Cần đảm bảo chăm lo sức khỏe tâm thần cho người lao động
Quan tâm sức khỏe tâm thần người lao động sau đại dịch
Trao đổi với báo chí, TS. Đoàn Ngọc Xuân (Vụ trưởng Vụ xã hội, Ban Kinh tế Trung ương) nêu thống kê, trong năm 2020, thế giới có thêm 76,2 triệu ca rối loạn lo âu và 53,2 triệu ca rối loạn trầm cảm, tương đương mức tăng 27,6% so với năm trước đó. Đại dịch COVID-19 đã làm tăng gần 1/3 số người mắc chứng rối loạn trầm cảm và lo âu ở hơn 200 quốc gia trên thế giới.
Các rối loạn sức khoẻ tâm thần sẽ làm gia tăng nguy cơ về các chứng bệnh khác và tình trạng tự tử. Không chỉ vậy, cường độ lao động ngày càng cao do mức độ cạnh tranh ngày càng quyết liệt. “Tất cả điều đó kéo theo khả năng gia tăng nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu công tác an toàn, vệ sinh lao động không làm tốt” - TS. Đoàn Ngọc Xuân nói.
Ảnh minh họa. |
Bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam - cũng lưu ý về vấn đề sức khoẻ tâm thần của người lao động.
Theo người đứng đầu ILO tại Việt Nam, khi nói đến an toàn vệ sinh lao động, thường mọi người nghĩ đến sức khoẻ về thể chất, nhưng sức khoẻ tâm thần ngày nay đang nổi lên như một vấn đề nghiêm trọng trong giai đoạn COVID-19, không chỉ cho người lao động mà còn đối với những nhóm khác.
“Trong thời gian dịch COVID-19, nhiều người lao động bị cách ly, làm việc ở nhà, không có sự tiếp xúc với đồng nghiệp, nên nhiều người có thể bị trầm cảm, gặp những vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Một số người có thể tự xử lý được, nhưng cũng có những người sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, cần phải lưu ý đến sức khoẻ tâm thần của người lao động. Đây cũng có thể là một chỉ số để đo lường sức khoẻ của người lao động” - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam nói.
Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết, kể từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường và kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội từ sức khỏe, tính mạng, đời sống của các tầng lớp nhân dân, người lao động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trước bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách chưa có tiền lệ nhằm vừa chống dịch COVID-19, sản xuất an toàn và phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới nhằm thực hiện “mục tiêu kép” với ưu tiên hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh người dân, cố gắng cao nhất bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Rà soát chính sách, pháp luật hiện hành
Một số chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá, dự báo về các yếu tố nguy cơ, rủi ro hiện tại và tương lai đối với việc làm của NLĐ hậu đại dịch COVID-19, qua đó cần quan tâm sâu hơn về sức khỏe tâm thần của người lao động. Trong đó bám sát những khuyến nghị, hướng dẫn, các bộ công cụ của ILO, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về ATVSLĐ để nghiên cứu, áp dụng, cụ thể hóa trong điều kiện của Việt Nam. Đồng thời sửa đổi, bổ sung các chương trình huấn luyện ATVSLĐ hiện hành, bổ sung kiến thức mới về nhận diện, đánh giá các nguy cơ hiện hữu và tương lai, các biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó, không để xảy ra những tình huống bất ngờ, mất kiểm soát…
Theo ông Nguyễn Khánh Long, Trưởng Phòng Chính sách Bảo hộ lao động, Cục An toàn lao động (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội), để góp phần bảo đảm hiệu quả, bền vững Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ hậu COVID-19, các cơ quan, đơn vị chức năng cần tổ chức rà soát, đánh giá những nội dung chính sách, pháp luật hiện hành về ATVSLĐ. Trong đó cần tập trung làm rõ những điểm còn hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với xu thế chung của thế giới, gây hạn chế, khó khăn cho doanh nghiệp và NLĐ trong việc tuân thủ.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đại dịch COVID - 19 đã tác động nặng nề đến ngành chế biến thủy sản. Để phục hồi thì các doanh nghiệp rất cần Chính phủ, các bộ, ngành đến gần hơnvới doanh nghiệp, trong đó Tổng Liên đoàn Việt Nam là cầu nối quan trọng. Ông Nam cùng đề xuất rà soát chính sách, pháp luật hiện hành về ATVSLĐ, từ đó sửa đổi, bổ sung để đơn giản và dễ tra cứu, sử dụng cho doanh nghiệp hơn.
Còn quyền Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ Nguyễn Anh Thơ cho rằng, các nghiên cứu, báo cáo khảo sát đã xác định rõ từng nguy cơ, rủi ro đối với an toàn sản xuất, an toàn cháy nổ, môi trường, sức khỏe nghề nghiệp, nguy cơ lây mắc COVID-19, cũng như các yếu tố về sinh học hóa chất hay bất kỳ nguy cơ gây tai nạn, sự cố, bệnh tật nào khác. Đồng thời phân tích, đưa ra biện pháp, cách thức quản trị các rủi ro để phòng ngừa hiệu quả tai nạn, sự cố sản xuất, cháy nổ, ô nhiễm môi trường.
Từ thực tế đó, ông Nguyễn Anh Thơ cho rằng, được làm việc trong môi trường an toàn, NLĐ mới yên tâm làm việc, nâng cao năng suất lao động, góp phần vào sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, phục hồi kinh tế và phát triển bền vững đất nước.
GNI hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) Tổ chức GNI phối hợp với UBND huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa) vừa tổ chức ra mắt và giới thiệu Phòng tham vấn học đường tại Trường THCS Vĩnh Hưng đóng trên địa bàn. Đây là một trong những hoạt động thuộc Dự án “Nâng cao sức khỏe tinh thần cho học sinh tại huyện Vĩnh Lộc trong đại dịch COVID-19” do GNI triển khai năm 2022. |
Bổ sung 512 tỷ đồng trợ giúp người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 627/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội và Chương trình trợ giúp xã hội đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí. |