Câu trên biển đêm
Hơn 4 giờ chiều, nắng vaaẫn còn nóng khiến nhiều người tìm bóng mát. Tôi bước lên tàu cá QNg - 48957TS của 2 ngư dân Nguyễn Thành Phim và Võ Xuân Cẩm, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ), ra khơi buông lưới. Tàu nhổ neo rẽ sóng vươn khơi qua cửa biển Mỹ Á. Gió thổi lồng lộng. Lão ngư Võ Xuân Cẩm chép miệng: "Chú mày không quen sóng gió gặp bữa như thế này chắc say chết!". Những cơn sóng cao bổ vào tàu như muốn đẩy ngược vào bờ. Ông Cẩm nắm chặt tay lái, kéo cần ga, tiếng máy nổ giòn, con tàu chồm lên như tuấn mã xông ra trận tiền. Tôi ngất ngây say sóng, ngoái nhìn vào bờ dần trôi xa tầm mắt. Tàu buông neo khi hoàng hôn nhuộm thẫm biển trời bao la. Sóng ầm ào vỗ vào thân tàu tung bọt nước trắng xóa.
Ngư dân câu cá nhỏ để làm mồi câu đêm. ẢNH: T.THY |
Mưu sinh trên sóng nước
Màn đêm dần buông. Con tàu trồi lên thụt xuống giữa sóng nước. Dàn đèn điện 2 bên mui tàu bật sáng rực rỡ làm vợi nỗi âu lo. Những ngôi sao lẻ loi nhấp nháy phía trời xa. Bạn chài nằm trên sàn tàu nhổm dậy bước ra boong. Trên tay họ là dụng cụ câu mực giản đơn nhưng khá hữu hiệu, có bữa kiếm được gần cả triệu đồng. Chiếc cần câu bằng cành tre dài gần 1m cùng sợi cước dài quấn vào ống tre hay bằng nhôm, nhựa láng bóng. Đầu sợi cước cột thỏi chì lởm chởm răng cưa quấn những sợi chỉ nhiều màu trông thật bắt mắt. Hai con tôm giả bằng nhựa sơn màu như thật được gắn với sợi dây ngắn buộc vào cước làm mồi câu. Phía đuôi tôm giả gắn lưỡi câu mũi nhọn hoắt để móc họng những con mực háo ăn. "Có khi, mực dùng những sợi râu quấn chặt thỏi chì cuộn chỉ nhiều màu vì nhầm tưởng là mồi, đến lúc kéo lên khỏi nước cũng không thả", một ngư dân cho biết.
Thợ câu ngồi trên boong tàu vẩy cần khá điệu nghệ. Hai con tôm giả cột vào sợi cước luồn qua chiếc khoen gắn đầu cần vút bay ra xa rồi rơi tõm xuống nước. Họ tháo dây cho hải lưu cuốn trôi ra xa và giật nhẹ để mồi giả tựa tôm thật di chuyển trong nước cuốn hút lũ mực. Thả hết cuộn dây, họ thu vào với những cú giật nhẹ rồi vẩy cần tung mồi sang phía khác. Xa xa, đèn trên tàu cá của ngư dân sáng lung linh tựa khung cảnh phố thị về đêm. Hồi lâu, vẫn chưa dính mực, một ngư dân quay sang chuyện trò: "Bữa nay sóng lớn quá nên cá, mực lặn đâu mất tăm. Nhiều bữa chong đèn sáng một chặp là cá, tôm, mực và cả rắn biển kéo đến xung quanh tàu bơi lượn, thấy rõ lắm". Các ngư dân vẫn kiên trì vẩy cần và thu dây bởi thuộc làu câu nói cửa miệng: "Nhất siêng, nhì may, ba hay làm mới đồ câu...". Đó là phải siêng năng thả câu cùng sự may mắn và phải làm mới dụng cụ câu để dụ cá, mực đớp mồi.
