Chìa khóa ngôn ngữ mở cánh cửa đến xứ sở "nghìn lẻ một đêm"
Hiểu nhau qua ngôn ngữ
Phạm Ngọc Khánh (khoa Lịch sử) kể, "Ey Iran" do Hossein Gol-e-Golab viết lời và Rouhollah Khaleghi phổ nhạc. Vào những năm 1940 khi đất nước Iran bị xâm lược, lòng yêu nước đã thôi thúc Gol-e-Golab viết bài hát này.
"Bài hát có đoạn điệp khúc: cuộc sống của chúng ta sẽ không còn ý nghĩa nữa khi đất nước không còn tồn tại. Lời bài hát dài, khó nhớ đối với những người mới bắt đầu học ngôn ngữ Ba Tư. Em và các bạn đã tập suốt 2 tuần, chưa kể thời gian tự tập thêm ở nhà", Khánh nói.
Các sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) biểu diễn ca khúc "Ey Iran" tại lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Iran (Ảnh: Thu Hà). |
Trước đó Khánh được bạn rủ tham gia khóa học văn hóa và ngôn ngữ Ba Tư do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp với Đại sứ quán Iran tại Việt Nam tổ chức. Lớp học miễn phí cho em những kiến thức cơ bản về văn hóa và ngôn ngữ Ba Tư, đồng thời trang bị các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết tiếng Ba Tư cơ bản để Khánh có thể giao tiếp, đọc hiểu các hội thoại, bài viết đơn giản.
"Cô giáo đã truyền cảm hứng học cho chúng em qua những câu chuyện kể về văn hóa, lịch sử Iran. Em cũng học thêm trên Youtube bằng cách xem các chương trình dạy ngữ pháp cho người bắt đầu, các bộ phim hoạt hình Iran, nghe đọc thơ, kể chuyện bằng tiếng Ba Tư", Khánh kể.
Khánh nói muốn giao tiếp tốt để đến thành phố Esfahan (Iran) du lịch, tận mắt chiêm ngưỡng các nhà thờ Hồi giáo cổ kính ở đây.
Trong khi đó, Vũ Hoàng Long (khoa Đông phương học) học tiếng Ba Tư vì yêu thích văn hóa xứ sở "nghìn lẻ một đêm" và phong cách ngoại giao của Iran. Long học tiếng Ba Tư từ tháng 12/2022 và đang bắt đầu học lớp trung cấp.
"Lãnh thổ Iran có hình dáng gần giống con mèo. Đây cũng là vật nuôi quen thuộc của người Iran. Con mèo dù bị ném xuống đất theo hướng nào cũng sẽ tiếp đất an toàn, nhẹ nhàng trên 4 chân, giống như phong cách ngoại giao của Iran: uyển chuyển, khéo léo, cởi mở với cái mới nhưng kiên định giữ vững lập trường", Long cho biết.
Theo Long, tiếng Ba Tư khó nhất ở từ vựng. Tiếng Ba Tư dùng bảng chữ cái tiếng Ả rập, khi ghép các từ đơn lại thì sẽ lược bỏ các nguyên âm đi, vì vậy thời gian đầu em gặp nhiều khó khăn trong việc đọc đúng các nguyên âm.
Các bạn trẻ muốn tìm hiểu văn hóa Ba Tư hoặc học tiếng Ba Tư thường gặp khó khăn vì không được tiếp cận thông tin dồi dào. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm bản thân, Long cho biết các bạn có thể tìm kiếm các cộng đồng trên mạng xã hội như cộng đồng du học sinh Iran, cộng đồng người yêu thích văn hóa Ba Tư, hoặc học các khóa học online trên các nền tảng như Coursera, FutureLearn… Các khóa học này miễn phí tuy nhiên hầu hết dạy bằng tiếng Anh.
Thêm cơ hội đến với Iran
Cách đây 16 năm, Phòng Iran (Iran Chamber) tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) được thành lập. Đây là món quà của Chính phủ Iran tặng trường. Phòng có chức năng tổ chức các sự kiện trao đổi học thuật, giảng dạy, phục vụ hoạt động nghiên cứu, góp phần thúc đẩy việc học tập văn hóa, ngôn ngữ Iran tại Việt Nam.
Đại sứ Iran tại Việt Nam Ali Akbar Nazari dự một buổi học tiếng Ba Tư tại khoa Đông phương học hồi tháng 10/2022 và trò chuyện với các em sinh viên bằng tiếng Ba Tư (Ảnh: ussh.edu.vn). |
Tôi là một trong ba người Việt đầu tiên du học Iran theo học bổng của Chính phủ Iran. Trong quá trình học, điều tôi ấn tượng nhất ở người dân Iran là lòng hiếu khách, thân thiện, nhiệt tình. Đó là bản tính của người Iran nhưng họ nhiệt tình, hiếu khách hơn nhiều với người Việt Nam vì người Iran cảm mến sự kiên cường chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc của người Việt Nam. Lòng hiếu khách đó được thể hiện qua những hành động cụ thể như: họ thường xuyên mời bạn đến nhà; nếu bạn hỏi đường, họ sẵn sàng lấy xe chở bạn đến nơi cần đến, cho dù họ không biết bạn là ai. Hồi giáo Iran có nhiều quy định nghiêm ngặt nhưng họ luôn cởi mở, thoải mái với người nước ngoài. Thạc sĩ Phạm Ngọc Thúy, giảng viên khoa Đông phương học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) |
Thạc sĩ Phạm Ngọc Thúy, giảng viên khoa Đông phương học, chương trình dạy tiếng Ba Tư do trường phối hợp với Đại sứ quán Iran thực hiện là hoạt động thường niên nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa hai bên. Sau một thời gian bị tạm dừng do dịch Covid-19, năm nay chương trình được mở lại.
Những người đang học tập, nghiên cứu liên quan đến Iran và các nước Trung Đông, các cá nhân yêu thích văn hóa - ngôn ngữ Ba Tư và các cá nhân có nhu cầu đều có thể tham gia khóa học. Học viên sau khi hoàn thành chương trình và nếu đáp ứng đủ các điều kiện của khoá đào tạo sẽ được trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Đại sứ quán Iran tại Việt Nam cấp chứng nhận.
"Thông qua khóa học, các em biết thêm một ngôn ngữ mới, có thêm một công cụ để tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa khu vực. Khóa học cũng mở ra cơ hội du học Iran cho các sinh viên. Hàng năm, Iran cung cấp cho sinh viên Việt Nam nhiều học bổng ở bậc đại học, thạc sỹ với mức hỗ trợ tài chính cao. Các em có thể đăng ký với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hoặc đăng ký trực tiếp với chương trình du học của chính phủ Iran.
Tuy các em có thể nộp hồ sơ bằng tiếng Anh nhưng việc tham gia khóa học tiếng Ba Tư tại Việt Nam trước khi du học sẽ giúp các em tiết kiệm thời gian học tiếng khi sang Iran, nhanh chóng được học các môn chuyên ngành. Nhiều sinh viên tốt nghiệp các khóa trước hiện đã có cơ hội học tập tại Iran", Thạc sĩ Phạm Ngọc Thúy nói.
Theo cô Thúy, tiếng Ba Tư là một ngôn ngữ khó, cần nhiều thời gian luyện tập, thực hành. Tiếng Ba Tư đọc từ phải sang trái, ngược lại so với tiếng Việt nên thời gian đầu người học sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng tiếng Việt có mọi âm tiết mà tiếng Ba Tư có, do vậy việc học nói sẽ bớt vất vả hơn.