Chợ cá Thợ mỏ
Nằm bên bờ vịnh Bái Tử Long xinh đẹp, người dân trên thành phố được mệnh danh là thủ đô than Cẩm Phả, Quảng Ninh trong đó có hàng vạn thợ mỏ có được khá nhiều ưu đãi như: những bãi tắm biển tự nhiên trải dài (Bãi Dài, Cao Sơn...); những suối nước khoáng nóng hiếm nơi nào có được (Khu vực suối khoáng Địa Chất, Quang Hanh); những hòn đảo trên Vịnh với cảnh quan sơn thủy hữu tình (Đảo Thẻ Vàng, Cống Tây, Quan Lạn, Cô Tô...)...
Nhưng có lẽ ưu đãi nhất là người dân thành phố mỏ này luôn có một nguồn hải sản tươi sống được những ngư dân đánh bắt hay nuôi bằng các bè cá trên vịnh Bái Tử Long. Hàng ngày, hàng ngàn ngư dân với hàng trăm chiếc tàu cá lớn nhỏ tỏa ra Vịnh để đánh bắt đủ các loại hải sản, để mỗi khi cập bến, cung cấp cho người dân đất mỏ, ngoài làm thực phẩm tiêu dùng còn làm quà, làm hàng buôn bán đi khắp nơi.
Cũng vì vậy, thành phố Cẩm Phả có một khu chợ hải sản riêng, còn gọi là chợ Bến Do. Chợ chỉ họp vào sáng sớm và cũng chỉ diễn ra trong vài giờ đồng hồ. Đem thắc mắc này trao đổi với ông Nguyễn Văn Thế - cựu thợ mỏ Công ty Than Thống Nhất đã nghỉ hưu - người đã sinh sống trên vùng đất này lâu năm, được ông cho biết, đa phần ngư dân đi đánh cá vào ban đêm như câu mực, thả lưới, thả các loại dụng cụ đánh bắt… vì vào ban đêm cá hay đi theo đàn. Khi trời rạng sáng, cũng là lúc các khoang cá đầy các loại tôm cá, cua ghẹ, ốc... Đây cũng là thời điểm các chợ trên địa bàn tiếp nhận hải sản về để bán buôn.
Trước đây, chỉ có những thương lái đến mua buôn, gọi là chợ đầu mối hải sản. Nhưng sau này, những người dân đất mỏ cũng dành thời gian dậy sớm đi chợ, một phần do là chợ đầu mối nên giá hải sản rẻ hơn khá nhiều, một phần vì hải sản còn tươi ngon do thời gian từ lúc đánh bắt đến lúc vận chuyển vào chợ chỉ vài giờ. Phần nữa, cũng do đặc thù công việc của người dân đất mỏ. Công nhân vùng mỏ Cẩm Phả phải đi làm ca từ sớm, vì vậy các chị, các mẹ thường tranh thủ thời gian ra chợ mua thức ăn cho gia đình trong cả một ngày trước khi lên xe đi làm. Lâu ngày, khu chợ trở lên đông đúc vào mỗi sáng.
Người thì gọi là chợ cá Bến Do, có người gọi là Chợ cá Thợ mỏ, bởi không ít những người thợ mỏ trên thành phố Cẩm Phả đến đây mua hải sản hàng ngày. Ông Thế bảo, thời xa xưa, chợ cá Bến Do còn có tên gọi khác là chợ Lội do tàu thuyền không thể cập bờ. Tiểu thương phải lội nước biển ra xa để mang tôm cá vào. Thời đó, cả khu vực Bến Do còn mênh mông trong biển nước với những bãi sú vẹt. Tàu bè phải đỗ từ xa, tuy không nhiều nhưng cũng đã tập trung thành một khu vực khá trật tự nên còn gọi là bến.
Điều đáng nói là, từ nhiều năm nay, đóng góp vào vựa hải sản của vùng mỏ Cẩm Phả còn có lượng cá song nuôi bè của cán bộ công nhân Xí nghiệp Xếp dỡ thuộc Công ty CP Vật tư - TKV. Do đặc thù thường xuyên phải sống và làm việc trên các tàu thuyền tại khu vực chuyển tải than trên cảng Hòn Nét, những người thợ bốc xếp của đơn vị đã nảy ra ý tưởng nuôi bè cá song. Vừa kết hợp công việc chính là bốc xếp than chuyển tải trên cảng, họ vừa kết hợp thay nhau chăm sóc bè cá những lúc rảnh rỗi. Vậy mà, với sự ưu đãi của thiên nhiên, sự chăm chỉ và khéo léo của những người thợ xếp dỡ, mỗi năm, đơn vị cho thu hoạch hàng tấn cá.
