Cao Bằng mong muốn VUFO kết nối, giới thiệu các tổ chức phi chính phủ nước ngoài
Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh Tuấn Việt) |
Tham dự buổi làm việc, về phía VUFO có bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch VUFO; ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch VUFO; bà Đỗ Thị Kim Dung, Phó Trưởng Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM); ông Nguyễn Anh Dũng; Phó Trưởng Ban Địa phương, bà Trần Thị Xuân Oanh, Trưởng ban Ban Á - Phi (VUFO).
Về phía lãnh đạo tỉnh Cao Bằng có ông Lê Hải Hòa – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đàm Văn Eng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh; ông Đoàn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Ngoại vụ cùng đại diện Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.
Cao Bằng là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới phía Bắc, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài trên 300 km. Cao Bằng có 7 huyện biên giới và 40 xã biên giới. Dân số toàn tỉnh trên 53 vạn người trong đó có hơn 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống nhân dân nhìn chung còn nhiều khó khăn. Tính đến đầu năm 2021, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 28.660 hộ (22,06 %), cận nghèo là 18.819 hộ (15,25 %). |
Trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng luôn xác định công tác đối ngoại nhân dân, trong đó công tác PCPNN là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động đối ngoại của tỉnh. Nhằm phát huy tối đa lợi thế, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, quán triệt các cơ quan chuyên môn triển khai các văn bản của trung ương về công tác PCPNN. Đồng thời thông qua việc thành lập và duy trì hoạt động của Ban Công tác PCPNN tỉnh Cao Bằng tại Quyết định số 1971/QĐ-UBND ngày 15/10/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thành lập Ban công tác PCPNN tỉnh Cao Bằng (do 01 đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban) giúp định hướng công tác, xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ và thống nhất quản lý công tác PCPNN trên địa bàn tỉnh. Ban cũng đưa ra phương hướng vận động viện trợ, tìm kiếm các dự án, phi dự án và chương trình từ các tổ chức PCPNN một cách hiệu quả.
Trung bình hàng năm, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 17 tổ chức, cá nhân tài trợ hoạt động tại tỉnh duy trì ổn định từ năm 2016-2020 với ngân sách viện trợ từ 2-3 triệu USD/năm. Riêng năm 2021, có 10 tổ chức phi chính phủ, 01 cơ quan đại diện nước ngoài tài trợ, triển khai thực hiện 28 dự án, phi dự án với tổng ngân sách cam kết 1.441.700 USD, giá trị giải ngân thực tế 1.273.388 USD. |
Ông Lê Hải Hòa – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh Tuấn Việt) |
Trong giai đoạn 2016-2021, Cao Bằng đã phê duyệt, tiếp nhận tổng 59 dự án, phi dự án trên nhiều lĩnh vực và tiếp nhận, triển khai một số dự án do cơ quan trung ương là đối tác thực hiện.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Cao Bằng, những dự án do các tổ chức PCPNN triển khai trên địa bàn tỉnh đã có những tác động thiết thực, tích cực, đặc biệt tại các vùng khó khăn và đối tượng yếu thế, tương đối phù hợp với định hướng triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Người dân vùng dự án được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội, y tế, được hỗ trợ kỹ thuật, vốn và đa dạng hóa hoạt động sản xuất, sinh kế; hạ tầng xây dựng giao thông, trường học, khuyến nông, trường học, khuyến nông, khuyến lâm, chăm sóc sức khỏe cũng từng bước được cải thiện. Góp phần cải thiện mức sống, điều kiện làm việc và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người hưởng lợi vùng dự án. Bên cạnh đó, những vấn đề xã hội quan trọng như nhận thức của người dân về vấn đề cân bằng giới, quyền phụ nữ, trẻ em, kế hoạch hóa gia đình, phòng và chống các bệnh lây nhiễm xã hội.
Thông qua các hoạt động dự án, năng lực của cán bộ các cấp từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã được nâng cao một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Trình độ chuyên môn của các cán bộ tham gia các hoạt động dự án đã được nâng cao đáng kể qua đó góp phần thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, các kỹ năng mềm như: giao tiếp, lắng nghe, làm việc nhóm, tuyên truyền vận động của các cán bộ cơ sở cũng được cải thiện rõ rệt góp phần giúp người dân hiểu rõ hơn chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số làm tăng sự tin tưởng của người dân vào chính quyền và tham gia tích cực hơn vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thời gian tới, Cao Bằng ưu tiên vận động viện trợ cho các lĩnh vực: nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, đào tạo hướng nghiệp, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp tại khu vực nông thôn... Tỉnh cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng thẩm định dự án, gắn với chương trình, mục tiêu phát triển chung của tỉnh đảm bảo hiệu quả phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Nhân dịp này, thay mặt UBND tỉnh Cao Bằng, ông Lê Hải Hòa mong muốn VUFO kết nối, giới thiệu các tổ chức PCPNN.
Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga đánh giá cao công tác vận động viện trợ PCPNN của tỉnh Cao Bằng trong thời gian qua. Giá trị viện trợ PCPNN của Cao Bằng hiện nằm trong top 4 tỉnh cao nhất khu vực miền núi phía Bắc và nằm trong top 20 tỉnh có giá trị viện trợ cao nhất cả nước.
Trong thời gian tới, VUFO sẽ tổ chức các hội nghị tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác đối ngoại nhân dân trong đó lồng ghép việc bồi dưỡng công tác vận động, quản lý nguồn vốn viện trợ PCPNN cho cán bộ tỉnh Cao Bằng.
Theo bà Nguyễn Phương Nga, trong năm 2022, Việt Nam có nhiều hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị lớn, kỷ niệm các năm tròn, năm chẵn thiết lập quan hệ với các nước như Nga, Lào, Hàn Quốc... Chủ tịch VUFO hy vọng những cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân tại Cao Bằng sẽ thay đổi cách làm trong việc tổ chức các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, triển khai nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực, hiệu quả, từ đó mở rộng quan hệ đối tác, thúc đẩy việc kết nối với các quốc gia, doanh nghiệp, các tổ chức PCPNN...
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Đối với công tác vận động viện trợ PCPNN của tỉnh Cao Bằng, bà Nguyễn Phương Nga cũng đề nghị PACCOM báo cáo với Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN tập trung nguồn lực cho Cao Bằng và các tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc. Đồng thời đề nghị PACCOM chủ động tham mưu, tư vấn, hướng dẫn tỉnh Cao Bằng thay đổi cách làm, chủ động, lồng ghép ưu tiên của các tổ chức PCPNN vào mục tiêu của các dự án, nhằm thu hút tối đa nguồn lực.
Bà Nguyễn Phương Nga hy vọng trong thời gian tới, VUFO sẽ kết hợp cùng Cao Bằng tổ chức các hội nghị xúc tiến, vận động viện trợ PCPNN theo hình thức phù hợp với điều kiện dịch bệnh.