Chấp nhận chống lại thương hiệu giày của con gái Tổng thống Trump, việc làm cho người dân chính là thứ mà Trung Quốc đang cố gắng bảo vệ
Adam Minter là một nhà bình luận của chuyên mục Bloomberg View. Ông là tác giả của cuốn “Junkyard Planet: Travels in the Billion-Dollar Trash Trade". Bài viết sau đây thể hiện quan điểm của tác giả.
Gần đây, một nhóm hoạt động cho biết rằng một điều tra viên của họ đã bị bắt và hai người khác đã biến mất trong khi tiến hành cuộc điều tra bí mật về hành vi vi phạm quy định sử dụng lao động tại nhà máy giày thuộc tập đoàn Huajian, Trung Quốc. Nhà máy này sản xuất ra khoảng 20 triệu đôi giày mỗi năm cho một số thương hiệu hàng đầu thế giới. Nhưng trong vài tháng gần đây, nó trở nên nổi tiếng bởi một khách hàng khá nhỏ: thương hiệu giày của Ivanka Trump.
Nhìn chung vụ việc này vẫn còn chưa rõ ràng. Nhưng tôi dám chắc rằng: nó không liên quan nhiều đến cô con gái của Tổng thống Trump. Thay vào đó, nhiều khả năng giới chức địa phương đã thực hiện một nỗ lực vụng về nhằm ngăn chặn bất ổn lao động và bảo vệ một ông chủ lớn trong bối cảnh rất nhiều nhà máy truyền thống ở Trung Quốc đang ốm yếu.
Đầu tiên hãy nhìn lại bối cảnh lịch sử. Từ những năm 1990, giày dép đã trở thành biểu tượng của sản xuất tiết kiệm chi phí mà các nhà máy của Trung Quốc hứa hẹn với những nhãn hàng toàn cầu. Đến giữa những năm 2000, hơn một nửa số giày trên thế giới được chuyển đến Trung Quốc, trong đó tiêu biểu là Đông Quản - quê hương của tập đoàn Huajian.
Tuy nhiên, vào khoảng năm 2008, ngành công nghiệp giày của Đông Quản đã dần dần suy giảm, với lý do xuất phát từ nhiều yếu tố bao gồm: khủng hoảng tài chính, dân số trong độ tuổi lao động suy giảm, chi phí lao động tăng và xuất hiện nhiều trung tâm sản xuất rẻ hơn ở các nước khác. Từ giữa năm 2012 đến năm 2016, thị phần giày dép toàn cầu của Trung Quốc đã giảm từ 74% xuống còn 65%.
Chỉ cần đến Đông Quản những ngày này sẽ thấy, những nhà máy đã từng có hàng nghìn lao động, giờ đây trống rỗng, hoặc chất đầy robot và nhiều loại tự động hóa khác. Một số nhà máy trong vùng từng bị bao vây bởi các cuộc biểu tình và đình công. Từ trước đến nay, chính phủ vẫn luôn theo dõi sát sao các cuộc xung đột lao động, thậm chí sẽ lên tiếng nếu người lao động có hành vi chống phá.
Một số nơi đứng ngoài xu hướng này, chủ yếu là vì người lao động tại đây sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn, trong đó có tỉnh Giang Tây - nơi nhà máy giày Ganzhou Huajian International Shoe City thuộc tập đoàn Huajian được thành lập. Trong số nhiều sản phẩm khác, nhà máy này sản xuất giày cho thương hiệu của Invanka Trump. Theo số liệu của công ty, hiện số công nhân làm việc tại đây là khoảng hàng nghìn người. Theo China Labor Watch, hiện nhà máy này đang bị cáo buộc sử dụng lao động làm việc quá giờ quy định, trả lương dưới mức tối thiểu và sử dụng thực tập.
Tuy nhiên, những lời cáo buộc đó (nếu đúng) cũng không phải là một điều bất thường. Có một bí mật giữa những nhà sản xuất Trung Quốc rằng các tỉnh ở sâu trong đại lục không được kiểm soát quy định chặt chẽ như các tỉnh ven biển. Nhiều cán bộ địa phương sẵn sàng chấp nhận lạm dụng lao động để đem lại việc làm cho người dân trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Nếu những công việc này di chuyển ra nước ngoài, tình trạng bất ổn đã lan tỏa khắp các khu sản xuất truyền thống của Trung Quốc (các tỉnh ven biển) cũng sẽ đến nội đại lục.
Để ngăn ngừa một viễn cảnh hỗn loạn như vậy, không bảo vệ thương hiệu Ivanka Trump - hay nói cách khác là đứng về phía nhà máy - gần như là động lực chắc chắn của chính phủ. Trung Quốc có rất nhiều cách hiệu quả hơn (và thận trọng hơn) để làm cho Tổng thống Donald Trump yêu mến (nếu họ muốn). Và động thái bắt giữ các nhà hoạt động không phải là cách để Trung Quốc giúp thương hiệu giày của con gái Tổng thống Trump đẩy mạnh tiếp thị. Ngược lại nó đã thu hút sự quan tâm của thế giới tới những điều kiện lao động lạm dụng ở Trung Quốc mà chính phủ quốc gia này chẳng hề muốn "khoe khoang".
Anh Sa