Ở tuổi 64, lão ngư Lê Thanh Chiến có hơn 30 năm lênh đênh trên sóng nước mưu sinh. Nắng gió biển khơi làm cho làn da ông sạm đen với nét đặc trưng của cư dân miền biển. Bao đêm, ông cần mẫn ngồi câu để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Gặp bữa may mắn, ông câu được nhiều mực, vui khôn tả. Đêm tôi ra biển, ông ngồi mỏi lưng trên boong tàu, tay vung vẩy nhưng chẳng có cá, mực cắn câu. Ông vẫn tươi cười, thản nhiên: "Biển giã mà! Lúc có, lúc không là chuyện thường. Giờ già rồi nên đôi tay không dẻo như trước nữa, giật cước không nhịp nhàng như xưa. Dẫu vậy, tôi vẫn cố gắng thức để ngồi câu kiếm thêm chút ít. Những anh em trẻ câu giỏi lắm, có hôm kiếm được gần cả triệu đồng", ông Chiến tâm sự.
Quần nhau với... cá
Chưa đến 40 tuổi nhưng anh Nguyễn Thành Phim có hơn 20 năm vào lộng, ra khơi. Khi chưa là chủ tàu, anh thường ngồi câu dưới ánh đèn sáng tỏ vùng nước xung quanh. Đêm nọ, anh cùng một bạn chài kiên nhẫn giật cước chờ đợi cá cắn câu. Chợt sợi dây giật mạnh báo hiệu dính cá lớn khiến anh khá hồi hộp. Anh kéo rồi buông dây, đợi cho cá đuối sức. Cá khá lớn vùng vẫy tìm cách thoát thân. Sợi cước tưởng chừng sắp đứt. Anh Phim và người bạn cùng thúng chai rời tàu. Cước căng rồi lại chùng. Người và cá quần thảo hồi lâu. Khuôn mặt anh Phim và bạn chài đẫm mồ hôi trong đêm lạnh.
Phát hiện đấy là cá mú khá lớn, anh khấp khởi mừng thầm xen lẫn lo âu. Răng những con cá như thế từng cắn đứt tay, gây đau đớn cho nhiều ngư dân hành nghề câu trên biển. Anh cởi phắt chiếc áo thun đang mặt trên người quấn quanh bàn tay như võ sĩ đấu quyền anh chuẩn bị lao vào đối thủ. Thúng chai chao đảo trên sóng nước. Bạn chài khéo léo chèo thúng đến gần cá. Lựa thế thuận lợi, anh nhoài người đút trọn bàn tay vào mang cá kéo lên khỏi mặt nước rồi đưa vào lòng thúng chai. "Con cá mú bữa đó nặng hơn 11kg, bán được trên 1 triệu đồng. Em chia cho bạn chài giúp mình bắt cá vài trăm nghìn đồng", anh Phim chia sẻ.
Hơn 30 năm mưu sinh trên biển, ông Chiến luôn mang theo 2 bộ đồ nghề để câu cá và mực. Những lúc "mực chẳng ăn câu" thì ông lôi ống nhựa quấn sợi cước dài hàng chục mét để câu cá. Đầu sợi dây gắn thỏi chì cùng những lưỡi câu bén ngót. Mồi câu thường là cá nục gai tươi rói vừa vớt lên từ biển, món ăn khoái khẩu của những loài cá như cá mú, cá hố, cá thu... Có hôm biển vắng cá tôm. Nhiều ngư dân cuốn dây câu rồi vào sàn tàu nghỉ ngơi. Ông Chiến vẫn kiên nhẫn ngồi thả mồi rồi kéo dây câu. Gió khuya vờn đuổi nhau trên biển khiến da thịt lạnh tê tái. Tín hiệu cá giật chuyền từ sợi cước sang bàn tay sạm đen của ông Chiến sau bao ngày dầm mưa dãi nắng. Ông kéo căng sợi cước và phát hiện cá lớn cắn câu, lòng ngập tràn vui sướng. Tay ông lựa thế kéo rồi lại thả, sợi dây tới lui như chơi trò kéo co trong lễ hội. Hồi lâu, con cá thu hơn 4kg bị ông lôi lên khỏi mặt nước. "Lúc trước câu được nhiều cá lớn chứ giờ hiếm lắm. Mực cũng ít hơn xưa", ông Chiến nói.
