Chính phủ đã hỗ trợ 81.000 tỷ đồng cho hơn 50 triệu lượt người
Ông Lê Văn Thanh cho biết, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp và người lao động vượt qua đại dịch COVID-19. Ví dụ như Nghị quyết 42 hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, trong đó có cả người nghèo, người lao động, người có công. Đặc biệt là Nghị quyết 68, với 12 nhóm chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, người lao động bị ngừng việc, người lao động bị thất nghiệp, trong đó có người lao động tự do, hỗ trợ doanh nghiệp. Tổng tất cả những chính sách này, hơn 50 triệu lượt người lao động và người dân đã được nhận hỗ trợ với tổng mức 81.000 tỷ đồng.
Các khách mời tham dự tọa đàm. Ảnh: VGP. |
Trả lời câu hỏi về việc tuy chính sách hỗ trợ rất tốt đẹp, nhưng có ý kiến nêu "lên tivi mà nhận", ông Lê Văn Thanh chia sẻ, qua khảo sát thực tế, về cơ bản các đối tượng đều đã thụ hưởng chính sách. Tuy nhiên, trong 12 chính sách thì chính sách cuối cùng dành cho đối tượng lao động tự do được giao cho địa phương căn cứ vào khả năng cân đối và đặc thù của từng địa phương để ban hành.
Tuy nhiên, thực tế là một số địa phương ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hoặc nguồn kinh phí hạn chế do dùng vào phòng chống dịch, hoặc nguồn kinh phí dự trữ hết, nên không ban hành chính sách hỗ trợ lao động tự do… vì thế một số lao động không nhận được.
Bộ LĐTB&XH đã làm việc với địa phương, yêu cầu khẩn trương chi trả theo danh sách đã được phê duyệt. Nếu kinh phí thiếu, cần lập dự toán để đề nghị Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ có thể bổ sung nguồn kinh phí cho địa phương, làm sao tất cả đối tượng đều có thể nhận được hỗ trợ.
Liên quan đến vấn đề nhà ở và việc giải ngân hỗ trợ nhà ở cho người lao động, Thứ trưởng Lê Văn Thành cho biết, do các địa phương mới hoàn thành phê duyệt kế hoạch, đến thời điểm hiện nay, khoảng 40 tỷ đồng mới được giải ngân cho hơn 10.000 lao động. Con số này còn nhỏ so với yêu cầu là 6.600 tỷ đồng cho gần 4 triệu lao động, vì đây là thời gian đầu. Thêm vào đó, do nhiều nơi muốn dồn ba tháng (4, 5, 6) lại nhận tiền 1 lần, nên làm còn chậm.
Bộ LĐTB&XH vừa đi đôn đốc một số tỉnh miền Trung, Nam, Bắc để làm sao trong tháng 6 cơ bản lập được hết danh sách. Đặc biệt, người lao động phải chủ động hơn trong việc hoàn thành các thủ tục để nhận hỗ trợ.
Hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập người nông dân
Cùng tham gia tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, tuy 5 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp đầy rẫy những khó khăn, như COVID-19, vấn đề thông cửa khẩu, đứt gẫy chuỗi cung ứng, đứt gẫy nguồn nguyên liệu nhập khẩu vật tư đầu vào, nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt 23,2 tỷ USD, nhập khẩu 18,1 tỷ USD, xuất siêu 5,1 tỷ USD. Bước sang năm 2022, ngành NN&PTNT đặt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm thủy sản đạt 50 tỷ USD.
"Để đạt được kết quả đó, chúng tôi tự tin trong việc cấu trúc nền nông nghiệp, hay chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Những phản ứng kịp thời, đúng và trúng đã tạo nên nét chấm phá của kinh tế nông nghiệp, lấy thị trường để điều chỉnh lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, chứ không phải chúng ta bán cái gì mà chúng ta có", ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Phân tích rõ hơn, "tư lệnh" ngành NN&PTNT cho hay, nước ta không có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho người nông dân, nhưng chúng ta hỗ trợ thông qua thị trường để kích hoạt được thị trường, khi đó, khơi thông dòng chảy nông sản. Đây là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, tháo gỡ thị trường là quyết sách, điểm sáng nhất của Chính phủ. Nước ta đã đàm phán với Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia… và những nông sản của chúng ta bắt đầu tđến được các thị trường đó một cách tự tin.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng làm ăn manh nha, "buôn chuyến", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh cần lập một chiến lược tổng thể cho từng loại thị trường.
Một điểm sáng nữa là bảo đảm an ninh lương thực – vấn đề luôn được các quốc gia lấy làm trọng. Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, Việt Nam là một trong những nước giữ vững được an ninh lương thực quốc gia và thậm chí còn xuất khẩu gạo vào nhóm hàng đầu thế giới.
Để phát huy kết quả tích cực trên một cách bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, yêu cầu cấp thiết là phải tích cực nâng cao vị thế, không chỉ xuất khẩu vì kinh tế mà nâng cao vị thế với khẩu hiệu "Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm". Cùng với đó, nước ta phải cân đối xuất khẩu sản lượng, bảo đảm mục tiêu chuyển đổi nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cân đối giữa sản lượng, sinh thái, trách nhiệm, bền vững, làm sao dung hoà ngắn hạn, dài hạn, hướng tới nền nông nghiệp xanh.
Trong ngắn hạn, hướng tới mục tiêu xuất khẩu giá tốt, thu nhập người nông dân tương ứng tăng theo, không tăng sản lượng đánh đổi môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan định kỳ cùng nhau họp, nắm bắt thông tin, cân đối cung cầu trong nước, định mức xuất khẩu, thay đổi tư duy cách tiếp cận an ninh lương thực, bảo đảm cuộc sống gắn liền cơ cấu kinh tế trồng trọt.
Trong khi đó, đề cập đến Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi, một chương trình với nhiều các dự án, tiểu dự án rất đồ sộ, với vốn đầu tư công từ nay đến năm 2025 là 50.000 tỷ đồng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, việc giải ngân còn chậm. Để thúc đẩy hơn nữa vấn đề này, theo ông Hầu A Lềnh, cần ưu tiên tập trung cho việc hướng dẫn các địa phương, đặc biệt là cấp huyện, xã về hoàn thiện thủ tục đầu tư; huy động sức dân cùng tham gia, theo cơ chế giống như xây dựng nông thôn mới; huy động nguồn lực ngoài ngân sách của Trung ương, tức ngoài ngân sách Nhà nước,…