Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục gây căng thẳng
Tờ Wall Street Journal cho biết, sáng 14/1, chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải có thời điểm trượt 2,8%, xuống mức đáy trong đợt lao dốc hồi mùa hè năm ngoái.
Với đà giảm này, chứng khoán Trung Quốc gần như cầm chắc khả năng rơi vào thị trường giá xuống - giảm 20% từ mức đỉnh gần nhất thiết lập vào hôm 22/12.
So với mức đỉnh hồi tháng 6/2015, chứng khoán Trung Quốc hiện giảm 44%. Từ phiên đầu năm 2016 tới nay, chứng khoán Trung Quốc đã giảm 7% - Ảnh: WSJ/Zuma.
So với mức đỉnh hồi tháng 6/2015, chứng khoán Trung Quốc hiện giảm 44%. Từ phiên đầu năm 2016 tới nay, chứng khoán Trung Quốc đã giảm 7%.
Đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh vào đầu giờ sáng nay ở thị trường Hồng Kông (offshore), đảo ngược xu hướng tăng có được vào đầu tuần nhờ nỗ lực can thiệp của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC). Có thời điểm đồng Nhân dân tệ mất giá 0,64%, còn 6,6071 Nhân dân tệ đổi 1 USD, bất chấp PBoC nâng nhẹ tỷ giá tham chiếu.
Với nỗi lo của giới đầu tư về thị trường chứng khoán và triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, cũng như việc giá dầu giảm dưới mốc 30 USD/thùng, các thị trường chứng khoán chủ chốt khác trong khu vực đồng loạt giảm điểm phiên sáng nay.
Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản có lúc giảm 3,7%, dẫn đầu là cổ phiếu của các công ty khai mỏ. Chứng khoán Nhật hiện đã giảm 10,5% so với thời điểm đầu năm.
Chỉ số S&P/ASX 200 của chứng khoán Australia mất 1,5% số điểm, chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông giảm 1,6%, trong khi chỉ số Kospi của thị trường Hàn Quốc giảm 1,3%.
Theo giới phân tích, sự sụt giảm của tỷ giá đồng Nhân dân tệ sáng nay cho thấy Bắc Kinh tiếp tục chật vật ứng phó với với biến động tỷ giá và chưa thể định hướng được kỳ vọng của các nhà đầu tư về tỷ giá đồng tiền này. Trong mấy tuần gần đây, các chuyên gia đồng loạt hạ dự báo tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với USD trong năm nay.
Khoảng cách lớn giữa tỷ giá đồng Nhân dân tệ tại thị trường đại lục (onshore) và nước ngoài (offshore) phản ánh sự thật là cho tới thời điểm này, Trung Quốc chưa thể đưa đồng tiền của mình trở thành một đồng tiền quốc tế ổn định.
“Đồng tiền của Trung Quốc đang gây căng thẳng trên toàn thế giới”, ông Stephen Ma, trưởng bộ phận thị trường Trung Quốc thuộc công ty quản lý quỹ BMO Global Asset Management, phát biểu. “Những gì mà chúng ta đang chứng kiến là kết quả của việc Chính phủ Trung Quốc can thiệp quá nhiều vào thị trường”.
Tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ mà PBoC công bố sáng nay là 6,5616 Nhân dân tệ/USD, tăng nhẹ từ mức 6,5630 Nhân dân tệ/USD của ngày 13/1.
Tỷ giá giao ngay đồng Nhân dân tệ tại thị trường đại lục sáng nay ở mức khoảng 6,5861 Nhân dân tệ/USD, giảm nhẹ so với mức chốt của ngày hôm qua. Tỷ giá này được phép dao động 2% quanh tỷ giá tham chiếu.
Tỷ giá đồng Yên Nhật so với USD sáng nay tăng 0,2%, lên mức 117,44 Yên/USD, mức cao nhất trong gần 5 tháng. Từ đầu năm tới nay, đồng Yên đã tăng 2,5% do giới đầu tư đẩy mạnh mua vào các tài sản an toàn trong bối cảnh bất ổn ở Trung Quốc gia tăng.
Trong hai tuần đầu năm 2016, Bắc Kinh tiếp tục cho thấy sự “lóng ngóng” trong cách thức điều hành. Đầu tiên phải kể tới việc áp dụng rồi lại ngừng sử dụng cơ chế ngắt mạch giao dịch tự động trên thị trường chứng khoán, tiếp đó là việc bất ngờ giảm mạnh tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ rồi lại can thiệp để “đỡ” tỷ giá.
Sự lóng ngóng này của các nhà chức trách Trung Quốc đã và đang khiến giới đầu tư toàn cầu hoảng loạn. Chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm 7,3% kể từ đầu năm tính đến phiên ngày 13/1, chạm mức thấp nhất từ cuối tháng 9 năm tới.
Theo hãng tin CNBC, đợt sụt giảm từ đầu năm đã khiến gần 3,2 nghìn tỷ USD giá trị “vốn hóa” bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu. Trong đó, chứng khoán Mỹ mất 1,77 nghìn tỷ USD, và các thị trường khác mất tổng cộng 1,4 nghìn tỷ USD.
Theo VnEconomy