Cẩn trọng trước hàng loạt thực phẩm “3 không” dịp Tết
Thời gian này, tiểu thương các chợ tại Hà Nội bắt đầu nhập hàng để bán mùa Tết Nguyên đán. Thực phẩm khô trên thị trường mùa tết rất đa dạng, như nông sản sấy (mít, chuối, khoai…), mứt tết, và các loại khô cá, bò, mực, măng, lạp xưởng…
Điều đáng nói, hầu hết thực phẩm khô đều được đựng trong túi bóng, phía trên chỉ để một tờ giấy ghi tên, loại hàng.
Thực phẩm khô bày bán ở chợ. (Ảnh minh hoạ)
Để chạy theo lợi nhuận, các tiểu thương không ngần ngại đưa những sản phẩm “3 không” (không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, không hạn sử dụng) xen lẫn những sản phẩm đạt chất lượng để bán cho người tiêu dùng.
Khi được hỏi, nhiều tiểu thương cho hay, đa số hàng khô là do người nông dân tự phơi khô rồi đem bán, chứ không phải do nhiều hãng sản xuất theo dây chuyền công nghiệp. Vì vậy, đương nhiên là nhiều mặt hàng giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, không có ngày sản xuất, hạn sử dụng…
Tại các chợ, có khá nhiều nơi thực phẩm khô bốc mùi, thậm chí bị mốc trắng. Thế nhưng, khi hỏi mua, các tiểu thương đều khẳng định: “Hàng mới về”.
Một tiểu thương kinh doanh mặt hàng thực phẩm khô cho biết: "khách hàng chẳng ai hỏi hàng có thương hiệu. Điều mà khách hàng quan tâm chỉ là hàng mới hay cũ? Ngon hay không? Đắt hay rẻ?".
Chị Hương, một người dân đi mua hàng tết cho biết: “Tết năm nào tôi cũng mua cho gia đình những thực phẩm này, thú thật, tôi cũng ít khi hỏi đến nguồn gốc, chỉ cần ăn ngon và giá cả phù hợp”.
Bên cạnh hàng hoá không nhãn mác, không nguồn gốc thì việc bánh mứt ngày tết với muôn vàn chủng loại, màu sắc rực rỡ, nguy cơ ngộ độc vì phẩm màu hóa học rất cao.
Trong các khu chợ bày bán đa dạng các mặt hàng nhưng hầu hết đều không có nguồn gốc hay hạn sử dụng.
Tại các chợ đầu mối cũng như các chợ lẻ đều tràn ngập bánh mứt tết; trong đó, mặt hàng mứt với đủ màu sắc tươi sáng từ trắng bạch cho đến đỏ, vàng, tím, xanh..., mà theo lời người bán hàng đều là trái cây như dừa, cà chua, bí… được sấy khô.
Trong những năm gần đây, tuy các loại hạt như dẻ cười, hạnh nhân, hạt bí, óc chó… được khá nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhưng hạt dưa và hạt hướng dương vẫn là hai loại hạt gần như không thể thiếu được trong các gia đình. Tuy nhiên, hạt dưa là một mặt hàng sử dụng khá nhiều phẩm để tạo màu, nếu không lựa chọn cẩn thận, người tiêu dùng rất dễ bị ngộ độc.
Gia đình có trẻ em nên chị Lan (Thụy Khuê – Tây Hồ) rất chú trọng việc lựa chọn thực phẩm cho ngày Tết, đặc biệt là các loại bánh mứt. Chị Lan cho biết: “thị trường bánh mứt rất đa dạng, nhiều màu sắc. Nhà có con nhỏ phải chọn kĩ để tránh mua nhầm hàng kém chất lượng, chứa phẩm màu độc hại”.
Nhưng cũng nhiều người cho biết, dịp Tết đến, phải mua sắm thực phẩm cho gia đình, họ cảm thấy rất lo lắng khi không phân biệt được đâu là thực phẩm dùng màu tự nhiên, đâu là màu hóa học.
Ở khu phố Hàng Buồm, Hàng Đường, chợ Đồng Xuân bày bán tràn lan các loại hoa quả, mứt sấy không có nhãn mác.
Chị Tuyết Trinh (Tây Hồ) nói: “Tết thì phải mua nhiều đồ ăn, mứt Tết, bánh kẹo… nhưng họ lại cho quá nhiều phẩm màu, phần lớn là hàng không có nguồn gốc. Người bán hàng thì nói là phẩm màu tự nhiên nhưng tôi cũng không phân biệt được đâu là phẩm tự nhiên, đâu là hoá học”.
Lo ngại về chất lượng bánh mứt trên thị trường với nhiều loại phẩm màu độc hại, chị Trinh cho biết: “Tôi sẽ tìm hiểu cách làm và tự tay chuẩn bị những loại bánh mứt hợp với khẩu vị gia đình mà lại an toàn".
Trước tình trạng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh bày bán tràn lan, lời khuyên của các bác sĩ là hãy chọn sản phẩm chất lượng của những thương hiệu uy tín. Người tiêu dùng không nên vì giá rẻ mà mua bánh kẹo ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Và dù đã chọn được những thực phẩm có uy tín, chất lượng, người tiêu dùng cũng cần chú ý đến mức độ sử dụng, đặc biệt vì những loại bánh kẹo, mứt Tết có lượng đường lớn. Nếu sử dụng quá nhiều, chất độc tích tụ lâu ngày dễ dẫn đến các bệnh lý khác.
Theo VOV