Chính phủ Lào đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp Việt
Lào - điểm đến đầu tư tiềm năng
Trong 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung hiếm có. Đặc biệt, sau khi hai nước ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (1977), quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam tiếp tục được vun đắp và phát huy, ngày càng đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Lào luôn tăng cường xúc tiến và phát triển thương mại biên giới và dịch vụ thương mại kết nối với logistics quá cảnh với Việt Nam.
Hiện nay, Lào là quốc gia đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 237 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,34 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước đầu tư tại Lào (sau Trung Quốc và Thái Lan). Mối quan hệ chính trị, tình cảm tốt đẹp là nền tảng vững chắc để hai nước triển khai các hoạt động hợp tác kinh tế.
Các dự án đầu tư của Việt Nam có mặt tại hầu khắp các vùng miền của Lào, thuộc nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, viễn thông, dịch vụ, y tế, nông lâm nghiệp... Nhiều dự án đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, có đóng góp nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của Lào và được Chính phủ Lào ghi nhận, đánh giá cao. Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone khẳng định, đầu tư Việt Nam tại Lào góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước Lào.
Tham tán Kinh tế - Thương mại, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam Sonechan Phoutthavong cho biết Chính phủ Lào luôn dành những ưu đãi đặc biệt cho DN Việt. Ảnh: Quách Sơn |
Theo Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, hiện nay Lào đang nỗ lực để triển khai các biện pháp để doanh nghiệp, người dân thích ứng trong tình hình mới. Đồng thời tập trung phát triển tận dụng thế mạnh tiềm năng để thu hút, vận động các thành phần kinh tế trong và ngoài nước quan tâm đầu tư vào Lào. Chính phủ Lào cũng cố gắng cải thiện các điều kiện về cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối với các quốc gia trong khu vực, củng cố dịch vụ vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy các ngành liên quan như dịch vụ, du lịch, thu hút nhiều nhà đầu tư đến làm ăn, kinh doanh hơn nữa.
“Chính phủ Lào cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào được thuận lợi hơn nữa; đồng thời mong muốn sẽ đón nhiều doanh nghiệp Việt Nam đến Lào đầu tư nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế tương xứng với mối quan hệ hai nước”, Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhấn mạnh.
Ngoài ra, hai nước đã phối hợp thực hiện ưu đãi thuế nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ hai nước cũng như danh mục hàng hóa được miễn thuế 0%, thể hiện kim ngạch thương mại giữa Lào - Việt Nam có sự tăng trưởng đáng chú ý. Thành công của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh tại Lào đã và đang kích thích các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong các lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, hàng không… chuyển hướng đầu tư sang Lào ngày một nhiều hơn.
Dư địa khai thác lớn
Hiện tại, hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Lào đã có ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng như: nông nghiệp, năng lượng, sản xuất, phân phối các hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu, hàng tiêu dùng; cung ứng các dịch vụ quan trọng n hư ngân hàng, du lịch, khách sạn, trung tâm thương mại…. Các hoạt động đầu tư trên một mặt mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng giúp tạo nền tảng, cơ sở cho việc thành lập các ngành công nghiệp trong tương lai của Lào.
Dân số Lào ổn định, trẻ (50% dưới 25 tuổi và 60% dưới 35 tuổi), GDP tăng trưởng tốt; thu nhập khả dụng tăng, tầng lớp trung lưu đang mở rộng; Chính phủ Lào cũng đặt mục tiêu trở thành “nguồn năng lượng cho Đông Nam Á” thông qua các hoạt động khai thác các nguồn năng lượng tái tạo bền vững…. Đây chính là tiềm năng cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Việt Nam.
Ông Đỗ Quốc Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương nhận định, Lào hiện nay là đối tác thương mại đứng thứ 7 của Việt Nam trong khối ASEAN (kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ cao hơn kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Myamar; Việt Nam và Brunei). Quy mô thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Lào không ngừng được mở rộng.
Trong các năm qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các bộ ngành đối tác phía Lào, đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thương mại giữa hai nước. Hai bên đã hoàn tất việc đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào (năm 2015); Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào ký năm 2015.
Với tiềm năng như vậy, dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác tiềm năng của phân khúc thị trường này còn rất lớn. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần chủ động tận dụng được các cơ hội từ thị trường, xây dựng chiến lược tuyên truyền quảng bá để nhanh chóng thâm nhập, khẳng định thương hiệu tại thị trường Lào.
Ông Đỗ Quốc Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương. Ảnh: Quách Sơn. |
Để khai thác tốt thị trường Lào, theo ông Đỗ Quốc Hưng, thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm, gia tăng xuất khẩu mặt hàng sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị dụng cụ, các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, thức ăn gia súc để tận dụng được làn sóng đầu tư vào thị trường Lào. Ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu mạnh từ Lào về Việt Nam gỗ và sản phẩm gỗ, than, khoáng sản… Đây chính là nguồn nguyên vật liệu chiến lược cho sản xuất công nghiệp - năng lượng của Việt Nam.
Chia sẻ kinh nghiệm khảo sát đầu tư tại Lào, bà Hứa Thị Bích Thu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến Thương mại Indochina Holdings cho biết: Lào đang có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư như lãnh đạo và người dân đều rất thân thiện; còn quỹ đất lớn, khí hậu tốt phù hợp phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch du lịch. Tuy nhiên là việc di chuyển giữa các vùng của Lào còn khá khó khăn do mạng lưới giao thông hạn chế.
Theo bà Hứa Thị Bích Thu, để thu hút các nhà đầu tư Lào cần tăng cường thông tin về các chính sách, dự án ưu tiên đầu tư; đồng thời, tập trung cải thiện mạng lưới giao thông, các tuyến đường kết nối giữa các vùng khác nhau và giữa Lào với các nước lân cận trong khu vực.
Sôi động Giải thể thao hữu nghị Việt Nam - Lào - Campuchia năm 2023 Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 3 vừa phối hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận và Ký túc xá sinh viên Lào tại TP.HCM tổ chức giải thể thao hữu nghị Việt Nam - Lào - Campuchia năm 2023. |
Thành đoàn Hà Nội tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ đoàn cơ sở và cán bộ đoàn Thành đoàn Viêng Chăn Ngày 24/11, tại Hà Nội đã diễn ra lễ tổng kết Lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ công tác Đoàn cho cán bộ đoàn Thành đoàn Viêng Chăn (Lào) khóa 2 và Lớp bồi dưỡng chức danh Bí thư Đoàn cơ sở khóa 5. |