Chia sẻ thông tin về Hội nghị đoàn kết với Cuba
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam: Từ ngày 8 đến ngày 9/9/2015, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ phối hợp với Viện Cuba hữu nghị với các dân tộc (ICAP) tổ chức Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương đoàn kết với Cuba lần thứ VII (Hội nghị 7) tại thủ đô Hà Nội, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Hội nghị lần này sẽ thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các tổ chức, cá nhân đoàn kết với Cuba của 20 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số khu vực khác trên thế giới (trong đó có khoảng 150 đại biểu quốc tế).
Bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chia sẻ thông tin với báo chí.
Cùng với các Hội nghị khu vực của các châu lục khác, Hội nghị khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đoàn kết với Cuba là sự kế tiếp của Hội nghị thế giới đoàn kết với Cuba lần thứ I ở La Habana tháng 11/1994. Mục tiêu là mở rộng các phong trào đoàn kết quốc gia và các ủy ban trong khu vực để tập hợp các lực lượng đấu tranh ủng hộ Cuba bảo vệ độc lập, hòa bình và tiến bộ xã hội.
Tính đến nay đã có 6 Hội nghị khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần lượt được tổ chức tại: Calcutta- Ấn độ (1995), Hà Nội - Việt Nam (1997), Chennai - Ấn Độ (2006), Colombo - Sri Lanka (2008), Vientian - Lào (2010) và Colombo- Sri Lanka (2012).
Hội nghị khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Hà Nội - Việt Nam năm 1997.
Đây là lần thứ 2 Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đoàn kết với Cuba. Mục đích chính là bày tỏ sự ủng hộ, tình đoàn kết thủy chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với Đảng, nhà nước và nhân dân Cuba trong sự nghiệp chính nghĩa bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời góp phần quảng bá và giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội nghị lần II.
Theo Ban tổ chức, Hội nghị lần này tập trung thảo luận các nội dung chính như: Vai trò của các tổ chức đoàn kết, hữu nghị với Cuba trong việc yêu cầu dỡ bỏ bao vây, cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính chống Cuba – rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của đất nước Cuba. Các hình thức tăng cường phong trào đoàn kết với Cuba thông qua sử dụng phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền về hiện thực đời sống kinh tế - xã hội và chính trị của Cuba. Trao đổi ý kiến về kinh nghiệm trong việc thúc đẩy và tăng cường các biện pháp đoàn kết với nhân dân Cuba cũng như sự cần thiết có thêm sáng kiến, phương thức mới phù hợp với từng thời kỳ.
Thái Thịnh