Ngoài việc đóng góp một lượng hải sản không nhỏ vào tiêu thụ tại các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố, có nhiều năm, cá song do đơn vị nuôi còn được Tập đoàn và các đơn vị dùng làm quà gửi đến cán bộ công nhân viên vào những dịp lễ Tết. Nhiều gia đình trước Tết cho vào tủ con cá song 3 đến 4 kg, ăn cả cái Tết vẫn chưa hết.
Ngoài ra, dọc theo bờ vịnh Bái Tử Long từ trung tâm thành phố Cẩm Phả (Khu vực bến Do) cho đến Cao Sơn, Cửa Ông, Vân Đồn... từ trên bờ nhìn xuống cũng có thể dễ bắt gặp những bè cá của ngư dân. Ngư dân nuôi cá cũng có, mà những người thu mua cá làm thành bè bán tại biển cũng có. Những bè hải sản được thu mua từ chợ cá đầu mối Bến Do đủ loại được thả bơi tươi nguyên để phục vụ khách ăn ngay tại bè. Những con cá, tôm, cua ghẹ... được chế biến tại chỗ lại càng làm cho hương vị thêm hấp dẫn.
Nhiều người đi khắp các vùng miền biển trên cả nước và thưởng thức nhiều hải sản ở các nơi, nhưng vẫn tâm đắc một điều là hải sản vùng biển Quảng Ninh ăn ngon và đậm đà hơn hải sản tại các vùng miền khác. Do vậy, chợ cá Thợ mỏ thường được nhiều người đến mua làm quà mỗi khi có dịp đến với thành phố mỏ. Cũng không ít gia đình trên vùng mỏ có con cái, người nhà ở xa thường đóng gói gửi hải sản để làm thực phẩm ăn hàng ngày. Khi nào thấy tủ vơi hải sản lại điện về để được cung cấp. Hải sản đối với người dân đất mỏ nói chung và những người thợ mỏ nói riêng đã trở thành những vị quê không thể thiếu ngay cả phải đi công tác xa nhà. Cũng vì vậy, chợ cá Thợ mỏ đã trở thành một điều rất đặc biệt, thân quen với những người dân đất Mỏ. Một góc bình dị, đời thường, hòa chung vào nhịp thở cuộc sống của con người nơi đây. Chợ có nguồn hải sản phong phú với đầy đủ các loại cá, tôm, và cả những đặc sản mà nhiều địa phương khác không có. Chỉ sau 8 giờ sáng là chợ bắt đầu vãn, thay vào những tiếng ồn ào, rộn rã, râm ran, chợ cá.
Nếu có dịp đến với Cẩm Phả - Quảng Ninh, hãy nhớ một lần đi chợ cá từ sáng sớm, đứng trước biển đắm mình vào làn gió trong lành, nhìn những con người đang hăng say lao động, bạn sẽ có được một dấu ấn về vùng đất Mỏ đậm sâu, khó có thể phai mờ.
Vượt biên lao động "chui": Những hậu hoạ khó lường Lao động vượt biên trái phép sang nước bạn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong quá trình làm thuê ở nước ngoài, nhiều trường hợp ... |
Nhếch nhác dịch vụ du lịch tự phát ở làng biển Nam Ô Từng là một trong những làng biển đẹp nhất miền Trung, nhưng tiếc thay, cơn lốc du lịch đã cuốn làng biển này đi như ... |
Xuôi ngược biển khơi Xuôi ngược trên biển luôn tạo ra nhiều cảm xúc. Lúc bình minh lên rải ánh nắng vàng trên nòng súng; con tàu đẹp như ... |
Ly kỳ chuyện đi săn loài cá cuộng trơn nhớt ở biển Minh Châu Đến Minh Châu (xã Minh Châu, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) mùa này không chỉ là mùa đốt đèn câu mực hút khách, mùa ... |
Làng chài đẹp nhất Nam trung bộ nằm ở đâu? Làng chài bên chân núi Sơn Trà vẫn giữ cho mình được sự nhộn nhịp trong cuộc sống mưu sinh của các ngư dân gắn ... |