Nam trong và ngoài nước, chương trình này sẽ được nhân rộng trên khắp cả nước để tiếp cận tới khoảng 20 triệu người dân nông thôn tính tới năm 2020.
An Nhi