Chỉ nhờ 1 người Trung Quốc, Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân dễ dàng đến không ngờ
Ngày 22/8, các luật sư liên bang Mỹ đã đệ trình một đơn kiện nhằm vào Triều Tiên trong đó tiết lộ nhiều chi tiết cho thấy sự can dự gián tiếp của một doanh nhân Trung Quốc vào chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo đó, Chi Yupeng - nhân viên kế toán 48 tuổi người Trung Quốc đã điều hành một mạng lưới công ty nhập khẩu khối lượng lớn than đá trị giá 700 triệu USD từ Triều Tiên trong những năm gần đây.
Đổi lại, các công ty của Chi đã chuyển về Triều Tiên hàng loạt sản phẩm, từ điện thoại di động, đường, các mặt hàng xa xỉ nhưng quan trọng nhất chính là các bộ phận tên lửa và thiết bị hạt nhân.
Đầu mối giao dịch trọng yếu
Chi tiết về mạng lưới kinh doanh của Chi được tiết lộ trong đơn kiện cho thấy, một doanh nhân Trung Quốc có thể dễ dàng tránh được các lệnh trừng phạt Triều Tiên như thế nào và mức độ quan trọng mà các giao dịch này đóng góp cho sự phát triển kho vũ khí của Triều Tiên.
Theo hãng phân tích dữ liệu thương mại toàn cầu Panjiva, Công ty kim loại Zhicheng Đan Đông (Dandong Zhicheng Metallic Material), một trong những công ty của Chi Yupeng, chính là doanh nghiệp nhập khẩu than lớn nhất từ Triều Tiên, chỉ trong năm 2016 đã đem về cho Bình Nhưỡng 234 triệu USD.
Bất chấp những kiểm tra nghiêm ngặt trên toàn cầu về thương mại than của Triều Tiên, giao dịch liên quan đến các công ty của Chi Yupeng tại Trung Quốc và Triều Tiên vẫn tiếp tục hoạt động cho tới tận tháng 6 năm nay.
"Các công ty của Chi Yupeng chiếm tới 10% lượng than nhập khẩu từ Triều Tiên năm ngoái. Con số đó đủ cho thấy quy mô hoạt động của họ", David Thompson, chuyên gia phân tích cao cấp của C4ADS, một tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu về các mạng lưới bất hợp pháp và có những tìm hiểu chuyên sâu về các doanh nghiệp của Chi Yupeng.
"Điểm thực sự quan trọng ở đây là quy mô lớn mà các công ty lẩn tránh trừng phạt này đang hoạt động cũng như quyền tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế mà họ đã tạo ra cho Triều Tiên".
Dựa một phần vào thông tin của 3 nguồn tin bí mật và 2 người Triều Tiên đào tẩu không được tiết lộ danh tính, đơn kiện của các luật sư liên bang Mỹ đệ trình hôm 22/8 đã yêu cầu tịch thu 4 triệu USD từ các công ty của Chi Yupeng và trên 100 triệu USD từ các khoản trừng phạt khác.
Một trong hai người đào tẩu mà các luật sư Mỹ dựa vào để khai thác thông tin dường như có một vị trí rất tốt ở Triều Tiên. Đây là người có hiểu biết tường tận về "Văn phòng 39", một tổ chức lưu giữ tài chính cho nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Theo nhân chứng này, Quân đội Triều Tiền giữ quyền kiểm soát khối lượng than khai thác cũng như xuất khẩu, và ông Kim Jong Un đã chi tới 95% ngoại tệ thu được từ xuất khẩu than cho các chương trình quân sự và vũ khí của Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã chỉ đạo sản xuất thêm nhiều động cơ tên lửa nhiên liệu rắn trong chuyến thị sát Viện Vật liệu Hóa học ngày 23/8/2017. Ảnh: Chicago Tribune
Là một nhà nhập khẩu than lớn, Chi Yupeng giữ vai trò là đầu mối liên lạc trọng yếu với chính quyền Triều Tiên.
Nhân vật đào tẩu trên cũng cho biết, "Bình Nhưỡng chỉ dựa vào một nhóm tương đối nhỏ những cá nhân đáng tin cậy để cung cấp cho chính phủ Triều Tiên những dịch vụ theo yêu cầu" và Chi là một trong số những cá nhân đó.
Theo các luật sư liên bang Mỹ, nhân vật đào tẩu thứ hai, người được cho là cũng nắm giữ những thông tin bí mật về xuất khẩu than của Triều Tiên cho Trung Quốc, đã chứng thực phần lớn những gì người thứ nhất khẳng định.
Dandong Zhicheng Metallic Material được Chi Yupeng thành lập năm 2005 và vài năm gần đây trở thành công ty nhập khẩu than lớn nhất từ Triều Tiên.
Danh tính của Chi không được biết đến nhiều nhưng doanh nhân này có tên trong danh sách các cựu sinh viên của Đại học Bohai, Trung Quốc, nơi ông ta tốt nghiệp năm 1990.
Phương thức lách trừng phạt
Theo đơn kiện, các công ty của Chi Yupeng đã sử dụng 2 biện pháp khác nhau để tránh bị phát hiện vì vi phạm các lệnh trừng phạt thương mại.
Ở biện pháp thứ nhất, thay vì giao dịch tiền qua lại – cách thức thường đòi hỏi phải sử dụng tới ngân hàng và có nguy cơ bị phát hiện cao, mạng lưới của Chi Yupeng đã sử dụng một hệ thống trao đổi thay thế. Nghĩa là, Triều Tiên sẽ cung cấp than cho Chi Yupeng còn Chi Yupeng sẽ cung cấp trở lại những hàng hóa theo yêu cầu, tất cả mọi thứ, từ đường cho tới thiết bị vũ khí.
Phương thức thứ hai liên quan trực tiếp tới các công ty tuyến đầu. Những công ty này cho phép mạng lưới của Chi, dù liên tục bị Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt, sử dụng các ngân hàng Mỹ trong làm ăn với Triều Tiên.
Các ngân hàng có thể phát hiện và ngăn chặn những giao dịch dính líu đến các hoạt động kinh doanh bị cấm vận nhưng họ thường để lọt những giao dịch của các công ty khác có liên quan vì chúng hoạt động dưới một cái tên khác.
Chính vì những giao dịch của Mỹ liên quan tới các công ty của Chi nên ngày 22/8 Bộ Tư pháp nước này mới tìm cách thu giữ 4 triệu USD trong quỹ. Số tiền này đang được lưu trong các tài khoản Mỹ.
"Những công ty tuyến đầu này đang hỗ trợ cho các thực thể Triều Tiên bị cấm vận, gồm cả quân đội và các chương trình vũ khí của Triều Tiên", luật sư Channing Phillips cho biết trong một tuyên bố về vụ kiện pháp lý.
Trung Phạm