Chương trình nghệ thuật Tình khúc Bạch Dương: Tình yêu nước Nga tuyệt đẹp
Tới dự chương trình có ông: Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học Viện Chính trị Quốc gia HCM; ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bí thư Thành Ủy HN; Bộ trưởng Bộ VHTTTDL Nguyễn Ngọc Thiện… cùng nhiều đại biểu của các bộ, ban nghành.
Chương trình có sự tham gia các nghệ sĩ nổi tiếng hai nước Nga và Việt Nam như: Nghệ sĩ Nhân dân Krygina Nadezhda, Nghệ sĩ Công huân Pyanov Vasily, NSND Quang Thọ, Quốc Hưng, Tân Nhàn, Lan Anh, Tiến Hưng, Tuấn Anh, Phúc Tiệp, Lê Anh Dũng, Bạch Trà, Thu Hà, Phương Uyên, Đinh Trang, Hồng Nhung, Bích Hồng, nghệ sĩ violon Bùi Công Duy và piano Trinh Hương...
Các đại biểu dự khán chương trình
Trên khắp đất nước VN còn lưu dấu những công trình lịch sử, đó là những công trình thế kỷ, công trình là biểu tượng cho tình hữu nghị đời đời bền vững giữa hai dân tộc Việt Nam và Nga và chương trình “Tình khúc Bạch Dương” là một tiếng hát ngợi ca tình hữu nghị thủy chung son sắt ấy.
Không ít những khán giả ngồi trong khán phòng Nhà hát Lớn cũng như một số nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình Tình khúc Bạch Dương đã có những năm tháng dài học tập, làm việc, trưởng thành trên đất nước Nga và hành trang họ trở về là những ký ức, hình ảnh đặc biệt về thiên nhiên, con người mà nước nga mang lại cho họ.
Mở đầu chương trình, NSUT Quốc Hưng - NS Công huân Pyanov Vasily và ban nhạc cùng trình diễn ca khúc Cánh đồng Nga. Ca khúc này được nhạc sĩ thiên tài Jan Fankel, lời thơ của nữ thi sĩ Inna Goff vào năm 1968. Ban đầu, nhạc sĩ Jan Fankel đặt tên cho nó là "Cánh đồng", bởi trước đó, ông đã sáng tác một ca khúc có tên "Cánh đồng Nga". Tuy nhiên, nhân dân Xô viết đã yêu thích nó và không gì có thể gắn kết nó hơn cánh đồng Nga bao la.
Nước Nga xa mà gần trong tâm hồn người Việt Nam nên có thể giữa Matxcơva, những lưu học sinh Việt Nam vẫn hát Hà Nội niềm tin và hy vọng, vẫn hát những câu hò xứ Nghệ. Khi trở về Việt Nam, vẫn lưu luyến Chiều Matxcơva, Chiều hải cảng, Dòng Volga xinh đẹp. Trong những ca khúc được trình diễn trong chương trình này là Chiều Matxcova của nhạc sĩ Vasili Solovyov-Sedoy soạn nhạc, phần lời của Mikhail Matusovsky sáng tác. Ca khúc này được yêu thích đặc biệt ở nước Nga. Một thời, vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước, nó từng đứng vào top những ca khúc được đề nghị phát sóng nhiều nhất theo thư yêu cầu của thính giả. Trên làn sóng của đài phát thanh “Mayak” (Ngọn hải đăng), có một dạo, bài hát được phát đi phát lại, cứ 15 phút một lần, và suốt nửa thế kỷ qua, giai điệu Chiều ngoại ô Matxcơva đã trở thành nhạc hiệu của đài, hơn thế nữa, là một trong những biểu tượng âm nhạc của đất nước Nga Xô viết.
Các tiết mục trong chương trình nghệ thuật
Khán phòng Nhà hát Lớn tối ngày 6.11, khi NSND Quang Thọ, NSND Krygina Nadezhda, NS Công Huân Pyanov Vasily và nghệ sĩ Phương Uyên cùng cất lên, tất cả như lặng đi, chìm vào gia điệu trữ tình sâu sắc và cháy bỏng, tái hiện Chiều Matxcơva, trái tim của nước Nga Xô viết, tuyệt đẹp và như một quê hương thân thiết của tất cả những ai đang đấu tranh để giải phóng con người.
Ở đất nước chúng ta, cách xa Matxcơva hàng vạn dặm, vậy mà có ai lại không thấy quen thuộc với giai điệu rất trữ tình của người nhạc sĩ Xô viết ấy. Âm hưởng của những giai điệu ấy như còn đọng lại trong lòng mỗi người Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước mà đến nay vẫn còn vang vọng. Và NSND Krygina Nadezhda, NSND Thái Bảo đã đưa người nghe đến với chuyện tình buồn nhưng lãng mạn và có sức lay động lớn bởi sự chân thành, mộc mạc, ca khúc Triệu đoá hoa hồng. Đây trở thành một trong những nhạc phẩm nổi tiếng nhất Liên Xô trong suốt thập niên 1980 trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Triệu đóa hoa hồng từng vang lên trong nhiều trường học, công trường... ở Việt Nam những năm 1980 . Bài hát được nhiều chàng trai chọn là sứ giả, giúp họ thổ lộ tình cảm với người yêu.
Âm nhạc là tiếng lòng. Với những nét tương đồng trong lịch sử, thì những nét tương đồng trong âm nhạc của hai dân tộc cũng là điều dễ cảm nhận. Những bài hát về một thời hoa lửa, Nga và Việt Nam, cả hai dân tộc đều nâng niu, trân trọng. Hát lại những bài hát cũ là để trân trọng lịch sử, là một cách bày tỏ lòng biết ơn với thế hệ cha anh.
Theo Báo Văn Hóa