Cảnh báo đang mùa của bệnh dại nhưng chưa có thuốc đặc trị
Theo thông báo từ Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, gặp ở mọi lứa tuổi, hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vắc xin. Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh dại. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng, điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.
Huyết thanh kháng dại. Ảnh Nhandan.com.vn
Vì số lượng người mắc bệnh dại từ đầu năm tăng cao nên dư luận quan tâm đến việc, ngành y tế có đủ vắc xin phòng dại cho người dân tiêm phòng hay không? Ngày 9/5, đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế thông tin: Theo báo cáo của các đơn vị nhập khẩu, khả năng cung ứng vắc xin phòng dại trong năm 2018 là đủ cho nhu cầu tiêm phòng.
Trở lại trường hợp người phụ nữ tên Nguyễn Thị L., 40 tuổi, ở Bắc Giang, làm nghề kinh doanh, buôn bán, mổ chó, bị chó dại cắn và tử vong sau khi nhập viện Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu cho biết: Ngày 4/3 vừa qua, Bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị L. Người nhà bệnh nhân cho hay, một tháng trước nhập viện, trong khi bắt chó ở lồng để làm thịt, chị bất ngờ bị một con khác cắn vào chân. Con chó này cũng được làm thịt ngay hôm sau.
Bệnh nhân bị bệnh dại điều trị tại bệnh viện. Ảnh internet.
Sau khoảng 40 ngày, chị L. lên cơn dại và được chuyển đến Bệnh viện trong tình trạng hoảng loạn, sợ nước, sợ gió... Tối cùng ngày bệnh nhân đã lên cơn dại và tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp phân tích: “Chó mắc bệnh dại thường sống không quá một tuần. Nếu sau 10 ngày, con vật vẫn sống khỏe mạnh thì người bị cắn không mắc bệnh. Nếu chúng ốm rồi chết, bị giết hoặc chạy mất, người bị cắn cần ngay lập tức đi tiêm phòng”.
Bác sĩ cũng hướng dẫn người dân, bị chó tấn công, tổn thương hoặc ở vị trí đầu mạch, vùng mặt, cổ, bộ phận sinh dục…cần phải tiêm phòng ngay. Virus dại phát tán rất nhanh ở những bộ phận này. Thậm chí, nhiều trường hợp dù đã tiêm phòng, khi thuốc chưa kịp phát huy tác dụng, bệnh nhân đã tử vong.
Điều nhiều người quan tâm, chị L. đã tử vong, vậy những người ăn thịt con chó dại có nguy cơ mắc bệnh không? Theo bác sĩ Nguyễn Văn Kiên (y học dự phòng quân đội) thì: Bệnh dại không lây qua đường ăn uống. Có thể lây từ người sang người trong trường hợp tiếp xúc với nước bọt của người bị bệnh dại. Văn y thế giới mới ghi nhận một trường hợp lây bệnh dại từ người sang người qua con đường này.
Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược xác nhận với báo giới: Số lượng vắc xin phòng dại sử dụng trung bình mỗi năm khoảng 1.300.000 liều; lượng nhập khẩu vắc xin phòng dại năm 2017 khoảng 1.467.000 liều. Dự kiến, kế hoạch cung ứng vắc xin phòng dại trong năm 2018 là vắc xin Verorab khoảng 493.000 liều; vắc xin Abhayrab khoảng 1.400.000 liều; vắc xin Indirab khoảng 300.000 liều; vắc xin Speeda đã nhập khẩu 2.200 liều trong năm 2018 và nếu các cơ sở tiêm chủng có nhu cầu thì cơ sở tiếp tục nhập khẩu các lô tiếp theo.
“Như vậy, theo báo cáo của các công ty nhập khẩu, sản xuất thì khả năng cung ứng vắc xin phòng dại trong năm 2018 cho thị trường Việt Nam chỉ tính riêng Veorab, Abhayrab và Indirab (chưa bao gồm) Speeda là 2.193.000 liều - cao gấp 149% so với tổng số lượng vắc xin phòng dại đã nhập khẩu trong năm 2017 và cao gấp 169% so với số lượng vắc xin phòng dại sử dụng trung bình mỗi năm”, ông Đông phát biểu trên báo Nhân dân.
Theo Cục Quản lý Dược, vắc xin phòng dại được sản xuất bằng công nghệ sinh học với nhiều công đoạn phức tạp. Thời gian cần thiết trung bình cho sản xuất là từ 6-12 tháng. “Trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, vắc xin nói chung và vắc xin phòng dại nói riêng phải được cơ quan kiểm định có thẩm quyền của nước ngoài kiểm tra đáp ứng yêu cầu. Sau khi đã nhập khẩu vào Việt Nam, vắc xin phải được tiếp tục kiểm định bởi Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế đạt yêu cầu mới được đưa ra lưu hành, sử dụng”, ông Đông thông tin.
Theo Cục Quản lý Dược, do đặc thù vắc xin phòng dại là nhu cầu sử dụng phụ thuộc số lượng dân bị súc vật cắn. Vì vậy, việc tiên lượng, dự báo nhu cầu vắc xin phòng dại là tương đối khó khăn so với các loại vắc xin khác, trong khi đó, hợp đồng ký giữa các cơ sở cung ứng vắc xin với các đơn vị tiêm chủng đa phần là hợp đồng nguyên tắc, không có số lượng cụ thể nên khó khăn cho các cơ sở cung ứng trong việc cung cấp vắc xin, nhất là khi nhu cầu tăng.
Dấu hiệu của chó bị dại. Ảnh internet.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn, cào cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng, người dân phải rửa vết thương bằng nước sạch, đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại; sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn.
Y tế các tỉnh miền núi, vùng nông thôn cần tuyên truyền để người dân hiểu tác hại của bệnh dại, tiêm vắc xin phòng dại cho chó nuôi. Khi bị chó cắn, sơ cứu theo các bước hướng dẫn của ngành y, tuyệt đối không đến thầy lang xin thuốc, chữa bệnh dại bằng thuốc nam…
N.Hòa