Câu mực trên biển đêm. ẢNH: T.THY. |
Sẻ chia trên biển
Khó có thể phân biệt chủ tàu và bạn chài khi tiếp xúc với ngư dân ở làng chài ven biển Mỹ Á. Da của họ cùng sạm đen sau bao đêm ngày dãi nắng dầm sương, cùng mặc chiếc áo sờn vai, bạc màu theo năm tháng. Họ cùng làm mọi việc khi mưu sinh trên sóng nước. Trong những chuyến đi cùng các ngư dân, tôi thấy có một điều rất lạ, đó là chủ tàu không thả câu khi chong đèn dụ cá trong đêm tối. Chủ tàu theo dõi tín hiệu trên màn hình máy tầm ngư, dạo quanh boong nhìn vào vùng nước xung quanh tàu... hay nằm nghỉ ngơi trên sàn trước khi ra hiệu cho bạn chài buông lưới. "Cá, mực câu được bạn chài hưởng riêng, không tính chung vô chuyến đánh bắt. Lúc trước tôi cũng câu để kiếm thêm. Nhưng từ ngày có vốn hùn vào tàu và được chia phần nhiều hơn nên không câu nữa, để cho anh em tranh thủ kiếm thêm chút đỉnh", anh Phim thổ lộ.
Ông Cẩm nhắc nhở bạn chài cố gắng ăn uống để giữ gìn sức khỏe. Lời nói chân tình và pha chút đùa vui khiến mọi người cùng bật cười sảng khoái. "Mình đi làm ban đêm không được ngủ nên xuống sức lắm. Thức câu đêm ngồi cũng mỏi mệt. Vậy nên, anh em cố gắng ăn uống để lấy sức. Đừng có tiêu pha hoang phí, chứ ăn uống không nên tiết kiệm quá mức. Như vậy mới đảm bảo sức khỏe để làm việc", ông Cẩm nói.
Ở đầu sợi cước câu mực đều gắn thỏi chì nặng để lôi mồi câu xuống tận đáy. Ngư dân gọi là câu mực đất, bắt những con kiếm ăn tận bề mặt lớp cát dưới đáy biển. Câu cá cũng thế. Mồi câu di chuyển dưới tầng sâu, tránh cá tôm tầng nước trên cùng đang tung tăng bơi lượn dưới ánh đèn vàng rực rỡ trong đêm tối. "Câu như thế này chủ yếu là bắt cá, mực ở sâu chứ không dính những con tầng nước nổi. Như vậy sẽ không ảnh hưởng đến việc đánh bắt chung của cả tàu", lão ngư Lê Thanh Chiến tâm sự.
Biển đêm lộng gió. Bạn chài cần mẫn thả cần chờ cá cắn câu trước khi về bến khi bình minh ló dạng phía chân trời.
Hải đội 2 Biên phòng tỉnh Kiên Giang cứu 6 người dân gặp nạn trên biển Ngày 27/1, tin từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang cho biết, Hải đội 2 Biên phòng tỉnh Kiên Giang vừa ứng cứu kịp thời 6 người dân bị chìm tàu trên biển. |
Chính ủy cảnh sát biển thăm hỏi động viên các chiến sỹ trên tuyến biên giới biển đảo Ngày 1/2, (mùng 1 Tết Nhâm Dần 2022), Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam đã có mặt tại Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đón xuân cùng cán bộ, chiến sỹ trên đảo Phú Quốc. |
Trung Quốc tập trận ở Biển Đông vào ban đêm Thông báo mới được đăng trên website của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) nói rằng một cuộc tập trận diễn ra ở Biển Đông từ 23h ngày 1/3 đến 12h ngày 2/3. |