Cần hoàn thiện hành lang pháp lý, có giải pháp ngăn nạn buôn người ở Việt Nam
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Cần biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm đưa người sang nước ngoài trái phép
Thảo luận về công tác phòng chống tội phạm tại Quốc hội chiều 4/11, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Viện trưởng Nghiên cứu lập pháp) gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân tử vong trong container tại Anh. Ông mong muốn Chính phủ sẽ có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm đưa người sang nước ngoài trái phép.
Theo ông Hiển, một trong những nguyên nhân góp phần vào tình trạng đưa người sang nước ngoài trái phép là do quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động nhiều bất cập, thông tin về các chương trình xuất khẩu lao động rất nhiễu loạn, người dân thiếu thông tin chính xác, kịp thời từ nhà chức trách. Hơn nữa, chi phí xuất khẩu lao động quá cao và không minh bạch. Việc đào tạo, cấp đổi giấy phép kinh doanh xuất khẩu lao động còn nhiều bất cập, trong khi nhu cầu ở nhiều địa phương quá lớn.
"Thực tế đó dẫn đến xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân lừa đảo, thừa cơ đục nước béo cò. Cò xuất khẩu lao động hoạt động ở mọi nơi, các đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép có nhiều đất để hoạt động", ông Hiển phân tích.
Ông đề nghị cơ quan quản lý xuất khẩu lao động rà soát kỹ và có giải pháp khắc phục những bất cập trên. Lực lượng điều tra hải quan cần phối hợp với các nước phát hiện sớm, ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực này.
"Việc tuyên truyền cũng cần đặc biệt chú ý để người dân hiểu rõ hành vi đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp là tội phạm hình sự đặc biệt nghiêm trọng. Đừng để người dân coi vi phạm trên như một thông lệ, rồi tiếp tay cho tội phạm", đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị.
Đau xót trước hành vi lừa đảo phụ nữ sang Trung Quốc bán bào thai
Đại biểu Hứa Thị Hà nêu ý kiến: Trong báo cáo của Chính phủ có đánh giá về tình hình mua bán người hiện nay; tuy nhiên, nội dung này chưa được đánh giá một cách toàn diện, cụ thể và tổng quát.
Trong đó, vấn đề mua bán bào thai là một hành vi mới, hết sức nguy hiểm, chưa có trong tiền lệ nên việc điều tra, xét xử gặp nhiều khó khăn, hành vi này cũng chưa được nhìn nhận, phân tích thấu đáo về phạm trù đạo đức và pháp lý.
Đại biểu Hứa Thị Hà. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
“Khi tìm hiểu về vấn đề này, tôi không khỏi xót xa cho những người mẹ vì hạn chế trong nhận thức và trong hoàn cảnh khó khăn đã bị kẻ xấu lợi dụng rủ rê.
Đơn cử chỉ trong một huyện Kỳ Sơn của Nghệ An, cơ quan công an đã phát hiện 25 trường hợp phụ nữ Khơ Mú mang thai vào những tháng cuối bị rủ rê, lôi kéo sang Trung Quốc bán bào thai, thậm chí có những người không chỉ thực hiện hành vi này một lần.
Đau xót hơn, khi bào thai hay trẻ sơ sinh được coi là món hàng hóa để có thể mua và bán. Những đứa trẻ đã bị định đoạt số phận ngay từ khi trong bụng mẹ, thậm chí ngay từ khi chúng chưa tồn tại dưới bất cứ hình dạng nào, liệu có ai bảo đảm rằng những đứa trẻ này được các nhà hiếm muộn nuôi dưỡng hay lại chuyển đi đâu với mục đích gì” – đại biểu Hứa Thị Hà nói.
Theo đại biểu, việc mua bán làm ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam, làm hoen ố tình mẫu tử thiêng liêng, tạo ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng trong xã hội, để phát hiện vụ việc là rất khó khăn.
Những người mẹ có tâm lý muốn che giấu khó phát hiện, một người phụ nữ mang thai có thể đi nơi khác sinh con mà không khai báo tạm trú, tạm vắng với chính quyền địa phương.
Đại biểu Hứa Thị Hà viện dẫn, theo Bộ luật Hình sự hiện hành thì có 2 điều quy định về tội phạm buôn bán người ở Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi.
Theo quy định thì người dưới 16 tuổi được hiểu là những đứa trẻ từ khi lọt lòng người mẹ đến khi 16 tuổi. Khi thực hiện hành vi mua bán bào thai, họ sang bên kia biên giới. Họ không mang người sang mà chỉ mang theo bào thai.
“Như vậy các văn bản quy phạm pháp luật và giải thích luật thì thai nhi chưa được coi là trẻ em, chưa được thừa nhận là công dân nên chế tài xử lý còn gặp nhiều khó khăn và vất vả cho cơ quan tố tụng. Việc mua bán là trái với quy định của pháp luật” – đại biểu Hứa Thị Hà nhấn mạnh, đồng thời cho rằng:
Người phụ nữ được đưa ra nước ngoài sinh con không lường hết được hậu quả nguy hiểm cho bản thân. Không ý thức được hệ lụy, những hành vi này đã mang mục đích thương mại diễn biến phức tạp, nhưng việc phát hiện và ngăn chặn còn hạn chế.
Tuy nhiên, đến nay chưa được đánh giá một cách tổng thể và chưa có các biện pháp phòng ngừa một cách hiệu quả. Từ sự việc trên cho thấy hạn chế trong công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp và chính quyền địa phương. Công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho đồng bào biên giới chưa được thường xuyên và liên tục. Chính sách pháp luật chưa đầy đủ và đồng bộ để thực thi.
Trước thực trạng trên, đại biểu Hứa Thị Hà đề nghị Chính Phủ cần có nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng nêu trên. Theo đó, Chính phủ cần phải đồng thời hoàn thiện thể chế pháp lý đối với những thủ đoạn mới để có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự; Tăng cường công tác theo dõi dân số, kế hoạch hóa gia đình, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở vững mạnh bám nắm địa bàn, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội;
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trên diện rộng; Chính phủ cần có chính sách tạo điều kiện giúp đỡ cho phụ nữ, những người yếu thế trong xã hội nhanh chóng khắc phục được những khó khăn về kinh tế, xóa đi những mặc cảm, rào cản về bản thân.