“Chinh phu – Chinh phụ” kể chuyện về những hòn vọng phu
Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 3 của nhà điêu khắc Thái Nhật Minh sau "Những con chim" (2013) và "Mùa sinh sản" (2014). "Chinh phu – Chinh phụ" được tác giả chuẩn bị trong 4 năm (2013 – 2016). Chất liệu chính được nghệ sĩ sử dụng lần này là đá, nhôm đúc, gỗ và sắt.
Chinh phu, chinh phụ là hình tượng phổ biến trong đời sống và văn hóa khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử Việt Nam, bao câu chuyện về những người lính ra đi mãi mãi không trở về, những người phụ nữ ôm con ngóng đợi người đi mòn mỏn, biến thành vọng phu trên khắp đất nước đã tác động sâu sắc tới tác giả.
Nàng chinh phụ bồng con hóa đá chờ chồng
Triển lãm “Chinh phu – Chinh phụ” của Thái Nhật Minh gồm 3 phần. Phần 1 gồm 63 tượng đá trắng khắc họa hình ảnh người chinh phụ ôm con, hóa đá chờ chồng, đơn côi lạnh lẽo trong chiếc bóng cô đơn bằng sắt. Nỗi nhớ và sự mỏi mòn cứ dài mãi trong không gian. Những bức tượng chinh phụ thể hiện nhiều cảnh đời và tâm trạng, từ niềm vui, nỗi buồn, lo lắng, hy vọng... cho đến sự yên bình, nỗi bi thương.
Chất liệu đá trắng tựa như những “vọng phu thạch”, đồng thời gợi lên sự trong trắng, tinh khiết, cứng rắn nhưng cũng dễ bị tổn thương. Hình ảnh sự chờ đợi của người chinh phụ được lặp đi lặp lại xuyên suốt hai không gian của phòng triển lãm, dường như vô vọng nhưng không có điểm kết thúc.
Phần 2 gồm khoảng 150 tượng kim loại chia làm 21 đoàn chiến binh, đặt trên các mũi lao khắc họa hình ảnh những đoàn chinh phu một đi không trở lại.
Hình ảnh chinh phu
Phần 3 là một sắp đặt với vô vàn những mảnh vỡ bằng kim loại cho thấy sự hoang tàn và khốc liệt khi cuộc chiến đi qua. Dù vậy khát vọng về một sự bình yên vẫn không bao giờ nguôi trong mỗi người chinh phu, chinh phụ.
Thông qua triển lãm, tác giả mong muốn bày tỏ sự cảm thông, suy nghĩ về thân phận, tình người khi tự đặt mình vào vị trí của những người chinh phu, chinh phụ và hơn hết là một sự tri ân, ngưỡng vọng của người nghệ sĩ.